Sống chung hiệu quả với bệnh hen phế quản

Tác giả: - Xuất bản: 01/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 19/12/2024
Sống chung hiệu quả với bệnh hen phế quản
Sống chung hiệu quả với bệnh hen phế quản - Ảnh: BookingCare
Sống chung với bệnh hen phế quản có khó không? Cần phải lưu ý những gì? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm thông tin.

Sống chung với bệnh hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) là việc không quá khó khăn nếu bạn tuân thủ đúng các quy tắc trong dùng thuốc và điều trị bệnh đồng thời cải thiện môi trường sống và lối sống. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát được cơn hen hiệu quả, giảm các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Sống chung hiệu quả với bệnh hen phế quản

Bệnh hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) là một bệnh mãn tính và yêu cầu điều trị suốt đời. Hiện tại, chưa có loại thuốc nào có thể chữa khỏi bệnh gốc rễ. Điều quan trọng là bệnh nhân cần kiểm soát và tuân thủ chặt chẽ chỉ định điều trị từ bác sĩ.

Ngoài việc phát hiện và xử lý kịp thời các cơn hen cấp tính có thể xảy ra, bệnh nhân cần tuân thủ một số nguyên tắc để phòng ngừa tái phát cơn hen, bao gồm:

Lưu ý khi sử dụng thuốc

Để kiểm soát được bệnh hen phế quản (hen suyễn) hiệu quả, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Dùng thuốc theo đơn. Không được ngừng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ. 
  • Luôn theo dõi để biết số lần xịt còn lại của ống hít để biết khi nào bạn cần bổ sung thuốc. 
  • Luôn mang theo thuốc khi ra ngoài nếu bạn đang trong giai đoạn hen phế quản từ trung bình đến nặng.
  • Đi khám bác sĩ điều trị hen suyễn của bạn ít nhất 6 tháng một lần để điều chỉnh đơn thuốc.
  • Liên hệ ngay đến cơ sở y tế, cấp cứu, các đơn vị hỗ trợ khi gặp các tình huống nguy cấp, bệnh hen chuyển biến nặng.

Lưu ý về lối sống và môi trường sống

Để giảm nguy cơ khởi phát cơn hen phế quản và tăng cường sức khỏe, bạn cần tuân thủ các biện pháp sau:

  • Tránh hút thuốc lá, thuốc lào và tránh xa khói thuốc: Khói thuốc chứa nhiều hóa chất gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp, có thể gây cơn Hen. 
  • Tránh xa những nơi có môi trường bị ô nhiễm, nếu công việc phải làm tại những nơi ô nhiễm không khí hãy sử dụng mặt nạ phòng độc, khẩu trang, đồ phòng hộ lao động.
  • Giữ ấm cơ thể và hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh: Mùa đông là thời điểm dễ xuất hiện cơn hen nguy hiểm. Cần giữ ấm cơ thể, mặc ấm và đội mũ, đeo khẩu trang khi ra ngoài.
  • Tránh thức ăn dễ gây dị ứng: Theo dõi và ghi chép lại loại thực phẩm gây dị ứng để tránh tiếp xúc với chúng và phòng tránh cơn hen.
  • Phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Tránh những nơi tập trung đông người và đeo khẩu trang khi ra ngoài để đề phòng nhiễm khuẩn.
  • Chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, vắc xin phòng COVID-19
  • Luyện tập thể dục và áp dụng bài tập phù hợp: Thể dục giúp nâng cao sức khỏe và tăng cường chức năng hô hấp. Trước khi tập, cần làm ấm cơ thể và xịt thuốc giãn phế quản. Tránh không khí lạnh và khô.
  • Thực hiện các bài tập thở, tham gia các chương trình hành động chống bệnh hen suyễn để có thêm kỹ năng kiểm soát bệnh. 
  • Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh lo âu căng thẳng quá mức.
  • Giữ nhà cửa sạch sẽ và thoáng mát: Loại bỏ các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, bụi, lông động vật. Đóng kín cửa sổ trong thời tiết lạnh để tránh gió lùa gây nhiễm lạnh và bùng phát cơn hen.

Bệnh hen phế quản có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ, sử dụng thuốc dự phòng đều đặn và thường xuyên khám theo lịch hẹn, bệnh nhân hen phế quản vẫn có thể sống chung với bệnh hiệu quả và tuổi thọ như người bình thường.