Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Người kiểm duyệt: - Xuất bản: 04/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 15/01/2024
Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả
Suy gan: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả - Ảnh: BookingCare
"Suy gan" là một thuật ngữ y học được sử dụng để mô tả tình trạng suy giảm chức năng gan. Nếu không được cứu chữa kịp thời, tỉ lệ tử vong là rất lớn.

Gan là một trong những bộ phận quan trọng không thể thiếu của cơ thể, đảm nhận nhiều chức năng như: sản xuất protein, thải độc, tiêu hóa, dự trữ glycogen,... Khi một người bị suy gan, các chức năng này bị gián đoạn, thậm chí nặng hơn là có thể ngừng hoạt động, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Suy gan là gì?

Trong nhiều trường hợp, suy gan được xem là bệnh gan giai đoạn cuối bởi hầu hết những người mắc các bệnh về gan như: viêm gan, xơ gan, ung thư gan,... nếu không được điều trị kịp thời hoặc đúng cách đều sẽ dẫn đến suy gan.

Tùy thuộc vào giai đoạn suy gan mà những chức năng bình thường của gan sẽ bị ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau. Nếu người bệnh bị suy gan giai đoạn cuối, tỉ lệ sống sót trên 5 năm chỉ khoảng 3%.

Suy gan được chia thành 2 loại, bao gồm:

  • Suy gan mãn tính: Đây là loại bệnh suy gan phổ biến nhất, hay còn gọi là xơ gan. thường gặp ở những người  đã mắc sẵn những căn bệnh về gan trước đó. Khi không được điều trị hiệu quả, gan ngày càng bị tổn thương và không thể hồi phục. Lâu dần dẫn đến suy gan.
  • Suy gan cấp tính: Khác với suy gan mãn tính, suy gan cấp tính có khả năng tiến triển rất nhanh chỉ trong vài ngày cho đến vài tuần, đối tượng mắc bệnh gần như không mắc bất kỳ bệnh lý về gan nào trước đó.
Suy gan là gì?  - Ảnh: Internet

Nguyên nhân gây bệnh suy gan

Suy gan cấp tính và suy gan mãn tính có nhiều đặc điểm khác nhau bởi chúng xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau.

  • Nguyên nhân gây suy gan cấp tính:
    • Người bệnh bị nhiễm khuẩn nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn
    • Nhiễm độc từ thực phẩm hoặc các loại chất độc công nghiệp
    • Phản ứng với một số loại thuốc kê đơn hoặc thảo dược
    • Phản ứng với chất bảo quản
    • Các loại vi-rút bao gồm viêm gan A, B và E, vi-rút Epstein-Barr, vi-rút cytomegalo và vi-rút herpes simplex 
    • Bệnh viêm gan tự miễn dịch
    • ...
  • Nguyên nhân gây suy gan mãn tính:
    • Người lạm dụng rượu bia trong một thời gian dài khiến gan bị tổn thương và mắc các bệnh lý gan nghiêm trọng.
    • Một số bệnh gan nguy hiểm có thể dẫn đến suy gan như: viêm gan B, viêm gan C, xơ gan, ung thư gan,...
    • Haemochromatosis di truyền: là một dạng rối loạn di truyền đặc trưng bởi sự tích tụ sắt quá nhiều (Fe) dẫn đến tổn thương mô, người mắc chứng bệnh này thường bị xơ gan và cuối cùng dẫn đến suy gan nếu không được điều trị hiệu quả.
    • ...

Các triệu chứng thường gặp của bệnh suy gan

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh mà các triệu chứng có thể biểu hiện khác nhau. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp của bệnh suy gan:

  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Ăn không ngon
  • Tiêu chảy
  • Nôn ra máu
  • Xuất hiện máu trong phân

Khi suy gan càng tiến triển, triệu chứng càng trở nên nghiêm trọng hơn. Một số triệu chứng đáng lo ngại trong giai đoạn sau bao gồm:

  • Vàng da (vàng da và mắt)
  • Cơ thể mệt mỏi
  • Mất phương hướng
  • Tích tụ chất lỏng ở bụng và tứ chi đặc biệt là chân

Xét nghiệm chẩn đoán suy gan

Suy gan sẽ rất khó để chẩn đoán chính xác cũng như phán đoán mức độ nghiêm trọng của bệnh nếu chỉ dựa trên những biểu hiện và triệu chứng lâm sàng.

Nếu một người mắc bệnh về gan hoặc thường xuyên sử dụng rượu bia mà có những biểu hiện suy gan nêu trên, người bệnh cần thăm khám ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Một số phương pháp chẩn đoán suy gan cơ bản bao gồm:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Siêu âm, chụp CT, chụp MRI
  • Sinh thiết gan

Các phương pháp điều trị bệnh suy gan

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh suy gan, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:

  • Điều trị bằng thuốc
  • Phẫu thuật ghép gan

Bên cạnh những phương pháp điều trị nêu trên, người bệnh cần đặc biệt lưu ý điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn, giảm cân (nếu cần thiết), hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện.

Biến chứng của bệnh suy gan

Suy gan nếu không được điều trị hiệu quả có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Phù não: Đây là một trong những biến chứng thường gặp nhất của suy gan cấp tính, chất lỏng không chỉ tích tụ ở bụng mà còn có thể tích tụ trong não, gây phù não và huyết áp cao.
  • Các vấn đề về đông máu: Gan đóng vai trò quan trọng đối với quá trình đông máu trong cơ thể, vì vậy khi cơ quan này bị tổn thương, hiện tượng chảy máu không kiểm soát rất dễ xảy ra nếu người bệnh bị chảy máu do tổn thương, va chạm, phẫu thuật,...
  • Nhiễm trùng: Suy gan giai đoạn cuối rất dễ gây ra viêm phổi và nhiễm trùng tiểu.
  • Suy thận: Suy gan gây ảnh hưởng đến hoạt động của thận, có thể dẫn đến suy thận.

Phòng ngừa bệnh suy gan

Cách tốt nhất để ngăn ngừa suy gan là hạn chế nguy cơ mắc bệnh xơ gan hoặc viêm gan. Dưới đây là một số lưu ý giúp ngăn ngừa những tình trạng này:

  • Tiêm vắc-xin viêm gan để ngăn ngừa viêm gan A và B.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, đầy đủ chất
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh .
  • Không lạm dụng rượu bia và các loại đồ uống có cồn đặc biệt là khi đang dùng acetaminophen .
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh hoặc chạm vào bất kì đồ vật không sạch sẽ nào.
  • Không dùng chung vật dụng vệ sinh cá nhân, kể cả bàn chải đánh răng và dao cạo râu.
  • Nếu bạn xăm mình hoặc xỏ khuyên trên cơ thể, hãy đảm bảo điều kiện vệ sinh và tất cả các thiết bị đều vô trùng.
  • Quan hệ tình dục sử dụng biện pháp an toàn
  • ...

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh suy gan mà mọi người cần nắm rõ. Mời bạn đọc truy cập Cẩm nang sống khỏe của BookingCare để tìm đọc thêm nhiều bài viết y khoa hữu ích.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết