Tăng huyết áp ở thời kỳ mãn kinh: Giải thích mối liên hệ và cách kiểm soát huyết áp
Tăng huyết áp ở thời kỳ mãn kinh
Tăng huyết áp ở thời kỳ mãn kinh - Ảnh: BookingCare

Tăng huyết áp ở thời kỳ mãn kinh: Giải thích mối liên hệ và cách kiểm soát huyết áp

Tác giả: - Xuất bản: 11/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Sự thay đổi nội tiết và trọng lượng cơ thể trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao ở phụ nữ.

Thời kỳ mãn kinh được xác nhận khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng và không có nguyên nhân rõ ràng nào khác. Thời kỳ này thường bắt đầu sau độ tuổi 45, trung bình là 51 tuổi. 

Trong quá trình lão hóa và mãn kinh, cơ thể có một số thay đổi liên quan đến nồng độ hormone và trọng lượng. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp ở phụ nữ. 

Mối liên hệ giữa thời kỳ mãn kinh và tăng huyết áp

Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone estrogen giảm đáng kể. Hormon này có lợi đối với huyết áp:

  • Estrogen có tác dụng giãn mạch, giúp thúc đẩy lưu lượng máu bằng cách giữ cho các mạch máu mở.
  • Tiếp theo, estrogen giúp giữ mức cholesterol ở mức thấp, điều này giúp ngăn ngừa tình trạng thu hẹp và xơ cứng động mạch do sự lắng đọng hoặc mảng bám cholesterol.

Bởi vậy, sự thay đổi nội tiết, nồng độ estrogen giảm do mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp.

Bên cạnh đó, chị em trải qua thời kỳ mãn kinh cũng có thể bị tăng cân. Thừa cân và béo phì làm tăng nguy cơ cao huyết áp và cũng gây thêm căng thẳng cho tim. 

Theo báo cáo Gánh nặng bệnh tật toàn cầu gần đây nhất, huyết áp cao là yếu tố nguy cơ gây tử vong số một đối với phụ nữ trên toàn cầu.

Tăng huyết áp cho đến nay là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất ảnh hưởng đến phụ nữ trong những năm đầu sau mãn kinh. Khoảng 30 - 50% phụ nữ bị tăng huyết áp (huyết áp >140/90 mmHg) trước tuổi 60 và khởi phát bệnh tăng huyết áp có thể gây ra nhiều triệu chứng thường được cho là do mãn kinh.

Tăng huyết áp nhẹ đến trung bình có thể gây ra các triệu chứng như đau ngực không ổn định, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, đánh trống ngực, bốc hỏa, lo lắng, trầm cảm, mệt mỏi,...

Phụ nữ có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp và phụ nữ có tiền sử tăng huyết áp trong thời kỳ mang thai có nguy cơ cao bị tăng huyết áp ở độ tuổi này. 

Kiểm soát huyết áp trong thời kỳ mãn kinh

Để kiểm soát huyết áp trước và sau thời kỳ mãn kinh, chị em nên tập trung vào xây dựng, thực hiện lối sống lành mạnh:

  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
  • Ăn thực phẩm có lợi cho tim: ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả.
  • Hạn chế muối và thực phẩm chế biến sẵn.
  • Duy trì hoạt động thế chất, tập thể dục trung bình 150 phút mỗi tuần, 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần
  • Quản lý căng thẳng.
  • Hạn chế hoặc tránh uống rượu.
  • Bỏ hút thuốc lá.

Nếu chị em đã bị huyết áp cao, ở thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh thực hiện lối sống lành mạnh trên càng trở nên cần thiết để kiểm soát huyết áp, ngăn ngừa bệnh tiến triển. Bên cạnh đó hãy thăm khám với bác sĩ định kỳ để kiểm soát, đạt được mục tiêu huyết áp cá nhân. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết