Tầm quan trọng của xét nghiệm PSA trong sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt

Tác giả: - Xuất bản: 13/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
xet-nghiem-psa-sang-loc-ung-thu-tuyen-tien-liet
Xét nghiệm PSA là phương pháp sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt phổ biến hiện nay - ảnh: BookingCare
Xét nghiệm PSA là một phương pháp kiểm tra dấu hiệu liên quan đến ung thư tiền liệt tuyến. Vậy xét nghiệm này được thực hiện như thế nào, để đánh giá yếu tố nào?

Đối với các bệnh liên quan đến ung thư tiền liệt tuyến, xét nghiệm PSA đóng vai trò quan trọng trong quá trình sàng lọc các trường hợp mắc ung thư tuyến tiền liệt. Tìm hiểu thêm các thông tin liên quan đến xét nghiệm dưới đây.

Xét nghiệm PSA đo lường yếu tố nào trong cơ thể?

Xét nghiệm PSA là được sử dụng để đo lường PSA thông qua phân tích mẫu máu. PSA (Prostate-Specific Antigen) là một loại protein kháng nguyên được tạo ra bởi các tế bào bình thường hoặc các khối u liên quan đến tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt là một tuyến trong hệ thống sinh sản nam giới nằm ngay dưới bàng quang, có chức năng tiết ra chất dịch để hình thành tinh dịch.

Kháng nguyên PSA thông thường được duy trì ở mức thấp trong máu. Một số trường hợp có mức PSA cao thường bắt nguồn từ các nguyên nhân như:

  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Viêm tiền liệt tuyến, phì đại tuyến tiền liệt
  • Các vấn đề tuyến tiền liệt phổ biến khác: tăng sản tuyến tiền liệt lành tính
  • Tác dụng của một số loại thuốc sinh kháng nguyên PSA

Lợi ích của xét nghiệm PSA

Xét nghiệm PSA (cùng với DRE) hỗ trợ sàng lọc và chẩn đoán triệu chứng bệnh liên quan đến tuyến tiền liệt, đặc biệt là ung thư.

  • Xét nghiệm PSA giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt là khi chưa xuất hiện các triệu chứng. Việc phát hiện sớm giúp tăng khả năng chữa trị và cải thiện kết quả điều trị.
  • Cung cấp thông tin về mức độ nghiêm trọng của bệnh để đánh giá mức độ nghiêm trọng của ung thư tuyến tiền liệt. Điều này hỗ trợ các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
  • Hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định chẩn đoán và điều trị; giám sát tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt và đánh giá hiệu quả hoặc thay đổi liệu pháp điều trị khi cần thiết.

Đối tượng cần xét nghiệm PSA

Thông thường, xét nghiệm này thường được khuyến nghị cho các đối tượng:

  • Nam giới trên 55 tuổi: theo một số hướng dẫn được công bố khuyến nghị nam giới từ 55 tuổi trở lên nên thực hiện xét nghiệm PSA định kỳ để phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt.
  • Nam giới có nguy cơ cao, tiền sử gia đình có người thân nam đã từng mắc ung thư tuyến tiền liệt trước tuổi 65 có thể được khuyến nghị thực hiện xét nghiệm PSA sớm hơn trong khoảng từ 40 đến 54 tuổi.
  • Nam giới có triệu chứng hoặc biểu hiện bất thường như tiểu tiện khó khăn, tiểu buốt, tiểu không hoàn toàn, đau vùng xương chậu hoặc có các biểu hiện bất thường khác liên quan đến tuyến tiền liệt.

Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm PSA

Trong xét nghiệm PSA nói riêng và các xét nghiệm dấu ấn ung thư khác nói chung, người làm kiểm tra cần chú ý một số lưu ý cụ thể để đảm bảo việc xét nghiệm được thuận lợi và cho kết quả chính xác.

Trước khi xét nghiệm

Người bệnh thường không cần phải nhịn ăn trước xét nghiệm. Tuy nhiên nếu đang sử dụng thuốc bất kỳ hoặc gặp các vấn đề sức khỏe có thể ảnh hưởng đến hệ thống tiết niệu như chấn thương, phẫu thuật hoặc nhiễm trùng, người bệnh cần phải thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn chuẩn bị cụ thể.

Ngoài ra, mức PSA có thể tăng lên sau khi xuất tinh, vì vậy cần tránh quan hệ tình dục hoặc thủ dâm trong 24 giờ trước khi lấy máu.

Trong quá trình xét nghiệm

Trong quá trình lấy máu, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu bằng ống kim tiêm từ tĩnh mạch trên cánh tay hoặc sử dụng lưỡi dao chuyên dụng trích vào đầu ngón tay để lấy máu (máu mao mạch). Quá trình này diễn ra nhanh, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức hoặc bị bầm tím sau khi lấy máu trong khoảng vài giờ hoặc 1 - 2 ngày.

Sau bài xét nghiệm

Sau khi lấy mẫu xong, người làm xét nghiệm có thể thực hiện các hoạt động hàng ngày như bình thường, chú ý tránh để vết kim hoặc vết chích bị nhiễm trùng.

Cách đọc kết quả kiểm tra PSA

Không có mức PSA bình thường hoặc bất thường cụ thể trong máu. Các bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm kết hợp với độ tuổi và kích thước tuyến tiền liệt để đưa ra kết luận chính xác nhất về tình trạng của người bệnh.

Đối với nam giới từ 40 đến 59 tuổi

Chỉ số PSA trung bình của nam giới trong độ tuổi này dao động quanh mức 0,6 - 0,7 ng/ml. Những trường hợp có mức PSA lớn hơn 2,5 ng/ml được coi là bất thường. Người làm xét nghiệm có nguy cơ về ung thư tuyến tiền liệt và có thể được theo dõi hoặc chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung.

Đối với nam giới từ 60 tuổi trở lên

Phạm vi bình thường của PSA của nhóm tuổi này thường ở mức từ 1,0 đến 1,5 ng/ml. Nếu kết quả xét nghiệm chỉ số PSA lớn hơn 4,0 ng/ml, người làm xét nghiệm có thể được xem xét nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm bổ sung để đưa ra xét nghiệm

Các trường hợp gia tăng bất thường

Mức PSA có thể được xem là bất thường nếu chỉ số này tăng lên một mức nhất định trong một khoảng thời gian (thường là một năm). Ví dụ nếu chỉ số PSA trong một năm tăng hơn 0,35 ng/ml, bác sĩ có thể đề nghị người kiểm tra xét nghiệm thêm để chẩn đoán nguyên nhân.

Xét nghiệm PSA có ý nghĩa quan trọng trong việc sàng lọc và chẩn đoán ung thư tiền liệt quyến. Người bệnh có thể tới các cơ sở y tế thực hiện đánh nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt để có các biện pháp phòng ngừa, điều trị phù hợp.