Phụ nữ có thai bị dọa sinh non cần làm gì?

Tác giả: - Xuất bản: 16/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 16/11/2023
Phụ nữ mang thai bị dọa sinh non cần phải làm gì?
Phụ nữ mang thai bị dọa sinh non cần phải làm gì? - Ảnh; BookingCare
Phụ nữ mang thai có dấu hiệu bị dọa sinh non cần được điều trị như thế nào để có thể đảm bảo an toàn cho mẹ và bé? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Sinh non là một trong những vấn đề nguy hiểm gây ra nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển của em bé khi chào đời. Trẻ sinh thiếu tháng có tỉ lệ tử vong và bệnh tật cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng.

Do đó, việc nhận biết- điều trị và dự phòng sinh non - dọa sinh non là một vấn đề cần được quan tâm. Khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường cảnh báo dọa sinh non, chị em cần đi khám ngay để được hỗ trợ kịp thời.

Chị em cần làm gì khi có dấu hiệu dọa sinh non?

Phụ nữ mang thai có thể ngăn ngừa sinh non bằng cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo chuyển dạ sớm và tìm kiếm sự chăm sóc sớm nếu những dấu hiệu này xảy ra. 

May mắn là, có khá nhiều biện pháp y khoa hiện đại có thể hỗ trợ chị em kéo dài thời gian mang thai ngay cả khi cơ thể có dấu hiệu bị dọa sinh non. Giúp thai nhi được phát triển hoàn thiện nhất  có thể.

Chị em nên thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị hiệu quả nhất. Tùy thuộc vào tình trạng của người mẹ cũng như độ tuổi của thai nhi mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị dọa sinh non tại nhà phổ biến:

  • Về tư thế nằm: Chị em nên chọn tư thế nằm bản thân cảm thấy thoải mái, dễ chịu, có thể nằm ngửa, nghiêng phải hoặc nghiêng trái. Với một số chị em bụng quá to hay ối quá nhiều, thai to khiến cho tử cung to chèn ép vào lồng ngực thì việc nằm ngửa có thể sẽ gây khó thở và cơn co cứng bụng hay xảy ra hơn, trong trường hợp này các chị em hãy nằm hơi nghiêng sang một bên để giảm cảm giác khó chịu này. Nằm và hít sâu thở đều để bụng mềm dần ra hơn.
  • Bổ sung nước: Cơ thể mất nước có thể gây ra những cơn co thắt, chị em có thể thử uống một hoặc 2 ly nước lớn và nên duy trì khoảng 1.5 - 2 lít nước/ ngày. 

Trong trường hợp dọa sinh non bắt buộc phải can thiệp bằng các biện pháp y khoa, dưới đây là một số phương án mà các bác sĩ có thể lựa chọn:

  • Nếu thai chỉ mới được 24­ – 34 tuần tuổi mà mẹ lại có dấu hiệu sắp sinh, bác sĩ có thể tiêm cho mẹ trưởng thành phổi hay chính là corticosteroid trong vòng 24 giờ trước khi sinh để giúp phổi thai nhi trưởng thành, làm giảm nguy cơ suy hô hấp do sinh non tháng. 
  • Sử dụng thuốc giảm co nếu có cơn co xuất hiện, thuốc giảm co sẽ có tác dụng kéo dài thời gian giúp tiêm trưởng thành phổi cho thai và vận chuyển sản phụ tới cơ sở y tế chuyên khoa. Thuốc giảm co có thể ở đường uống hoặc đường truyền. Các biện pháp khác như: thuốc kháng sinh nếu nghi ngờ có vỡ ối hay rỉ ối bổ sung magie sunfat giúp bảo vệ não thai nhi với những thai nhỏ hơn 32 tuần.  
  • Nếu quá trình chuyển dạ vẫn tục diễn ra và không thể dừng lại, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ sẵn sàng cho việc đỡ đẻ. Họ cũng có thể làm điều này khi chị em bị nhiễm trùng nước ối và tử cung hoặc bị bệnh như tiền sản giật nặng hoặc sản giật (huyết áp cao xảy ra trong thai kỳ).

Các biện pháp phòng ngừa dọa sinh non

Dọa sinh non rất khó để phòng ngừa một cách triệt để bởi có khá nhiều nguyên nhân có thể tác động và gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, chị em đang hoặc sắp có ý định mang thai có thể lưu ý những biện pháp dưới đây để có thể thúc đẩy một thai kỳ hoàn thiện, khỏe mạnh:

  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh

Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều axit béo không bão hòa đa (PUFA) có thể làm giảm nguy cơ sinh non. PUFA được tìm thấy nhiều trong các loại hạt, cá và dầu hạt.

  • Tránh xa các chất nguy hiểm, độc hại,...

Thuốc lá, rượu bia, chất kích thích hay những loại thực phẩm không lành mạnh chứa nhiều chất béo, chất bảo quản,... cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ khiến thai nhi phát triển không lành mạnh. Chị em cần tránh xa những loại chất độc hại này.

  • Giữ khoảng cách giữa các lần mang thai

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự liên quan giữa khoảng cách mang thai dưới 6 tháng và sinh non. Chị em cần có kế hoạch sinh đẻ phù hợp để có thể đảm bảo sức khỏe cho cả bản thân và thai nhi.

  • Kiểm soát tình trạng các bệnh khác (Nếu có)

Phụ nữ mắc các bệnh mãn tính chẳng hạn như tiểu đường, huyết áp cao hoặc béo phì có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Nếu có thể, chị em cần kiểm soát tốt bệnh này, trước khi mang thai để giảm thiểu nguy cơ bị dọa sinh non.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về cách điều trị cũng như các biện pháp phòng ngừa dọa sinh non. Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường, chị em cần thăm khám sớm để được hỗ trợ kịp thời.