Tất tần tật về bệnh trĩ - Cẩm nang cho người bệnh

Sản phẩm của BookingCare
Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
Xuất bản: 05/02/2018, Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Người xưa có câu: "thập nhân cửu trĩ", điều này cho thấy bệnh trĩ rất phổ biến hay gặp trong cộng đồng. Vậy thì tại sao bệnh trĩ lại hay gặp trong cộng đồng?

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Bệnh trĩ thường gặp ở giới văn phòng
Bệnh trĩ hay gặp ở dân văn phòng - Ảnh: iStock

Trĩ là một bệnh Hậu môn trực tràng phổ biến ở cả nam và nữ (nam nhiều hơn nữ),chiếm từ 35-50% dân số. Nhìn chung, trĩ không phải là bệnh nguy hiểm, không gây tử vong nhưng sự khó chịu, đau rát thường trực sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với mỗi người bệnh.

Bạn có biết rằng ít vận động, sinh hoạt không điều độ, ăn uống ít chất xơ, dùng bia rượu, chất cay nóng là những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh trĩ?

1. Bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ còn được gọi theo cách dân dã là bệnh lòi dom là bệnh thuộc vùng hậu môn trực tràng.

Các tĩnh mạch bị giãn quá mức ở hậu môn trực tràng sẽ tạo thành búi trĩ và gây nên bệnh trĩ. Các tĩnh mạch này bị giãn do chịu chèn ép từ bên trong, có khả năng xung huyết, chảy máu và có khi bị sa ra ngoài.

Ở vùng hậu môn có bộ phận được gọi là đường lược, dựa vào vị trí mà búi trĩ xuất hiện mà người ta chia thành các dạng:

  • Trĩ nội (phía trên đường lược)
  • Trĩ ngoại (phía dưới đường lược)
  • Trĩ hỗn hợp (gồm cả trĩ nội và trĩ ngoại)

Đường lược là đường (vòng) có hình răng lược chia 2/3 trên và 1/3 dưới của ống hậu môn. Nói rộng hơn, nó là chỗ nối giữa phần cuối ống tiêu hóa và hậu môn.

trĩ nội và trĩ ngoại
Trĩ nội xuất hiện ở phía trên đường lược, trĩ ngoại ở phía dưới đường lược 

2. Nguyên nhân gây bệnh trĩ

Nguyên nhân bệnh trĩ rất đa dạng, có thể là do nhiều yếu tố kết hợp vào mà gây ra bệnh trĩ:

  • Táo bón thường xuyên, tiêu chảy thường xuyên
  • Căng thẳng, stress
  • Thói quen ăn uống: ăn ít, ăn ít rau củ quả, uống ít nước
  • Thói quen đi đại tiện: đi đại tiện quá lâu, rặn nhiều...
  • Béo phì, thừa cân, vận động khó khăn: Vì hoạt động thể lực suy giảm sẽ ảnh hưởng đến lưu thông của hệ tuần hoàn gây nên tụ máu cục bộ hoặc mao mạch ở những vị trí thường xuyên bị tác động như: mao mạch vùng hậu môn sẽ phồng to rất dễ trở thành trĩ ngoại.
  • Những người vì nghề nghiệp hay do thói quen ngồi lâu, ít vận động (xem vô tuyến, đọc sách báo, chơi cờ, lười vận động) rất dẽ dẫn đến mắc bệnh trĩ.
  • Một số người do thói quen ăn cay, uống nhiều rượu, bia, dùng nhiều chất kích thích (cà phê, thuốc lá) có thể là những nguyên nhân thuận lợi cho bệnh trĩ phát triển.

Như vậy, có thể thấy nguyên nhân gây bệnh trĩ đều rất đơn giản, xuất phát từ thói quen của chính người bệnh. Hãy thay đổi những thói quen này, tập luyện một lối sống, ăn uống, sinh hoạt khoa học hơn để tự tránh khỏi bệnh trĩ.

3. Triệu chứng (biểu hiện) và dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ

Chỉ cần để ý một chút, bạn sẽ thấy bệnh trĩ hoàn toàn không khó để nhận biết. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh khá rõ ràng, thường bao gồm: Đi ngoài ra máu, Sa búi trĩ, Đau rát hậu môn, Chảy dịch, Ngứa hậu môn.

Đi ngoài ra máu

Đi ngoài ra máu là triệu chứng thường gặp và phổ biến ở hầu hết người bệnh trĩ. Dù trĩ nội hay trĩ ngoại, trĩ nặng hay nhẹ đều có tình trạng đi ngoài ra máu. 

Đại tiện ra máu là triệu chứng điển hình của bệnh trĩ 
Đại tiện ra máu là triệu chứng điển hình của bệnh trĩ 

Cần phân biệt với ung thư trực tràng: cả bệnh trĩ và ung thư trực tràng đều có hiện tượng đi ngoài ra máu.

  • Với bệnh trĩ, đi cầu ra máu tươi, ra sau phân và không lẫn vào phân.
  • Với ung thư trực tràng, thường sẽ đi cầu ra máu đen, lẫn vào phân.

Giải thích cho hiện tượng này, người bệnh có thể hiểu như sau: Các tĩnh mạch bị giãn quá mức làm búi trĩ xuất hiện, sưng và xung huyết. Khi bị phân búi trĩ sẽ bị chảy máu. Đôi khi, máu từ búi trĩ chảy ra đông lại trong lòng trực tràng gây đi cầu ra máu cục.

  • Ở giai đoạn đầu, ta chỉ thấy máu dính trên phân hoặc trên giấy vệ sinh.
  • Khi bệnh nặng hơn, máu chảy nhỏ giọt hoặc bắn thành tia
  • Nếu nặng hơn nữa, kể cả khi người bệnh đi lại, ngồi xổm, vận động mạnh cũng khiến máu chảy ra.

Tình trạng chảy máu nhiều, diễn ra trong thời gian dài có thể khiến người bệnh thiếu máu, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn và nhiều hệ lụy khác.

Búi trĩ bị sa ra ngoài (Sa búi trĩ)

Sa búi trĩ là tình trạng búi trĩ lòi ra ngoài hậu môn. Đây là biểu hiện điển hình của bệnh trĩ. Trước khi bị sa búi trĩ, hầu hết bệnh nhân đều có triệu chứng đi ngoài ra máu.

  • Ở giai đoạn đầu, bệnh nhẹ, búi trĩ sau khi sa ra ngoài có thể tự co lên. Lúc này, sa búi trĩ có thể không gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
  • Tiếp đó búi trĩ sa ra ngoài và không thể tự co lên, phải dùng tay đẩy lên. Người bệnh bắt đầu thấy đau rát, phiền hà vì búi trĩ không thể tự co lên được, đặc biệt nếu người bệnh phải đi lại nhiều hoặc vận động mạnh.
  • Nặng hơn là khi búi trĩ luôn trong tình trạng sa ra ngoài và dùng tay đẩy cũng không lên. Lâu ngày dẫn đến sa nghẹt trĩ, không vệ sinh sạch sẽ vùng hậu môn sẽ bị nhiễm trùng và hoại tử búi trĩ khiến bệnh nhân đau đớn.
búi trĩ nội bị sa ra ngoài hậu môn
Búi trĩ nội bị sa ra ngoài hậu môn 

Đau rát hậu môn

Cơn đau có thể kéo dài vài giờ. Các trường hợp bệnh nặng thường bị đau trong thời gian dài, thậm chí kéo dài dai dẳng. Bệnh nhân bị trĩ ngoại thường đau hơn trĩ nội. Vì khu vực búi trĩ nội xuất hiện không có dây thần kinh cảm giác nên thường ít gây đau.

Vì sao bệnh trĩ lại gây đau:

  • Phân cứng cọ vào búi trĩ bị xung huyết gây nóng rát ở vùng hậu môn. Nặng hơn là khi búi trĩ sa ra ngoại, sưng tấy, viêm nhiễm, sa nghẹt trĩ... khiến bệnh nhân đau đớn.
  • Tắc mạch: Những cục máu đông nhỏ xuất hiện bên trong búi trĩ. Khi tắc mạch, bệnh nhân không dám ngồi ngay ngắn trên ghế, mà chỉ đặt một mông trên ghế vì đau đớn.
  • Sa trĩ nghẹt: Hiện tượng này sẽ làm cho búi trĩ phù nề, có khi sưng rất to, không thể đẩy lên được làm cho bệnh nhân rất đau.

Chất dịch tiết ra nhiều

Thông thường, hậu môn sẽ tiết ra chất dịch để đi vệ sinh được dễ dàng hơn. Khi bị sa búi trĩ, cơ vòng hậu môn bị hở, chất dịch chảy từ trong hậu môn ra kèm theo phân, khiến khu vực hậu môn lúc nào cũng ẩm ướt khó chịu.

Ngứa rát, khó chịu

  • Việc hậu môn ngứa ngáy, khó chịu chủ yếu là do hiện tượng chảy dịch.
  • Cũng là do các búi trĩ ngoại hình thành ở bên ngoài hậu môn khiến người bệnh thấy cộm và ngứa ngáy.
  • Ngoài ra, ngứa hậu môn và quanh hậu môn do viêm da bởi các chất dịch nhầy. 

4. Phương pháp chữa bệnh trĩ

Việc chọn phương pháp điều trị phải dựa trên mức độ nặng nhẹ của bệnh và loại bệnh trĩ nội hay trĩ ngoại. Các bác sĩ chuyên khoa Hậu môn trực tràng sẽ cho lựa chọn phương pháp phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Hiện nay, có một số cách chữa bệnh trĩ:

  • Điều trị nội khoa + Chế độ vệ sinh ăn uống
  • Điều trị bằng thủ thuật
  • Điều trị bằng phẫu thuật.

Khoảng 90% các trường hợp được chỉ định điều trị nội khoa hoặc can thiệp bằng thủ thuật, 10% còn lại là chuyển sang phẫu thuật khi các phương pháp điều trị ở trên không hiệu quả. Người bệnh hãy chọn một bệnh viện, phòng khám trĩ uy tín để điều trị căn bệnh này tốt nhất.

bệnh nhân điều trị trĩ
Các phương pháp chữa bệnh trĩ: nội khoa, thủ thuật và phẫu thuật 

Người bệnh cũng nên lưu ý rằng, dù điều trị như thế nào thì bệnh trĩ vẫn luôn có nguy cơ tái phát lại, vì giải quyết triệt để chân búi trĩ là rất khó khăn.

Phương pháp điều trị nội khoa

Ngăn chặn các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh trĩ:

  • Tập thói quen đi cầu đều đặn hàng ngày.
  • Điều chỉnh thói quen ăn uống:
    • Tránh các chất kích thích như cà phê, rượu, trà
    • Tránh các thức ăn nhiều gia vị như ớt, tiêu
    • Uống nhiều nước
    • Ăn nhiều chất xơ (rau xanh, củ, quả)
  • Vận động thể lực: nên tập thể dục và chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ, đá cầu… sẽ giúp các nhu động ruột hoạt động tốt, tiêu hóa tốt và tuần hoàn máu vùng hậu môn tốt, không gây ứ trệ máu làm giảm nguy cơ căng phồng tĩnh mạch hậu môn, phòng ngừa bệnh trĩ.

Sử dụng thuốc:

  • Thuốc đặt hoặc thuốc bôi: Các loại thuốc đặt vào trong vùng hậu môn nhưng thường là để chữa trị nội hơn. Người ta thường dùng thuốc mỡ bôi lên vùng bị tổn thương có tác dụng tại chỗ. Các loại thuốc này có hoạt chất giảm đau, giảm ngứa, sát trùng, chống viêm nhiễm, song chỉ có tác dụng giảm đau tức thời chứ không thể làm búi trĩ co lên được, cũng không điều trị triệt để nguyên nhân. 
  • Thuốc uống: Là các loại thuốc có tác dụng điều hòa tính thẩm thấu và tăng sức bền chắc thành của các tĩnh mạch, do đó làm giảm phù nề, giảm sung huyết các tĩnh mạch ở vùng trĩ, cầm máu đối với trĩ chảy máu, co búi trĩ.

Ngoài thuốc tác động chính trên tĩnh mạch trĩ, có thể dùng thêm các loại thuốc khác như: kháng sinh, thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc nhuận tràng… Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chữa bệnh Trĩ, đặc biệt phải kiên trì dùng thuốc đủ thời gian.

Phương pháp can thiệp bằng dụng cụ, thủ thuật

Một số thủ thuật trong điều trị bệnh trĩ: chích xơ, thắt trĩ bằng vòng cao su và phương pháp sử dụng tia hồng ngoại... Đây là các thủ thuật đơn giản nhằm làm giảm lưu thông máu tới vùng trĩ. Những thủ thuật này thường được làm trong ngày và sau khoảng 1-2 tiếng được ra viện ngay.

Thắt trĩ bằng vòng cao su 

  • Búi trĩ được thắt lại bằng một vòng cao su nhỏ, gây nghẹt và thiếu máu đến búi trĩ đó.
  • Sau khoảng 5 – 7 ngày búi trĩ sẽ bị hoại tử và rụng.
  • Người bệnh nên thực hiện thủ thuật này tại các cơ sở y tế uy tín, vì một số ít trường hợp vị trí thắt vẫn có nguy cơ bị xuất huyết, nhiễm trùng huyết, loét nếu dụng cụ không được đảm bảo tiệt trùng.
búi trĩ nội và nút thắt
Thắt trĩ bằng vòng cao su 

Chích xơ (tiêm thuốc gây xơ hóa búi trĩ)

  • Thủ thuật chích xơ được thực hiện bằng cách tiêm thuốc làm xơ hóa vùng dưới niêm mạc để giảm lưu lượng máu đến búi trĩ.
  • Thuốc này sẽ làm xơ hoá, ép chặt các nhánh mạch máu, dính chắc niêm mạc và hạ niêm mạc với nhau.
  • Kết quả là tránh xuất huyết, chảy máu và sa búi trĩ.

Thủ thuật này tuy đơn giản nhưng cần được thực hiện bởi các bác sĩ chữa bệnh trĩ có tay nghề để đảm bảo tránh được các biến chứng như xuất huyết hoặc tiêm quá sâu vào tuyến tiền liệt, trực tràng.

tiêm thuốc làm xơ hoá vùng dưới niêm mạc
 Tiêm thuốc làm xơ hóa vùng dưới niêm mạc để giảm lưu lượng máu đến búi trĩ

Quang đông hồng ngoại

Là một trong những thủ thuật được sử dụng phổ biến hiện nay. Cụ thể là dùng sức nóng tia hồng ngoại để làm cho mô bị đông lại và tạo sẹo xơ, giảm lưu lượng máu đến búi trĩ, đồng thời cố định trĩ vào ống hậu môn.

  • Quang đông hồng ngoại thường được chỉ định với trĩ nội độ 1 và độ 2.
  • Phương pháp này có ưu điểm là không đau, an toàn, cầm máu rất hiệu quả nhưng có nhược điểm là thường phải làm thủ thuật nhiều lần.
  • Máy quang đông hồng ngoại có lợi là không gây nhiễu các dụng cụ điện tử gắn trên người bệnh như máy điều hòa nhịp tim.

Phương pháp Phẫu thuật cắt trĩ (mổ trĩ)

Chỉ khoảng 10 - 15% bệnh nhân được khuyên phẫu thuật cắt trĩ. Các loại phẫu thuật bao gồm: Phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc, Phẫu thuật cắt từng búi trĩ, Phẫu thuật Longo, Khâu treo trĩ bằng tay, Khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler…

Sau khi phẫu thuật cắt trĩ, bệnh nhân không cần phải lưu viện qua đêm. Người bệnh được gây mê trong quá trình phẫu thuật, và sử dụng thuốc giảm đau sau đó. Thông thường, sau khoảng 7 – 10 ngày người bệnh sẽ hồi phục, không còn cảm giác đau và có thể sinh hoạt, làm việc bình thường.

Phẫu thuật cắt khoanh niêm mạc da

Cắt khoanh niêm mạc và lớp dưới niêm mạc có các búi tĩnh mạch trĩ, sau đó kéo niêm mạc từ trên xuống khâu với da ở hậu môn. Phẫu thuật này có thể xử lý triệt để búi trĩ nhưng dễ gây ra hẹp hậu môn và rỉ dịch ở hậu môn.

Đây là phẫu thuật ít gây chảy máu trong mổ, thời gian mổ ngắn, không gây tổn thương cơ thắt. Là phương pháp mổ an toàn, đơn giản, kết quả điều trị tốt.

Phẫu thuật cắt đơn lẻ từng búi trĩ

  • Cắt riêng biệt từng búi trĩ một, để lại ở giữa các búi trĩ các mảnh da - niêm mạc.
  • Phẫu thuật này tránh được các biến chứng của phẫu thuật cắt trĩ khoanh niêm mạc da, nhưng vẫn còn nhược điểm là đau sau mổ, thời gian nằm viện dài, thời gian trở lại lao động muộn và không hiệu quả trong các trường hợp trĩ vòng.

Phẫu thuật Longo

Là phẫu thuật sử dụng máy khâu vòng để cắt một khoanh niêm mạc trên đường lược khoảng 2-3 cm và khâu vòng bằng máy bấm. Nhằm giảm lưu lượng máu đến đám rối tĩnh mạch trĩ để thu nhỏ thể tích trĩ và treo được đệm hậu môn vào ống hậu môn.

Phương pháp này được áp dụng nhiều vì không đau, thời gian nằm viện ngắn, nhanh phục hồi, nhưng chi phí cao hơn so với các loại phẫu thuật khác.

cắt trĩ bằng phẫu thuật longo
Cắt trĩ bằng phẫu thuật Longo 

Khâu treo trĩ bằng tay

Đây là phương pháp cải biên của phẫu thuật Longo để giảm chi phí cho mỗi ca phẫu thuật.

Nguyên tắc là làm giảm lưu lượng máu đến búi trĩ để thu nhỏ thể tích khối trĩ và treo búi trĩ lên ống hậu môn bằng các mũi khâu tay khâu xếp nếp niêm mạc trên đường lược 2-3 cm.

Khâu cột động mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm Doppler

Đầu dò siêu âm Doppler gắn liền trong một ống soi hậu môn, qua dụng cụ này bác sĩ dò tìm 6 động mạch và khâu cột ở vị trí trên đường lược 2cm. Ưu điểm của phương pháp này là không đau và bảo tồn được đệm hậu môn.

mổ khâu trĩ bằng doppler
  Mổ khâu trĩ bằng phương pháp triệt mạch Doppler 

5. Người bị bệnh trĩ nên ăn gì và nên kiêng gì

Bị trĩ nên ăn gì 

Uống nhiều nước: Nước sẽ giúp cho phân mềm để khi đi vệ sinh phân dễ dàng đi qua hậu môn hơn. 

  • Gồm cả nước canh, nước hoa quả, cần đảm bảo lượng nước bổ sung cho cơ thể, mỗi ngày từ 1,5 – 2 lít nước đối với người trưởng thành. 
  • Nhưng uống nước cũng cần đúng cách, cần uống dải đều trong ngày, không để cơ thể mất nước quá lâu.
  • Khi ngủ dậy cần phải bổ sung nước sau một đêm dài.
  • Trước khi đi ngủ chỉ nên uống ít nước để tránh đi vệ sinh vào ban đêm gây mất ngủ.

Ăn đủ chất xơ: Để không bị táo bón, chế độ ăn của bạn phải đủ lượng chất xơ, nước. 

  • Nên bổ sung hoặc ăn chất xơ từ từ, hợp lý để cơ thể thích nghi dần, nếu đột ngột nạp lượng lớn chất xơ có thể dẫn tới đầy hơi.
  • Các loại rau quả đậu bắp, mướp hương, bí đỏ, cà chua, cà tím, súp lơ xanh, củ sen, bắp, bơ, thanh long, bưởi, táo tây, dâu tây, kiwi, hồng, hải sâm, sung, rau mùi, rau má... rất có lợi cho người bị bệnh trĩ. 

Sử dụng thực phẩm nhuận tràng:

  • Một số loại rau nhuận tràng tốt như rau lang, rau mồng tơi, rau đay, rau diếp cá, rau dền nên dùng nấu canh ăn thường xuyên rất tốt cho người bệnh trĩ.
  • Chuối cũng là loại quả có giá trị nhuận tràng tốt, sau mỗi bữa ăn nên dùng một quả chuối, hoặc ăn ít dưa hấu.
  • Khoai lang cũng là một loại thực phẩm nhuận tràng tốt cho người bị bệnh trĩ.
  • Mật ong: cũng có tác dụng nhuận tràng, người mắc trĩ nên sử dụng.
  • Magie là một chất có tác dụng nhuận tràng, giúp hạn chế chứng táo bón. Một số thức ăn giàu magie: cá bơn, quả hạnh sấy khô, hạt điều sấy khô, đậu nành, rau chân vịt, bột yến mạch, bơ lạc, quả bơ, nho khô không hạt...

Ăn thức ăn nhiều chất sắt: Người bệnh trĩ dễ bị thiếu máu do đại tiện ra máu, vì vậy nên chế độ ăn cho bệnh nhân trĩ cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt .

  • Một số thực phẩm giàu sắt: gan gà, cua hấp, cá ngừ, mận, mơ khô, nho khô, hạt hướng dương, hạt điều, hạnh nhân, mè, khoai tây luộc, rau bó xôi, bông cải xanh nấu chín, dưa đỏ, rau cần, mộc nhĩ đen, vừng (mè đen)...
  • Quả óc chó: có tác dụng nhuận tràng, giảm búi trĩ thòi ra ngoài, và hiện tượng đại tiện ra máu.

Bị trĩ nên kiêng gì 

  • Kiêng các chất gia vị cay, nóng, cà phê, rượu và những thực phẩm chứa chất cafein.
  • Không nên ăn mặn nhiều vì muối có khuynh hướng giữ nước lại trong cơ thể, làm các tế bào và mạch máu trương căng ra, làm nặng hơn triệu chứng trĩ.
  • Những gia vị cay, nóng như: ớt, hồ tiêu, hành… gây kích ứng niêm mạc dạ dày, ruột và thường tạo cảm giác khó chịu khi phân đi qua hậu môn.
  • Nước ngọt có ga cũng nên hạn chế vì làm tăng áp lực trong khung ruột.
  • Giảm tối đa bánh ngọt và sô-cô-la vì không chỉ gây táo bón mà còn tăng phản ứng ngứa hậu môn.
  • Không nên ăn đồ ăn quá nhiều chất mỡ hoặc đồ rán… Bởi đồ ăn chứa nhiều chất béo thường gây khó tiêu và làm cơ thể dễ bị nóng trong. Điều này có thể làm cho bệnh trĩ của bạn có thể bị nặng hơn.
  • Kiêng tuyệt đối món ăn nào đã gây dị ứng trước đó.

6. Bệnh trĩ có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Mời bạn xem Clip sau để có thông tin đầy đủ hơn.

Bệnh trĩ có chữa được không

Khách mời:

  • Ts.Bs Lê Mạnh Cường - Bệnh viện Y học Cổ truyền TW
  • Pgs.Ts. Nguyễn Thị Lâm - Viện Dinh dường Quốc gia

Thời lượng: 05 phút 28 giây

Thực hiện: Sức khỏe Đời sống

 
 

Đặt khám dễ dàng cùng BookingCare

Sau đây là một số bác sĩ giỏi (hoặc đơn vị uy tín) chuyên Khám và điều trị bệnh trĩ. Bệnh nhân có thể đặt lịch trước tại đây để đi khám và điều trị hiệu quả.

Đặt khám tư vấn với bác sĩ từ xa qua Video

Bác sĩ khám tư vấn trĩ từ xa thông qua Video, bệnh nhân ở nhà gặp bác sĩ từ xa nhanh chóng, tiện ích và hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Bệnh học ngoại khoa sau đại học NXBQĐND - HN tập 1, 2
Bài giảng chuyên ngành Ngoại bụng - Bệnh trĩ - Bệnh viện Quân Y 103 
Tư vấn trực tuyến "Không còn nỗi lo bệnh trĩ" - PGS.TS. Nguyễn Mạnh Nhâm - Chủ tịch hội Hậu môn trực tràng Việt Nam, Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Đình Lân - Phó Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam
Bệnh trĩ không dễ chữa khỏi - Vnexpress.net 
http://suckhoedoisong.vn/thuc-pham-nen-an-khi-mac-benh-tri-n126409.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/