Tất cả những điều cần biết về viêm họng cấp tính
Tất cả những điều cần biết về viêm họng cấp tính - Ảnh BookingCare
Tất cả những điều cần biết về viêm họng cấp tính - Ảnh BookingCare

Tất cả những điều cần biết về viêm họng cấp tính

Tác giả: - Xuất bản: 08/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/12/2023
Họng miệng bị viêm có thể ảnh hưởng đến chức năng: nói, nuốt, nghe, cảm nhận mùi vị... điều đó làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, nhận biết bệnh viêm họng cấp nhanh - điều trị kịp thời là điều cần thiết.

Giao mùa là thời điểm thuận lợi cho sự phát triển của virut và vi khuẩn. Chúng gây bệnh cho cơ thể, trong đó có bệnh viêm họng cấp. Viêm họng cấp gặp ở cả trẻ em và người lớn, trong đó trẻ em và người lớn tuổi thường xuyên mắc phải do có sức đề kháng kém hơn. 

Viêm họng cấp tính là gì?

Viêm họng là viêm niêm mạc và tổ chức dưới niêm mạc ở họng. Nói đến viêm họng chủ yếu là nói đến viêm ở họng miệng. Viêm họng cấp tính tức là viêm cấp tính của niêm mạc họng miệng kết hợp chủ yếu với viêm amiđan (A) khẩu cái. Vì thường xuyên có sự kết hợp này nên viêm họng cấp còn được gọi là viêm họng - viêm amidan cấp. 

Viêm họng là một trong những bệnh đường hô hấp khá phổ biến, xảy ra quanh năm nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Bệnh thường xuất hiện với viêm VA, viêm amidan. Nguyên nhân có thể do vi khuẩn (phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác sẵn có ở họng) hay virut cúm, virut sởi...

Nói đến viêm họng chủ yếu là nói đến viêm họng đỏ cấp. 

Triệu chứng viêm họng cấp

Viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột với các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm: 

  • Người bệnh sốt cao 39 - 40 độ C.
  • Nuốt đau, rát họng.
  • Lúc đầu, bệnh nhân thấy khô nóng trong họng, dần dần thành cảm giác đau rát, tăng lên khi nuốt, khi ho và khi nói.
  • Người bệnh thấy đau lên tai và đau nhói khi nuốt.
  • Thường có kèm theo chảy mũi nhầy và tắc mũi.
  • Trong trường hợp viêm họng cấp do virut cúm thì các triệu chứng khá nặng, nhức đầu, đau rát họng, xuất huyết ở thành sau họng...

Các triệu chứng kèm theo là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi nhầy, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan. Hai amidan viêm to, trên bề mặt amidan có chất nhầy trong, có khi có bựa trắng như nước cháo phủ trên bề mặt, hạch cổ bị sưng.

Thăm khám bệnh ngay khi có triệu chứng nghi ngờ viêm họng cấp
Bạn nên thăm khám bệnh ngay khi có triệu chứng nghi ngờ viêm họng cấp 

Khi có những triệu chứng viêm họng cấp kể trên, người bệnh không nên chủ quan chờ bệnh tự khỏi mà cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa. Nếu chưa đi khám được ngay, bạn có thể đăng ký tư vấn từ xa qua video với bác sĩ để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị ban đầu.

Nguyên nhân viêm họng cấp

Viêm niêm mạc họng trong bệnh viêm họng cấp tính thường gây nên bởi virut chiếm 60-80%  (cúm, sởi, Adenovirut...), vi khuẩn (phế cầu, tụ cầu, liên cầu, Haemophilus influenzae...). Nguy hiểm hơn cả là liên cầu khuẩn nhóm A. Đây là thủ phạm gây ra biến chứng viêm khớp cấp, viêm cầu thận cấp, thấp tim.

Ngoài các nguyên nhân gây viêm họng trên phải kể đến các yếu tố nguy cơ như thay đổi thời tiết, lạnh quá, ẩm quá, bụi bẩn, bụi công nghiệp, khói (thuốc lá, thuốc lào, khói bếp than, củi, rơm rạ) và có thể do tác động của rượu bia...

Xét nghiệm giúp chẩn đoán sớm bệnh viêm họng

Để chẩn đoán bệnh viêm họng cấp tính, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng thường dựa vào khai thác thông tin triệu chứng kết hợp với thăm khám lâm sàng vùng họng miệng.

Tuy nhiên, nếu người bệnh có các triệu chứng phức tạp hoặc có nguy cơ chuyển biến nặng thì cần thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán mức độ bệnh và tìm nguyên nhân gây bệnh.

  • Xét nghiệm công thức máu: Người bị viêm họng cấp giai đoạn bội nhiễm sẽ gia tăng số lượng bạch cầu đa nhân trung tính trong máu, đây là dấu hiệu chỉ rõ mức độ trầm trọng của bệnh.
  • Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn: Xét nghiệm này sẽ cho biết chính xác loại vi khuẩn gây bệnh, nhờ vậy việc sử dụng thuốc kháng sinh đặc trị hơn, việc điều trị trở nên chính xác và hiệu quả hơn, tránh trường hợp nhờn thuốc.

Viêm họng cấp bao lâu thì khỏi?

Tình trạng viêm họng cấp do virut thường diễn ra trong vòng 3 - 5 ngày, nếu sức đề kháng tốt bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh.

Nhưng khi sức đề kháng yếu (thường gặp ở trẻ em, người cao tuổi) thì bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, phế quản phế viêm và trở thành viêm họng mạn tính. Nguy hiểm hơn viêm họng cấp gây biến chứng thấp tim tiến triển, viêm cầu thận cấp… nếu tác nhân gây bệnh là vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).

Phương pháp điều trị viêm họng cấp

Phác đồ điều trị viêm họng cấp được các bác sĩ chỉ định dựa vào các tác nhân gây bệnh. Nếu là virut, bệnh thường kéo dài 3-5 ngày các triệu chứng sẽ giảm dần và tự khỏi. Nếu là do vi khuẩn bội nhiễm, đặc biệt là liên cầu thì bệnh thường kéo dài hơn và đòi hỏi sự điều trị kháng sinh có hệ thống để tránh các biến chứng.

Điều trị kháng sinh

Điều trị bằng kháng sinh một cách hệ thống bao gồm một số nhóm thuốc sau:

Kháng sinh nhóm beta lactam hoặc các nhóm như Macrolis, quinolon…

Điều trị triệu chứng bằng các loại thuốc hạ sốt, kháng viêm, giảm đau

Bên cạnh việc điều trị nguyên nhân bằng cách sử dụng các loại kháng sinh thích hợp thì  người bị bệnh viêm họng cấp cũng được điều trị giảm triệu chứng bằng các thuốc như Paracetamol, Aspirin. Mặc dù thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng đau, nhưng nếu lạm dụng mà không tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ rất dễ gây tác dụng phụ như viêm loét dạ dày, tá tràng…

Điều trị tại chỗ bằng súc họng và nhỏ mũi

Chăm sóc, vệ sinh mũi họng khi bị viêm họng: súc miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lí (NaCl 0.09%). Vệ sinh răng miệng tốt. Xì mũi để loại bỏ dịch nhầy giúp thông thoáng đường thở bằng cách nhỏ nước muối sinh lý. 

Chăm sóc người bị viêm họng cấp ngay tại nhà

Trên thực tế, viêm mũi họng cấp là bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là virut, thuốc kháng sinh không có tác dụng. Do đó, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý dùng kháng sinh. Ngoài ra còn có một số biện pháp chăm sóc người bị viêm họng cấp ngay tại nhà như:

  • Dùng thuốc hạ sốt như paracetamol khi sốt cao từ 38,5 độ trở lên. Nghỉ ngơi, uống nhiều nước.
  • Vệ sinh họng, súc họng bằng BBM. 
  • Cần bù nước và chất điện giải nếu sốt cao. 
  • Chườm ấm nách, cổ, tay chân: giúp lỗ chân lông giãn nở ra, từ đó các mạch máu ở ngoại vi lưu thông dễ dàng, giúp tản nhiệt và làm giảm nhiệt độ cho cơ thể.

Phòng bệnh viêm họng cấp

Viêm họng cấp nhìn chung không khó điều trị nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách thì bệnh sẽ dai dẳng lâu khỏi trở thành mạn tính. Người bị viêm họng mạn tính dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm khác. Do đó dự phòng bệnh luôn được chú trọng mỗi khi thời tiết giao mùa, nhất là ở những người có cơ địa dễ bị viêm họng:

  • Nâng cao mức sống, tăng sức đề kháng của cơ thể, bảo vệ môi trường trong sạch, dinh dưỡng hợp lý.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang bị viêm đường hô hấp trên, cúm…
  • Phòng hộ lao động tốt. Bỏ thuốc lá và rượu. Vệ sinh răng miệng tốt. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.
  • Khi có dấu hiệu nghi ngờ của viêm họng cấp, cần phải đi khám sớm, điều trị sớm, đúng cách và triệt để nhằm tránh các biến chứng.

 Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn đọc hiểu thêm về bệnh viêm họng cấp tính. Đây là bệnh thường gặp mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào mùa đông. Bệnh có thể tự khỏi sau 3-5 ngày nếu do virut. Bên cạnh đó cần phải kết hợp với các biện pháp chăm sóc vùng mũi và họng miệng tốt ngay tại nhà. Trong trường hợp bệnh kéo dài dai dẳng với các triệu chứng điển hình của viêm họng cấp, điều tối cần là phải thăm khám bệnh càng sớm càng tốt để kịp thời xử trí. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết