Người bị bệnh viêm họng cấp có thể tự khỏi sau 3-5 ngày trong trường hợp bị viêm họng nguyên nhân do virut. Nếu do vi khuẩn gây bệnh thì tình trạng bệnh sẽ kéo dài hơn và cần phải có một phương pháp điều trị cụ thể để có thể chữa dứt điểm bệnh viêm họng cấp tính.
Điều trị kháng sinh
Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh đều đặn trong 5-10 ngày để ức chế sự lây lan của vi khuẩn và nhiễm trùng.
Khi chưa có xét nghiệm tìm virus hoặc vi khuẩn gây bệnh, mọi trường hợp viêm họng cấp ở bệnh nhân trên 3 tuổi đều phải được điều trị như viêm họng cấp do liên cầu khuẩn. Bao gồm các phương pháp điều trị kháng sinh một cách có hệ thống:
Kháng sinh nhóm beta lactam hoặc một số nhóm kháng sinh khác: Amoxicilin, cephalexin, erythromycin, clarithromycin.
- Penicillin V uống 50-100 UI/kg cho trẻ, 3 triệu UI cho người lớn, chia 3 lần trong ngày, điều trị kéo dài trong 10 ngày.
- Penicillin chậm loại Benzathine-Penicillin G liều 600.000UI cho trẻ < 30kg và 1,2 triệu UI cho trẻ > 30kg và 2,4 triệu UI cho người lớn.
- Cephalosporin thế hệ 1, hoặc Penicillin A (Amoxicilline) điều trị trong 10 ngày.
- Trường hợp dị ứng với Penicillin thì có thể thay thế nhóm Macrolid như Rulide, Zithromax, Dynapac, hay Josacine trong 5-7 ngày.
Trong trường hợp khi thấy các triệu chứng của viêm họng còn nhẹ và chưa có biến chứng, bác sĩ có thể chưa dùng kháng sinh ngay mà cần làm xét nghiệm vi khuẩn ở họng. Kết quả xét nghiệm sẽ có trong 3-4 ngày sau, sẽ cho biết chính xác loại vi khuẩn gây bệnh, nhờ vậy việc sử dụng thuốc kháng sinh đặc trị hơn, việc điều trị trở nên chính xác và hiệu quả hơn, tránh trường hợp nhờn thuốc.
Điều trị triệu chứng của bệnh viêm họng cấp
Viêm họng do virut sẽ không sử dụng thuốc kháng để điều trị bệnh mà thường được điều trị triệu chứng bằng các thuốc hạ sốt, kháng viêm, giảm đau như sau:
Thuốc giảm đau, hạ sốt giúp làm giảm nhanh tình trạng sốt cao do viêm họng cấp gây ra. Một số loại thuốc thường được sử dụng phổ biến gồm:
- Acetaminophen (Tylenol)
- Ibuprofen (Advil, Motrin)
- Aspirin (Không sử dụng aspirin cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 16 tuổi).
Tuy nhiên đối với bệnh nhân bị viêm loét dạ dày - tá tràng cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Điều trị tại chỗ bằng súc họng và nhỏ mũi
- Dung dịch súc miệng: giúp sát trùng, kháng khuẩn để phòng ngừa bội nhiễm, làm dịu niêm mạc họng như BBM, clorat kali 1% hoặc nước muối sinh lý.
- Thuốc xịt trị đau họng có chứa chất khử trùng gây tê như phenol.
- Điều trị tại chỗ bằng bôi họng, súc họng, khí dung họng.
Đa số người mắc bệnh viêm họng cấp sẽ được điều trị theo các phương pháp được giới thiệu qua bài viết trên đây. Tuy nhiên, phương pháp này có thể được điều chỉnh nếu người bệnh có một thể trạng đặc biệt (mắc bệnh viêm họng kèm theo các bệnh lý toàn thân khác hay người có cơ địa dị ứng…) do đó bạn cần phải được các bác sĩ thăm khám để được chỉ định điều trị cho phù hợp.