Xét nghiệm dấu ấn ung thư là một phương pháp sàng lọc các dấu hiệu từ khối u trong cơ thể giúp phát hiện bệnh ung thư sớm nhằm có phương pháp điều trị kịp thời. Kết quả xét nghiệm có thể giúp trả lời các câu hỏi quan trọng liên quan đến ung thư của người bệnh.
Xét nghiệm dấu ấn ung thư là gì?
Xét nghiệm dấu ấn ung thư tìm kiếm các chất thường được tạo ra bởi tế bào ung thư hoặc các tế bào bình thường để phản ứng lại với bệnh. Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư kiểm tra sự có mặt của các khối u. Ngoài ra, xét nghiệm này còn có thể xác định một số thay đổi di truyền nhất định liên quan đến khối u.
Mục đích xét nghiệm dấu ấn ung thư
Xét nghiệm dấu ấn ung thư có thể giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư và đề xuất kế hoạch điều trị cho người bệnh. Xét nghiệm này được sử dụng vào mục đích sàng lọc một số loại ung thư cụ thể ở những người có nguy cơ mắc bệnh cao trước khi xuất hiện các triệu chứng. Xét nghiệm dấu ấn ung thư được sử dụng nhằm:
- Chẩn đoán đối với một số loại ung thư nhất định như ung thư gan.
- Quyết định phương pháp điều trị hoặc kết hợp các phương pháp điều trị phù hợp nhất đối với các loại ung thư nhất định.
- Theo dõi và đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư.
Dự đoán cơ hội hồi phục của người bệnh.
- Dự đoán và phát hiện khả năng tái phát khối u sau khi điều trị (nếu có)
Xét nghiệm dấu ấn ung thư là phương pháp chẩn đoán ung thư ở giai đoạn đầu. Việc chẩn đoán và phát hiện sớm nhờ xét nghiệm dấu ấn có thể tăng cơ hội điều trị thành công và cải thiện tỷ lệ sống cho người bệnh.
Một số xét nghiệm dấu ấn ung thư phổ biến
Các xét nghiệm dấu ấn ung thư là một phần quan trọng trong quá trình chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư. Một số trường hợp chỉ liên quan đến một loại ung thư, một số trường hợp có thể liên quan đến nhiều loại bệnh ung thư khác nhau. Một số loại xét nghiệm dấu ấn ung thư thường gặp nhất gồm:
- CA 125: xét nghiệm kháng nguyên ung thư 125 thường được sử dụng trong chẩn đoán ung thư buồng trứng.
- CA 15-3: xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán ung thư vú.
- PSA: xét nghiệm kháng nguyên chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt.
- CEA: xét nghiệm kháng nguyên đánh giá hiệu quả điều trị ung thư phổi, dạ dày, tuyến giáp, tuyến tụy, ung thư vú và ung thư buồng trứng.
- AFP (Alpha-fetoprotein): xét nghiệm dấu ấn ung thư chẩn đoán, theo dõi và đánh giá điều trị ung thư gan, ung thư buồng trứng hoặc tinh hoàn.
- B2M (Beta 2-microglobulin): xét nghiệm dấu ấn ung thư theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị.
Ưu điểm và hạn chế của xét nghiệm dấu ấn ung thư
Các xét nghiệm dấu hiệu ung thư hiện nay được sử dụng khá phổ biến bởi những lợi ích mang lại. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có một số hạn chế so với một số xét nghiệm chẩn đoán khác.
Ưu điểm
- Khả năng sàng lọc để phát hiện sớm một số loại ung thư ở giai đoạn đầu nhằm can thiệp điều trị kịp thời, hạn chế khả năng di căn khối u và tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.
- Các xét nghiệm tương đối đơn giản, sử dụng xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc tế bào niệu đạo không gây xâm lấn, đau đớn cho người bệnh.
- Có thể phát hiện nhiều loại ung thư khác nhau như: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư ruột non, ung thư dạ dày,...
- Hỗ trợ chẩn đoán, xác định phương pháp và đánh giá hiệu quả trong điều trị ung thư.
Hạn chế
- Xét nghiệm dấu ấn không phải xét nghiệm chẩn đoán cuối cùng, cần phải kết hợp với các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh khác.
- Xét nghiệm có thể xảy ra kết quả âm tính giả hoặc dương tính giả do ảnh hưởng bởi các yếu tố viêm nhiễm, tình trạng sức khỏe,...
- Một số xét nghiệm dấu ấn có thể bị giới hạn về thời gian và độ nhạy do lượng protein trong mẫu chưa đủ để phát hiện khối u trong cơ thể.
Xét nghiệm dấu ấn ung thư là một trong các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán quan trọng trong việc phát hiện và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định thực hiện các xét nghiệm dấu ấn phù hợp nhằm chẩn đoán và điều trị kịp thời.