- Xuất bản: 27/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 27/11/2023
Phân biệt khí hư bình thường và khí hư bất thường
Khí hư là một trong những dấu hiệu "tố cáo" sức khỏe vùng kín. Khí hư bất thường có thể do viêm nhiễm Phụ khoa, nhưng cũng có thể do bệnh lý Phụ khoa nguy hiểm khác. Tham khảo bài so sánh sau đây để phân biệt được khí hư bình thường và khí hư bất thường.
Khí hư (hay còn gọi là huyết trắng, dịch tiết âm đạo) là chất dịch tiết ra từ âm đạo khi đến tuổi dậy thì ở nữ giới.
Khí hư là một dấu hiệu thể hiện sự phát triển và hoạt động của cơ quan sinh dục nữ. Đồng thời các biểu hiện khí hư có màu sắc, mùi, tính chất bất thường cũng là các dấu hiệu chỉ điểm bệnh lý đường sinh dục.
Trong quá trình hỗ trợ nữ giới đặt lịch đi khámSản phụ khoa, BookingCare nhận thấy các vấn đề về khí hư được các chị em quan tâm rất nhiều.
Thế nào là khí hư bình thường?
Khí hư bình thường có màu trắng trong như lòng trắng trứng hoặc trắng đục, không có mùi hoặc mùi tanh nhẹ, không gây ngứa.
Số lượng và tính chất của khí hư thay đổi tùy theo từng giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt:
Ở giai đoạn trước và sau khi trứng rụng, khí hư thường ít và không dai.
Ở thời điểm rụng trứng, khí hư thường nhiều, loãng trong và dai.
Số lượng và tính chất của khí hư sinh lý thay đổi tùy theo từng độ tuổi, giai đoạn trong chu kì kinh nguyệt cũng như những thời điểm đặc biệt của người phụ nữ.
Khoảng thời gian giữa chu kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là trước thời điểm rụng trứng 12 - 24 giờ lượng estrogen cơ thể tăng lên, dịch tiết ra nhiều, vì thế khiến phụ nữ cảm thấy ẩm ướt, khó chịu ở cửa mình.
Phân biệt khí hư bình thường và khí hư bất thường
Vậy biểu hiện của khí hư như thế nào thì báo hiệu tình trạng sức khỏe “vùng kín” của chị em cần được thăm khám Phụ khoa. Tham khảo bảng so sánh sau đây để phân biệt rõ hơn:
Khí hư bình thường
Khí hư bất thường
Màu sắc
Có màu trắng trong như lòng trắng trứng
Có thể có màu trắng bột, vàng, vàng xanh, xám, bạch đới, có bọt khí...
Tính chất
Khí hư dai, có thể kéo thành sợi
Khí hư chuyển thành vón cục, loãng hoặc có bọt
Mùi
Không mùi hoặc hơi tanh
Mùi hôi, tanh nhiều hoặc mùi chua rất khó chịu
Số lượng
Khí hư tiết ra ít. Tiết ra nhiều hơn ở một số thời điểm:
Trước khi rụng trứng
Trước thời kỳ hành kinh
Khi mang thai
Hoặc khi có cảm hứng quan hệ tình dục
Khí hư tiết ra nhiều bất thường
Khí hư bất thường nếu không được xử lý kịp thời, đúng cách sẽ gây ra rất nhiều hậu quả khôn lường. Khí hư bất thường khiến tinh trùng khó di chuyển để thụ thai, làm giảm số lượng, chất lượng tinh trùng hoặc là dấu hiệu của viêm nhiễm phụ khoa, gây viêm nhiễm ngược dòng ảnh hưởng tới vòi trứng, buồng trứng,...
Bắt bệnh Phụ khoa qua màu sắc khí hư
Màu sắc của khí hư thường trong hoặc có màu trắng sữa, nhưng mất cân bằng độ pH, nhiễm trùng hoặc các rối loạn sức khỏe khác có thể làm thay đổi màu sắc của khí hư.
1. Trắng và sền sệt
Khí hư bình thường sẽ có màu trắng sữa nhưng nếu nó giống sữa chua và có thể vón cục cùng với tình trạng sưng, đau âm hộ, ngứa, rát và đau khi giao hợp, đó có thể là dấu hiệu nhiễm nấm.
2. Vàng hoặc xanh
Khí hư màu vàng như mủ mũi hoặc xanh và có mùi tanh có thể là dấu hiệu củaviêm âm đạo, dẫn tới nóng, đỏ và sưng ở vùng kín.
3. Khí hư màu nâu hoặc màu máu
Khí hư màu nâu hoặc màu máu nhưng các bạn cũng đừng lo lắng quá. Hãy đến gặp bác sỹ để khám và tìm ra nguyên nhân, điều trị sớm.
Nó có thể do viêm cổ tử cung , polyp cổ tử cung gây chảy máu…
Nó có thể là dấu hiệu mang thai thời kỳ đầu, kinh nguyệt thất thường.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ đây là triệu chứng của ung thư cổ tử cung hoặc nội mạc tử cung.
4. Màu đục hoặc vàng
Khí hư màu đục hoặc vàng có thể cảnh báo dấu hiệu nhiễm trùng do bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu.
Những dấu hiệu khác ngoài màu sắc của dịch tiết cần theo dõi là xuất huyết giữa kỳ kinh, tiểu tiện không tự chủ và đau vùng chậu.
5. Màu vàng hoặc hơi xanh
Khí hư màu vàng hoặc hơi xanh, có bọt có thể là dấu hiệu nhiễm trùng roi âm đạo. Ngoài tiết dịch, bệnh có thể gây đau hoặc nóng rát khi đi tiểu.
Khí hư bất thường, màu sắc thay đổi có thể do viêm nhiễm đơn giản, nhưng cũng có thể do một bệnh lý Phụ khoa nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của chị em phụ nữ. Vì vậy, chị em đừng chủ quan, hãy thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần để có thể bảo vệ sức khỏe bản thân được tốt nhất.