Sinh thiết phổi: vai trò, phương pháp và những lưu ý
Sinh thiết phổi: vai trò, phương pháp và những lưu ý
cover-sinh-thiet-phoi
Sinh thiết phổi có vai trò gì trong chẩn đoán bệnh lý hô hấp nói chung và chức năng phổi nói riêng - ảnh: BookingCare

Sinh thiết phổi: vai trò, phương pháp và những lưu ý

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 20/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 27/11/2023
Sinh thiết phổi có vai trò quan trọng trong việc đánh giá cụ thể nguyên nhân bệnh lý liên quan đến chức năng phổi. Tìm hiểu quy trình và các lưu ý khi thực hiện xét nghiệm trong bài viết.

Sinh thiết phổi là cách lấy mẫu mô phổi để phân tích và xác định bệnh lý cho người làm sinh thiết. Kết quả sinh thiết cung cấp thông tin chính xác cho bác sĩ chẩn đoán và lên hướng dẫn điều trị hiệu quả.

Sinh thiết phổi và vai trò của sinh thiết phổi

Sinh thiết phổi là cách lấy một mảnh nhỏ từ phổi để xét nghiệm. Quá trình sinh thiết sử dụng kim sinh thiết đặc biệt hoặc các thiết bị y tế khác để lấy mẫu mô từ phổi mang ra ngoài cơ thể nhằm xác định rõ hơn nguyên nhân bất thường nhìn thấy khi chụp X-quang hoặc CT.

Sinh thiết phổi đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và đánh giá các bệnh lý về phổi. Mẫu xét nghiệm có thể cho biết thông tin về tế bào, vi khuẩn và các yếu tố khác để chẩn đoán bệnh lý như: bệnh lao, nhiễm trùng phổi, viêm phổi, hay các khối u, ung thư phổi,...

Các phương pháp sinh thiết phổi phổ biến

Hiện nay có 4 phương pháp sinh thiết phổi thường được sử dụng phổ biến bao gồm:

  • Sinh thiết phổi bằng kim xuyên thành ngực: người làm sinh thiết được gây tê cục bộ trên ngực, sau đó đưa kim qua khu vực da đó vào phổi để lấy mẫu, kết hợp chụp CT để đưa kim sinh thiết vào đúng vị trí.
  • Sinh thiết xuyên phế quản: người bệnh được gây mê toàn bộ. Bác sĩ sử dụng ống soi phế quản đưa xuống họng, qua khí quản đi vào các ống dẫn khí chính của phổi, sau đó dùng kẹp để lấy mẫu tại vị trí xác định.
  • Sinh thiết phổi nội soi lồng ngực: sử dụng ống nội soi đặt giữa các xương sườn, xuyên qua thành ngực và vào khoang ngực. Dụng cụ sinh thiết được sử dụng qua ống nội soi để lấy ra những mảnh mô phổi nhỏ. Người làm xét nghiệm có thể được gây tê hoặc gây mê để thực hiện phẫu thuật này.
  • Sinh thiết mở: Bác sĩ thực hiện cắt (mổ) một vết nhỏ trên da, sau đó có thể loại bỏ một phần hoặc thùy phổi để lấy một mẫu phổi để xét nghiệm. Sinh thiết mở là một hình thức phẫu thuật phức tạp hơn nên người bệnh cần phải nằm viện sau khi sinh thiết.

Khi nào cần thực hiện sinh thiết phổi?

Sinh thiết phổi có thể được chỉ định nếu kết quả xét nghiệm máu hoặc chụp X-quang có dấu hiệu không bình thường. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm khi xuất hiện các triệu chứng:

  • Ho, ho dai dẳng, ho ra máu hoặc dịch nhầy.
  • Khó thở, nhịp tim, mạch nhanh.
  • Cảm giác nặng khối u phổi.
  • Các dấu hiệu của bệnh viêm phổi.

Ưu điểm và hạn chế của sinh thiết phổi

Ưu điểm của sinh thiết phổi

  • Sinh thiết phổi không xâm lấn và thực hiện tương đối nhanh chóng.
  • Cung cấp thông tin hỗ trợ chẩn đoán chính xác tổn thương phổi, từ đó biết được nguyên nhân và lên kế hoạch điều trị hiệu quả.
  • Hạn chế thực hiện phẫu thuật lấy mẫu mô và tăng thời gian hồi phục cho bệnh nhân.

Hạn chế

  • Một số trường hợp có thể gặp khó khăn trong việc truy cập và lấy mẫu từ vùng phổi cần thiết.
  • Kết quả sinh thiết có tỷ lệ sai dương nhất định ảnh hưởng đến chẩn đoán bệnh lý.
    Có thể xảy ra các biến chứng: đau, mất máu, đông máu, nhiễm trùng vết cắt nếu không được xử lý tốt.

Cần chuẩn bị gì trước khi làm sinh thiết phổi?

Trước khi thực hiện sinh thiết phổi, người làm sinh thiết cần chú ý đến một số vấn đề như sau:

  • Cung cấp thông tin chi tiết về lịch sử bệnh lý và thuốc đã dùng trước đó. Bác sĩ sẽ hướng dẫn hoặc chỉ định ngừng thuốc để không ảnh hưởng đến quá trình và kết quả xét nghiệm.
  • Tuân thủ mọi hướng dẫn về việc nhịn ăn trước khi xét nghiệm.
    Nên đi cùng người thân để được hỗ trợ kịp thời.
  • Người làm sinh thiết nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thực hiện kiểm tra sức khỏe theo chỉ định trước khi thực hiện sinh thiết.

Sinh thiết phổi có ý nghĩa quan trọng đối với việc chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến hô hấp, đặc biệt là phổi. Trang bị cho bản thân những kiến thức cần thiết đến xét nghiệm này là cách tốt nhất để người bệnh chuẩn bị tốt hơn cho quá trình sinh thiết được thuận lợi và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết