Xét nghiệm dấu ấn ung thư: Là gì? Khi nào cần? Các loại xét nghiệm?
Xét nghiệm dấu ấn ung thư
Xét nghiệm dấu ấn ung thư: Là gì? Khi nào cần? Các loại xét nghiệm? - Ảnh: BookingCare

Xét nghiệm dấu ấn ung thư: Là gì? Khi nào cần? Các loại xét nghiệm?

Tác giả: - Xuất bản: 10/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 10/11/2023
Cho tới thời điểm hiện tại, xét nghiệm Dấu ấn ung thư không thể sử dụng đơn độc để chẩn đoán xác định có ung thư hay không, mà phải phối hợp với thăm khám lâm sàng và những xét nghiệm chuyên sâu khác.

Nhiều bệnh ung thư liên quan đến sự sản xuất bất thường một số phân tử có thể định lượng được trong huyết thanh. Các phân tử này gọi là Dấu ấn ung thư hay chất chỉ điểm ung thư (Tumor markers).

Xét nghiệm dấu ấn ung thư là xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư, ví dụ như xét nghiệm CEA - ung thư đại tràng, thực quản, CA 153 - ung thư vú, phổi, TG - ung thư tuyến giáp,...

Cùng tìm hiểu chi tiết hơn về xét nghiệm dấu ấn ung thư và những câu hỏi như xét nghiệm dấu ấn ung thư là gì, khi nào cần, lưu ý khi thực hiện,... trong bài viết dưới đây.

Xét nghiệm dấu ấn ung thư là gì?

Dấu ấn ung thư hay còn gọi là chất chỉ điểm khối u trong máu, là các chất được tạo ra bởi tế bào ung thư hoặc bởi tế bào bình thường đáp ứng với sự hiện diện của ung thư hoặc các bệnh lý khác.

Các dấu ấn ung thư này có thể hiện diện trong tế bào, trong mô và trong dịch cơ thể (máu, nước tiểu, dịch não tủy), hiện nay hay sử dụng đánh giá các dấu ấn ung thư trong máu.

Các dấu ấn ung thư chủ yếu được áp dụng để đánh giá hiệu quả điều trị, tiên lượng, theo dõi tái phát, di căn của bệnh ung thư đã được chẩn đoán xác định trước đó. Còn với vai trò tầm soát ung thư thì giá trị không nhiều và chỉ có ý nghĩa với một số loại ung thư.

Xét nghiệm máu tầm soát ung thư chỉ áp dụng trong tầm soát trên đối tượng nguy cơ cao và phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, tư vấn. Đây không phải là phương pháp có chỉ định rộng rãi.

Khi nào cần xét nghiệm Xét nghiệm dấu ấn ung thư?

Xét nghiệm tìm dấu ấn ung thư chủ yếu được làm để đánh giá đáp ứng điều trị, tiên lượng, theo dõi tái phát, di căn của bệnh. Ngoài ra, còn được ứng dụng trong một số trường hợp như sau:

  • Ở những người mà người thân ruột thịt bị loại ung thư có tính di truyền.
  • Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư như hút thuốc lá nhiều và lâu năm...
  • Những người mắc viêm gan siêu vi B hoặc C, có nguy cơ cao bị ung thư gan, nên xét nghiệm định kỳ định lượng AFP phối hợp với xét nghiệm hình ảnh học như siêu âm, chụp CT gan.
  • Người có xét nghiệm khác hoặc triệu chứng lâm sàng nghi ung thư

Các xét nghiệm Xét nghiệm dấu ấn ung thư

Dưới đây là một số xét nghiệm dấu ấn ung thư thường sử dụng:

1. Xét nghiệm CEA

  • Giới hạn bình thường: 0-10 ng/mL.
  • CEA là một thành phần của màng nhày đại trực tràng.
  • Tăng trong ung thư đường tiêu hoá như: Ung thư thực quản, dạ dày, gan, tụy, đại trực tràng, vú, buồng trứng, cổ tử cung, tuyến giáp.
  • Có thể tăng không nhiều trong polyp đại tràng, viêm ruột non, viêm tuỵ, suy thận mạn.

2. Xét nghiệm AFP

  • Giới hạn bình thường: 0-7 ng/mL.
  • AFP huyết tương tăng trong ung thư tế bào gan nguyên phát, ung thư tế bào mầm (tinh hoàn). AFP huyết tương cũng có thể tăng trong viêm gan, xơ gan.
  • Xét nghiệm AFP được ứng dụng trong việc theo dõi tiến trình bệnh và hiệu quả điều trị ung thư tế bào gan nguyên phát, ung thư tinh hoàn sau điều trị phẫu thuật, xạ trị hoặc hoá trị liệu.

3. Xét nghiệm PSA

  • Giới hạn bình thường:
    • Ở những người < 50 tuổi: PSA < 2,5 ng/mL.
    • Những người > 50 tuổi: PSA < 5 ng/mL.
  • PSA huyết tương tăng trong ung thư tuyến tiền liệt; có thể tăng trong u phì đại, viêm tuyến tiền liệt.
  • Xét nghiệm PSA có giá trị trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt, thường được sử dụng kết hợp với chụp trực tràng, siêu âm và sinh thiết ở đàn ông trên 50 tuổi.

4. Xét nghiệm CA 125

  • Giới hạn bình thường: 0 - 35 U/mL.
  • CA 125 huyết tương tăng trong ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung; có thể tăng trong các bệnh lý thanh dịch như cổ trướng, viêm màng tim, viêm màng phổi, viêm màng bụng,...
  • xét nghiệm CA 125 có vai trò chủ yếu trong chẩn đoán ung thư buồng trứng, đánh giá điều trị và theo dõi tiến trình của bệnh.
Xét nghiệm dấu ấn ung thư là một xét nghiệm máu
Xét nghiệm dấu ấn ung thư là một xét nghiệm máu tìm chất chỉ điểm ung thư - Ảnh: Canva

5. Xét nghiệm CA 15-3

  • Giới hạn bình thường: 0-32 U/mL.
  • CA 15-3 huyết tương tăng trong ung thư vú, có thể tăng trong u vú lành tính, viêm gan, viêm tuỵ.
  • CA 15-3 là một marker hữu ích để theo dõi tiến trình bệnh ở bệnh nhân ung thư vú di căn. Xét nghiệm này không phù hợp cho việc chẩn đoán vì độ nhạy thấp khi ung thư vú chưa có di căn.

6. Xét nghiệm CA 72-4

  • Giới hạn bình thường: 0-5,4 U/mL.
  • CA 72-4 huyết tương tăng trong ung thư dạ dày, có thể tăng trong xơ gan, viêm tuỵ, viêm phổi, thấp khớp.
  • Xét nghiệm được sử dụng để theo dõi và hiệu quả điều trị ung thư dạ dày.

7. Xét nghiệm CA 19-9

  • Giới hạn bình thường: 0-33 U/mL.
  • CA 19-9 huyết tương tăng trong các ung thư đường tiêu hoá như ung thư gan (thể cholangiom), đường mật, dạ dày, tuỵ và ung thư đại trực tràng.
  • CA 19-9 huyết tương cũng có thể tăng trong viêm gan, viêm tuỵ, đái tháo đường, xơ gan, tắc mật.
  •  Vai trò chủ yếu của xét nghiệm CA 19-9 là phát hiện sớm sự tái phát và theo dõi hiệu quả điều trị các ung thư đường tiêu hoá kể trên.

8. Xét nghiệm SCC 

  • Giới hạn bình thường: 0- 3 µg/mL.
  • SCC không phù hợp cho mục đích tầm soát ung thư tế bào vẩy vì độ nhạy và độ đặc hiệu thấp.
  • Tuy nhiên, SCC có thể được sử dụng để theo dõi tiến trình bệnh và đánh giá đáp ứng điều trị ung thư tế bào vẩy (ung thư cổ tử cung, thực quản) nguyên phát và tái phát.
  • SCC huyết tương cũng có thể tăng trong tắc nghẽn phổi, hen.

9. Xét nghiệm CYFRA 21-1

  • Giới hạn bình thường: 0 - 3,3 μg/ml
  • CYFRA 21-1 huyết tương tăng trong ung thư phổi (tế bào không nhỏ), bàng quang. CYFRA 21-1 huyết tương cũng có thể tăng trong một số bệnh phổi, thận
  • Xét nghiệm CYFRA 21-1 được sử dụng để chẩn đoán đánh giá đáp ứng điều trị và theo dõi diễn biến của ung thư phổi không tế bào nhỏ và theo dõi diễn biến ung thư bàng quang.
  • Lưu ý khi xét nghiệm Xét nghiệm dấu ấn ung thư

Lưu ý khi xét nghiệm dấu ấn ung thư

Cho tới thời điểm hiện tại, xét nghiệm Dấu ấn ung thư không thể sử dụng đơn độc để chẩn đoán xác định có ung thư hay không, mà phải phối hợp với thăm khám lâm sàng và những xét nghiệm chuyên sâu khác.

Đối với bệnh nhân đã bị ung thư hoặc nghi ngờ mắc một loại ung thư nào đó thì cần xét nghiệm loại dấu ấn ung thư tương ứng.

Chỉ số xét nghiệm dấu ấn ung thư tăng không chỉ trong các bệnh lý về ung thư mà còn có thể tăng trên một số bệnh lý lành tính khác.

Nhìn chung, xét nghiệm dấu ấn ung thư là một xét nghiệm máu thật sự hữu ích và quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả điều trị và dự đoán diễn biến bệnh.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết