Sảy thai liên tiếp 2 lần phải làm sao?

Tác giả: - Xuất bản: 09/05/2024 - Cập nhật lần cuối: 12/05/2024
Sảy thai ở mẹ bầu
Khoảng 65% phụ nữ bị sảy thai nhiều lần có cơ hội thành công ở lần mang thai tiếp theo - Ảnh: BookingCare
Khi bị sảy thai liên tiếp 2 lần, rất nhiều chị em phụ nữ rơi vào trạng thái bất an, buồn phiền và ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Vậy sảy thai liên tiếp hai lần thì phải làm sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của BookingCare.

Sảy thai liên tiếp là khi sảy thai từ 2 lần liên tục trở lên khi đã loại trừ những trường hợp chửa ngoài tử cung, chửa trứng, sảy thai sinh hoá và các thai sảy này dưới 20 tuần. Chị em cần phòng bệnh sảy thai liên tiếp bằng cách khám sàng lọc và tư vấn trước khi mang thai.

Sảy thai liên tiếp 2 lần phải làm sao?

Khoảng 15% phụ nữ mang thai thỉnh thoảng bị sảy thai được ghi nhận trên lâm sàng. Chỉ 2% phụ nữ mang thai bị sảy thai hai lần liên tiếp và chỉ 0,4 đến 1% bị sảy thai ba lần liên tiếp.

Khi bị sảy thai liên tiếp, bạn cần phải thăm khám ngay để được bác sĩ khám và chỉ định làm một số xét nghiệm chẩn đoán để tìm nguyên nhân:

  • Khi có bất thường nhiễm sắc thể: Có đến 90% trường hợp sảy thai liên tiếp có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể có thể là do vợ, do chồng hoặc do cả hai vợ chồng. Nếu xét nghiệm nhiễm sắc thể cho kết quả bất thường thì rất khó để lưu giữ thai.
  • Yếu tố miễn dịch: 
    • Người mẹ bị rối loạn tự miễn như hội chứng Antiphospholipid ảnh hưởng đến quá trình truyền máu, chất dinh dưỡng cho thai nhi khiến cho thai nhi ngừng phát triển.
    • Trong trường hợp này, bà mẹ nên điều trị ổn định các bệnh liên quan đến miễn dịch trước khi mang thai. Sau mỗi lần sảy thai, nên dành thời gian nghỉ ngơi ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm để cơ quan sinh sản hồi phục rồi mới nên có thai lại. Bổ sung vi khoáng đầy đủ qua thức ăn hàng ngày, cần nhất là sắt, canxi, magie, B6,... và giữ tâm lý thoải mái, tránh lo lắng.
  • Bất thường ở tử cung: 
    • Tử cung bị dị dạng, tử cung một sừng, có vách ngăn hay dính tử cung, hở e o cổ tử cung hay do bệnh lý u xơ tử cung,... khiến phôi thai không thể làm tổ và phát triển bình thường được. Kiểm tra tử cung và cổ tử cung, nếu bị vách ngăn tử cung có thể chữa trị bằng phẫu thuật. Còn nếu cổ tử cung yếu có thể được gia cố bằng cách khâu cố định tạm thời.
  • Bà bầu bị bệnh lý nội khoa: Những thai phụ có bệnh lý nội khoa như bệnh tuyến giáp, đái tháo đường, tim mạch,... gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Các yếu tố nội tiết – Các yếu tố nội tiết (ví dụ, đái tháo đường được kiểm soát kém, peroxidase tuyến giáp hoặc kháng thể thyroglobulin tăng cao, hội chứng buồng trứng đa nang, tăng prolactin máu) có thể là nguyên nhân gây ra một số trường hợp sẩy thai liên tiếp.

Bà mẹ cần phải điều trị các bệnh toàn thân đến khi ổn định và phải được bác sĩ tư vấn kỹ càng trước khi mang thai để đảm bảo cho sự phát triển an toàn của thai nhi.

Tóm lại, để dự phòng tình trạng sảy thai liên tiếp 2 lần, chị em và các mẹ nên khám sức khỏe tiền hôn nhân và kiểm tra tình trạng tổng quát trước khi mang thai. Khi bác sĩ kết luận cơ thể đã hoàn toàn khỏe mạnh và sẵn sàng cũng nên thực hiện việc tiêm phòng tiền sản trước khi mang thai.