Phương pháp châm cứu chữa đau lưng có thật sự hiệu quả?
Phương pháp châm cứu chữa đau lưng có thật sự hiệu quả?
Phương pháp châm cứu chữa đau lưng có thật sự hiệu quả? - Ảnh: BookingCare

Phương pháp châm cứu chữa đau lưng có thật sự hiệu quả?

Tác giả: - Xuất bản: 19/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 19/01/2024
Châm cứu chữa đau lưng (yêu thống) tuỳ theo nguyên nhân gây bệnh mà phác đồ châm cứu khác nhau. Cùng tìm hiểu về liệu trình châm cứu điều trị đau lưng cấp và mạn qua bài viết dưới đây. 

Châm cứu chữa đau lưng là phương pháp được nhiều người lựa chọn hiện nay bởi hiệu quả, độ an toàn và hạn chế được tác dụng phụ lên cơ thể. Vậy thực chất phương pháp điều trị châm cứu chữa đau lưng có những ưu nhược điểm gì? Cách châm cứu chữa đau lưng ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

Tổng quan về đau lưng 

Đau lưng là triệu chứng người bệnh than phiền đau một bên hay hai bên cột sống hoặc có thể đau ngay chính giữa cột sống, là một trong những chứng bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Y học cổ truyền gọi đau lưng là chứng “yêu thống”. 

Đau lưng gồm hai thể: đau lưng cấp và đau lưng mạn 

Theo Y học cổ truyền, Đau lưng cấp có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: 

  • Đau lưng cấp do hàn thấp: xảy ra đột ngột do bị lạnh (mưa, ẩm thấp) do lao lực mồ hôi chảy ra làm quần áo ẩm ướt sinh thấp cảm nhiễm vào cơ thể, hoặc nằm lâu ở nơi ẩm thấp lạnh lẽo, hoặc lội nước lao động, đi lại trong trời mưa gió, hoặc gặp phải gió lạnh làm bế tắc kinh lạc vùng lưnggây co cứng cơ ở cột sống một bên hoặc hai bên. 
  • Đau lưng cấp do thấp nhiệt: cảm phải tà thấp nhiệt vào mùa hè, hoặc cảm phải phong hàn lâu ngày hàn chuyển hóa thành nhiệt làm khí huyết kinh lạc tắc trở không thông gây đau lưng . 
  • Đau lưng cấp do khí trệ huyết ứ: do làm việc lao lực hay do thay đổi tư thế đột ngột hoặc mang vác nặng sai tư thế, làm tổn thương gân cơ dây chằng vùng thắt lưng khí huyết trong kinh lạc vùng thắt lưng vận hành không thông, khí trệ huyết ứ nên dẫn đến đau lưng. 

Đau lưng mạn là tình trạng đau lưng cấp không được điều trị hoặc điều trị chưa khỏi, bệnh trở thành mạn tính. Ngoài ra, đau lưng mạn  còn có thể do tuổi cao, thận khí suy, lao lực quá độ, bệnh lâu ngày suy nhược mà xuất hiện đau lưng. 

Đau lưng gồm hai thể: đau lưng cấp và đau lưng mạn - Ảnh: FreepikĐau lưng gồm hai thể: đau lưng cấp và đau lưng mạn - Ảnh: Freepik
Đau lưng gồm hai thể: đau lưng cấp và đau lưng mạn - Ảnh: Freepik

Châm cứu chữa đau lưng như thế nào? 

Tuỳ theo nguyên nhân gây đau lưng mà phác đồ châm cứu và điều trị có thể khác nhau. Cụ thể:

Châm cứu chữa đau lưng do hàn thấp 

Khi lưng bị nhiễm lạnh, mưa, ẩm thấp, các mạch máu và cơ lưng bị co lại khiến máu khó lưu thông qua khu vực này. Điều này có thể ảnh hưởng tới hoạt động cơ bắp, các dây thần kinh, từ đó gây đau nhức lưng. 

  • Triệu chứng: đau lưng xảy ra đột ngột, vùng thắt lưng lạnh đau, cảm giác nặng nề, xoay chuyển khó khăn đau nhiều, không cúi được, trở mình cũng đau, thường đau một bên, gặp ngày mưa, âm u thì bệnh nặng hơn ấn các cơ sống lưng bên đau co cứng, mạch trầm hoạt. 
  • Châm cứu: A thị huyệt (huyệt tại chỗ), Thận du, Đại trường du, Bát liêu, Uỷ trung, Dương lăng tuyền, Phong trì, Âm lăng tuyền, Túc tam lý, Trật biên, Hoàn khiêu bên đau. Dùng phương pháp châm tả kết hợp cứu (hoặc ôn châm). 

Châm cứu chữa đau lưng do khí trệ huyết ứ 

Nguyên nhân gây ra tình trạng này do mang vác vật nặng, sai tư thế, sang chấn vùng cột sống thắt lưng gây tụ máu vùng lưng và dẫn tới những cơn nhức mỏi, hạn chế vận động. 

  • Triệu chứng: đau sau thay đổi tư thế, sang chấn, đau dữ dội ở một chỗ, hạn chế vận động, cảm giác đau nhói, châm chích, vị trí đau rõ, cố định, ngày bớt, đêm đau nhiều hơn; mức độ nhẹ thì cúi ngửa khó khăn, nặng thì nhiều khi không cúi, không đi lại được, cơ co cứng, ấn vào đau nhiều chói khó chịu. 
  • Châm cứu: A thị huyệt, Thận du, Đại trường du, Bát liêu, Uỷ trung, Dương lăng tuyền, Cách du, Huyết hải, Trật biên, Hoàn khiêu cùng bên đau. Pháp châm tả. 

Châm cứu chữa đau lưng do thấp nhiệt 

  • Triệu chứng: Thấp nhiệt hay tình trạng viêm ở vùng lưng, biểu hiện có sưng, nóng, vùng cột sống thắt lưng đau, kèm theo triệu chứng sốt cao, sợ gió. 
  • Châm cứu: A thị huyệt, Thận du, Đại trường du, Bát liêu, Uỷ trung, Dương lăng tuyền cùng bên đau, Phong long, Túc tam lý, Âm lăng tuyền, Khúc trì, Hợp cốc. Pháp châm tả. 

Châm cứu chữa đau lưng mạn tính 

Đau lưng cấp không được điều trị hoặc điều trị chưa khỏi có thể trở thành đau lưng mạn tính. Bệnh hay gặp ở người già, người bị thoái hoá cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, loãng xương...

  • Triệu chứng: thắt lưng đau âm ỉ kèm tê yếu là chính, thính ấn thích xoa nắn, lưng gối không có sức, lao lực thì bệnh nặng hơn, tăng khi chịu trọng lực (đi, ngồi, đứng), nằm nghỉ, ngồi dựa thì bệnh giảm bớt, bệnh thường hay phát tác,  kèm các chứng can thận hư: lưng gối đau mỏi, tiểu tiện nhiều, ù tai, ngủ ít, mạch trầm tế. 
  • Châm cứu: Tại chỗ dùng châm hay cứu tuỳ theo hư hàn hay âm hư (âm hư thì châm bổ, hư hàn thì cứu). Châm cứu các huyệt vùng lưng: Thận du, Đại trường du, Mệnh môn, Chí thất, Bát liêu, Thái kê, Đại trữ, Tuyệt cốt, Ủy trung, Trật biên, Hoàn khiêu…
Phác đồ châm cứu chữa đau lưng theo từng thể bệnh - Ảnh: Freepik
Phác đồ châm cứu chữa đau lưng theo từng thể bệnh - Ảnh: Freepik

Vị trí một số huyệt thường dùng châm cứu chữa đau lưng 

  • Huyệt Thận du: vị trí khe đốt sống thắt lưng L2 – L3 đo ngang ra 1.5 thốn (1 thốn bằng 1/75 chiều cao cơ thể hoặc đo 1 thốn bằng độ rộng đốt xa ngón cái theo tay người bệnh)
  • Huyệt Đại trường du: vị trí khe đốt sống thắt lưng L4 – L5 đo ngang ra 1.5 thốn
  • Huyệt Bát liêu: Bát liêu bao gồm huyệt Thượng liêu, huyệt Thứ liêu, huyệt Trung liêu, huyệt Hạ liêu 2 bên. Các huyệt nằm ở lỗ sau xương cùng (S1, S2, S3, S4) 
  • Huyệt Uỷ trung: ở chính giữa nếp lằn khoeo chân. 
  • Huyệt Dương lăng tuyền: dưới đầu gối 1 thốn, huyệt nằm ở chỗ hõm phía trước trong đầu dưới xương mác, giữa cơ mác dài và cơ duỗi chung các ngón.

Những ưu điểm, nhược điểm của châm cứu chữa đau lưng 

Ưu điểm 

Châm cứu có thể đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân đau lưng, bao gồm: 

  • Giảm đau nhanh chóng: bao gồm những cơn đau nhức âm ỉ mạn tính tại lưng hoặc lan ra các chi và các cơn đau do co cứng cơ. Các đầu kim châm cứu tác động vào các huyệt giúp ức chế đường dẫn truyền đau đến  hệ thần kinh trung ương, giải phóng các hoá chất như opioid, endorphin, cortisol giúp giảm đau tự nhiên
  • Cải thiện chức năng thần kinh: châm cứu giúp cải thiện khả năng dẫn truyền của dây thần kinh bị chèn ép. Từ đó giúp cho các tín hiệu được truyền đạt tốt hơn.
  • Cải thiện tuần hoàn: Châm cứu có tác dụng kích thích giải phóng adenosine tại vị trí kích thích bằng kim và giúp tăng lưu lượng máu cục bộ tại vùng châm. Làm các mô cơ tổn thương vùng lưng được nuôi dưỡng tốt hơn, nhanh hồi phục. 
  • Giảm căng thẳng, mệt mỏi: châm cứu làm giảm bớt căng thẳng, áp lực và stress cho người bệnh, giúp an thần và dễ ngủ hơn. 
  • An toàn, hiệu quả: Châm cứu chữa đau lưng có tác dụng tốt trong điều trị đau lưng cấp và mạn, giúp giảm đau và tình trạng co cứng cơ. Hạn chế tối đa nguy cơ tác dụng phụ do lạm dụng thuốc giảm đau. 
Những ưu nhược điểm của châm cứu chữa đau lưng - Ảnh: Freepik
Những ưu nhược điểm của châm cứu chữa đau lưng - Ảnh: Freepik

Nhược điểm 

Bên cạnh những ưu điểm trên, liệu pháp châm cứu cũng có những nhược điểm mà người bệnh cần lưu ý: 

  • Thời gian chữa trị lâu: cơn đau có thể cải thiện ngay sau khi điều trị bằng châm cứu. Tuy nhiên, để khỏi hẳn thì bạn cần kiên trì châm cứu trong thời gian dài theo hướng dẫn của bác sĩ. 
  • Chỉ được thực hiện từ những người có chuyên môn cao: Châm cứu nên được thực hiện ở cơ sở uy tín, bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm để có hiệu quả tốt nhất và hạn chế những ảnh hưởng không tốt tới cơ thể. 
  • Một số tai biến khi châm cứu: châm cứu có thể gặp phải một số tai biến như choáng, ngất, gãy kim, nhiễm khuẩn, chảy máu… Do vậy, trước khi châm cứu, bạn cần trao đổi kỹ với bác sĩ.

Bài viết trên đây đã chia sẻ đến bạn phương pháp châm cứu chữa đau lưng. Hy vọng bài viết giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý đau lưng và những ưu nhược điểm của châm cứu trong điều trị đau lưng.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết