- Xuất bản: 07/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 22/03/2024
Sâu răng ở trẻ em - Lời khuyên dành cho ba mẹ - Ảnh: Dental Health
Dấu hiệu nào cho thấy trẻ bị sâu răng? Một số lời khuyên dành cho ba mẹ để phòng ngừa sâu răng ở trẻ em, Dental Health đã tổng hợp trong bài viết dưới đây.
Với thói quen ăn nhiều đồ ngọt và vệ sinh răng miệng chưa đúng cách, trẻ em là đối tượng dễ bị sâu răng. Tuy nhiên, nhiều ba mẹ thường không để ý vì các dấu hiệu sâu răng thường rất nhỏ, và chủ quan cho rằng đó chỉ là răng sữa.
Nếu sâu răng ở trẻ em không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng tới các răng khác, hoặc nghiêm trọng hơn là sâu răng ăn vào tủy. Trong bài viết dưới đây, Dental Health sẽ gửi đến các phụ huynh một số lời khuyên khi trẻ bị sâu răng.
Sâu răng trẻ em: Ba mẹ cần lưu ý gì?
Độ tuổi trẻ dễ bị sâu răng
Trẻ nhỏ ở giai đoạn 3 - 4 tuổi là đối tượng rất dễ mắc phải các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, sâu răng hàm, sâu răng cửa,...
Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ 3, 4 tuổi sâu răng là vấn đề bình thường, vì giai đoạn này chỉ là răng sữa và sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn sau này. Đây là một quan niệm sai lầm và dẫn đến tình trạng sâu răng ngày càng phổ biến ở trẻ em.
Sâu răng trẻ em không thể coi thường, bệnh có thể dẫn đến sự đau nhức kéo dài, gây biến ăn, lười ăn ở trẻ, từ đó dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra, sâu răng không chỉ gây hại đến răng bị sâu, nếu không được phát hiện kịp thời còn có thể dẫn tới hoại tử, áp xe răng.
Răng sữa là những chiếc răng mọc đầu tiên nên men răng và ngà răng tương đối mỏng, yếu, do đó răng dễ bị sâu. Mức độ răng sữa bị sâu sẽ tiến triển rất nhanh, có thể hơi nhói nhẹ nhưng đã lan tới tủy răng.
Nguyên nhân gây sâu răng trẻ em
Trong giai đoạn đầu đời, những chiếc răng đầu tiên thường yếu và ít chất dinh dưỡng nên các yếu tố tác động như thực phẩm nhiều đường, vệ sinh răng miệng không đúng cách sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng sâu răng ở trẻ em.
Thức ăn chứa nhiều đường: Đồ ăn ngọt, chứa nhiều đường luôn là sở thích của trẻ, nhưng cũng là nguyên nhân hàng đầu gây sâu răng trẻ em. Các thực phẩm làm từ tinh bột và đường rất dễ tạo nên các mảng bám, lâu ngày tích tụ vi khuẩn tấn công các khoáng chất trong men răng và ngà răng.
Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Giai đoạn này trẻ còn nhỏ và chưa ý thức được việc đánh răng, giữ gìn vệ sinh răng miệng để tránh vi khuẩn tấn công. Vì vậy, trẻ thường đánh răng không cẩn thận và thường quên đánh răng trước khi đi ngủ.
Mảng bám răng: Vi khuẩn có thể bám vào bề mặt răng và hình thành lớp bám răng, được gọi là mảng bám răng. Mảng bám răng luôn là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn tồn tại và tạo axit, gây ăn mòn men răng.
Hơi nước bọt chứa vi khuẩn: Hơi nước bọt chứa vi khuẩn không gây sâu răng trực tiếp ở trẻ, nhưng sẽ góp phần vào quá trình phát triển sâu răng. Nếu mẹ hoặc người chăm sóc trẻ nhỏ có vấn đề răng miệng như sâu răng hoặc viêm nướu, vi khuẩn có thể được truyền sang miệng của trẻ thông qua hơi nước bọt khi sử dụng chung thìa, đũa, ly uống.
Lượng fluor ít: Fluor có tác dụng bảo vệ men răng khỏi sự tấn công của axit. Nếu trẻ không nhận đủ florua từ kem đánh răng và nước uống, khả năng ngăn ngừa sâu răng của trẻ sẽ giảm đi, nguy cơ sâu răng sẽ càng nhiều.
Dấu hiệu nhận biết khi trẻ bị sâu răng?
Các dấu hiệu sâu răng ở trẻ em ban đầu thường không rõ ràng, việc nhận biết có thể không dễ dàng vì khó nhìn thấy bằng mắt thường ở giai đoạn ban đầu. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cơ bản mà ba mẹ có thể lưu ý để kiểm tra xem trẻ có đang bị sâu răng hay không.
Hãy lưu ý các dấu hiệu sau đây:
Có các đốm trắng ngà trên răng: Đây là dấu hiệu bắt đầu hình thành sâu răng, khi môi trường axit tạo ra bởi vi khuẩn có thể làm men răng bị báo mòn và tạo vết trắng.
Xuất hiện những vết màu đen trên răng: Đây là dấu hiệu sâu răng đã tiến triển đến mức ăn mòn men răng, và vi khuẩn đã tạo thành lỗ trên bề mặt răng.
Nhạy cảm với thức ăn nóng, lạnh: Khi sâu răng tiến triển, men răng bị mòn, làm cho răng trở nên nhạy cảm hơn với các loại thức ăn và đồ uống có nhiệt độ cao.
Bé đau răng, nhức răng: Trẻ có thể cảm thấy đau răng hoặc nhức răng khi sâu răng đã phát triển đến mức ảnh hưởng đến dây thần kinh bên trong răng.
Hơi thở có mùi hôi: Vi khuẩn sâu răng tạo ra axit và sản phẩm phụ khi tiêu hóa đường, gây mùi hôi từ miệng.
Viêm nướu: Khi những chiếc răng bị sâu không được phát hiện và điều trị có thể lan sang mô nướu xung quanh răng, gây viêm nướu, sưng, đỏ và chảy máu nướu.
Nếu ba mẹ phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào như trên, hãy đưa trẻ đến gặp nha sĩ ngay lập tức để được kiểm tra và điều trị sớm. Nha sĩ sẽ xác định tình trạng răng miệng và đề xuất các phương pháp điều trị sâu răng cho trẻ phù hợp.
Sâu răng trẻ em có ảnh hưởng như thế nào?
Sâu răng trẻ em nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe răng miệng nói riêng và sự phát triển của trẻ nói chung:
Ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, khi thức ăn không được nhai nghiền kỹ sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ.
Ảnh hưởng đến quá trình học phát âm của trẻ, bé sẽ dễ gặp tình trạng nói ngọng nếu răng sữa bị sâu.
Ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn sau này, quá trình mọc răng trưởng thành sẽ dễ bị mọc lệch, mọc chậm, không thể mọc hoặc gây tiêu xương hàm...
Sâu răng trẻ em gây tổn thương đến tủy răng, có thể gây viêm tủy, gây áp-xe răng (mủ trong răng) nếu không điều trị kịp thời.
Sâu răng ở trẻ em còn là nguyên nhân gây viêm hạch, viêm tủy xương, viêm mô tế bào, viêm xoang hàm...
Lời khuyên cho ba mẹ khi trẻ bị sâu răng
Hình thành thói quen chăm sóc răng miệng thường xuyên và đưa trẻ khám nha sĩ định kỳ là cách tốt nhất để phòng ngừa sâu răng và duy trì sức khỏe răng miệng cho trẻ em.
Mách ba mẹ các cách điều trị sâu răng cho trẻ
Nếu trẻ bị sâu răng, trước hết ba mẹ nên đưa trẻ đến nha sĩ để được thăm khám và đánh giá. Trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị sâu răng thích hợp.
Đối với tình trạng mới chớm sâu răng, các đốm trắng mới xuất hiện, các lỗ sâu răng chưa hình thành, có thể dùng thuốc trị sâu răng dành cho trẻ em chấm vào chỗ bị sâu để sát khuẩn và giảm đau cho bé.
Khi sâu răng nặng, trên răng bắt đầu hình thành các lỗ sâu đen, gây đau nhức dữ dội, ba mẹ nên đưa bé đến phòng nha. Bác sĩ nha khoa sẽ gợi ý sử dụng phương pháp hàn/ trám răng để cải thiện tình trạng răng, lấp đầy các lỗ sâu.
Nếu tủy bị nhiễm trùng, nha sĩ sẽ kiểm tra xem tình trạng này có lan đến tủy hay không. Với trường hợp này, cần điều trị nội nha để xử lý răng sâu trước rồi mới tiến hành trám răng.
Phòng ngừa sâu răng trẻ em
Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em là một cách quan trọng để bảo vệ răng miệng và sức khỏe tổng thể của trẻ. Chủ động phòng ngừa sâu răng sẽ giúp bé có hàm răng trắng khỏe, hạn chế các bệnh lý răng miệng do mảng bám và vi khuẩn gây nên.
Dưới đây là một số cách phòng ngừa sâu răng trẻ em ba mẹ có thể hỗ trợ bé:
Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn ngọt, không cho trẻ ăn quà vặt, bánh kẹo thường xuyên.
Tăng cường cho trẻ ăn thức ăn giàu protein, canxi, phốt pho, vitaminA và D... giúp răng phát triển vững chắc.
Hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách, sử dụng kem đánh răng với lượng florua phù hợp.
Tránh chia sẻ đồ ăn, cha mẹ không nên nhai thức ăn cho trẻ để tránh vi khuẩn từ người bị sâu răng truyền sang.
Khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần. Nếu răng của trẻ có hiện tượng sâu, phụ huynh nên kịp thời đưa con đến bệnh viện hoặc bác sĩ nha khoa càng sớm càng tốt.
Sâu răng là tình trạng bất kỳ trẻ em nào cũng sẽ gặp phải, do đó việc chủ động hình thành thói quen ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ phần nào hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây sâu răng.
Ba mẹ cũng nên lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu bất thường trên răng, nên cho bé đi khám nha sĩ để được chẩn đoán chính xác tình hình răng miệng. Từ đó có phương pháp điều trị răng sâu triệt để.
Trong bài viết trên, BookingCare đã tổng hợp các dấu hiệu nhận biết, ảnh hưởng và nguyên nhân gây sâu răng trẻ em. Mong rằng bài viết cũng sẽ giúp ba mẹ lưu ý hơn và chủ động thực hiện phòng sâu răng cho con em mình.