Xét nghiệm CEA: xét nghiệm kháng nguyên carcinoembryonic là gì?

Tác giả: - Xuất bản: 13/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 13/11/2023
xet-nghiem-cea-dau-an-ung-thu
Xét nghiệm kháng nguyên carcinoembryonic (CEA) có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi ung thư - BookingCare
Xét nghiệm CEA được sử dụng trong trường hợp nào và có vai trò gì đối với việc điều trị ung thư? Đọc ngay trong bài viết sau!

Xét nghiệm CEA là một trong số các công cụ quan trọng giúp phát hiện và theo dõi sớm một số loại ung thư. Bài viết này giải thích chi tiết các thông tin về xét nghiệm CEA và tầm quan trọng của việc thực hiện xét nghiệm này.

CEA và xét nghiệm CEA là gì?

CEA là tên viết tắt của kháng nguyên carcinoembryonic hay còn gọi là chất “đánh dấu khối u". Đây là một trong những chất được tạo ra bởi tế bào ung thư hoặc các tế bào bình thường phản ứng lại với bệnh.

Xét nghiệm này đo lượng CEA trong máu hoặc một số chất dịch cơ thể khác. Nồng độ CEA thường khá cao ở thai nhi khỏe mạnh. Sau khi sinh, nồng độ CEA giảm rất thấp hoặc không có. Đối với người trưởng thành bình thường, mức CEA trong cơ thể cũng ở mức rất thấp hoặc bằng không.

Tầm quan trọng của xét nghiệm CEA

Xét nghiệm CEA có thể đánh giá khả năng mắc ung thư của người bệnh. Các bác sĩ có thể sử dụng mức CEA ước tính mức độ ung thư của người bệnh để hỗ trợ dự đoán tiến triển, đánh giá hiệu quả điều trị các bệnh ung thư trực tràng, phổi, dạ dày, tuyến giáp, tuyến tụy, ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Đối với những người được chẩn đoán mắc ung thư, xét nghiệm CEA có thể:

  • Xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh để hướng dẫn các quyết định điều trị.
  • Đo lường mức CEA trước điều trị để so sánh với mức CEA sau khi điều trị có hiệu quả hay không.
  • Kiểm tra nguy cơ tái phát ung thư để có các biện pháp phòng ngừa kịp thời.

Các trường hợp cần thực hiện xét nghiệm CEA

Xét nghiệm CEA thường được thực hiện để đánh giá và theo dõi các trường hợp như:

  • Bệnh nhân ung thư đang điều trị để theo dõi hiệu quả. Việc theo dõi biến động mức CEA theo thời gian có thể giúp đánh giá sự thay đổi của tế bào ung thư đối với liệu pháp điều trị.
  • Bệnh nhân sau phẫu thuật ung thư: xét nghiệm CEA có thể được thực hiện để theo dõi tái phát ung thư hoặc sự tiến triển của bệnh sau khi bệnh nhân đã phẫu thuật để loại bỏ khối u ung thư.
  • Bệnh nhân có yếu tố rủi ro cao: trường hợp có người thân trong gia đình từng mắc bệnh có nguy cơ cao cần thực hiện xét nghiệm CEA để sàng lọc sớm và phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu.
  • Bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của ung thư: nếu bệnh nhân có triệu chứng hoặc biểu hiện như khối u, khó tiêu, thay đổi chức năng đường ruột hoặc các triệu chứng khác liên quan đến ung thư cần thực hiện xét nghiệm để phát hiện hoặc loại trừ khả năng ung thư.
  • Bệnh nhân theo dõi sau điều trị ung thư: sau quá trình điều trị ung thư, bệnh nhân có thể được theo dõi định kỳ bằng xét nghiệm CEA để giám sát sự tái phát hoặc tiến triển của bệnh.
  • Bệnh nhân với các khối u khác: xét nghiệm CEA cũng có thể được sử dụng trong việc đánh giá một số khối u khác ngoài ung thư như: các khối u tuyến tụy, khối u phổi để đánh giá mức độ và theo dõi phản ứng điều trị.

Tuy nhiên, quyết định thực hiện xét nghiệm CEA cụ thể cho một bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào triệu chứng bệnh và kết quả các xét nghiệm khác. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo và thực hiện xét nghiệm theo sự chỉ định của các bác sĩ.

Cách đọc kết quả xét nghiệm CEA

Kết quả xét nghiệm CEA có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh lý hoặc các mức CEA quy định tại đơn vị xét nghiệm. Mức CEA được đo bằng đơn vị nanogram trên mililit (ng/mL). Nhìn chung, mức chỉ số CEA bình được được đánh giá ở ngưỡng 2,5 ng/mL.

Với những người xét nghiệm trước khi bắt đầu điều trị ung thư

  • Mức CEA thấp: nghĩa là diện tích khối u nhỏ và có thể chưa lan sang các bộ phận khác. Tuy nhiên, một số trường hợp ung thư không có nhiều CEA, vì vậy bác sĩ có thể sử dụng các xét nghiệm khác để tìm hiểu thêm về mức độ ung thư.
  • Mức CEA cao: diện tích khối u lớn hơn hoặc có dấu hiệu lan rộng. Người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm khác để xác nhận mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Trường hợp xét nghiệm theo dõi bệnh ung thư trong hoặc sau khi điều trị

Người bệnh sẽ được bác sĩ so sánh kết quả xét nghiệm CEA hiện tại với kết quả xét nghiệm trước đây.

  • Nếu CEA giảm theo thời gian: có nghĩa là việc điều trị đang có hiệu quả.
  • Nếu CEA tăng sau khi giảm hoặc vẫn ở mức cao: có thể việc điều trị không hiệu quả hoặc ung thư đang phát triển trở lại.

Mức CEA duy trì ở mức cao hoặc tăng sau khi điều trị không hẳn khẳng định việc điều trị không hiệu quả hoặc ung thư đang phát triển. Vì vậy, người bệnh nên tuân theo chẩn đoán của bác sĩ tại đơn vị xét nghiệm hoặc có thể được chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác để tìm hiểu lý do.

Xét nghiệm CEA không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc chẩn đoán ung thư mà còn đánh giá khả năng điều trị, tái phát và tiên lượng bệnh. Với vai trò quan trong khám và điều trị ung thư, xét nghiệm CEA đóng góp đáng kể vào việc nâng cao khả năng phát hiện sớm và điều trị cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.