Tất tần tật về ung thư vòm họng
Tất tần tật về ung thư vòm họng
Tất tần tật về ung thư vòm họng - Ảnh: BookingCare

Tất tần tật về ung thư vòm họng

Tác giả: - Xuất bản: 09/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 30/01/2024
Ung thư vòm mũi họng là 1 trong 5 loại ung thư hay gặp nhất (gồm có ung thư phế quản, dạ dày, vú, tử cung và vòm họng). Bệnh khó phát hiện sớm và chẩn đoán, vì vậy bài viết sẽ cung cấp cho bạn một số kiến thức về nguyên nhân, biểu hiện, cách chẩn đoán, phương pháp điều trị và cách phòng tránh ung thư vòm mũi họng hiệu quả.

Vòm họng hay còn gọi là họng mũi là phần cao nhất của họng. Ung thư vòm mũi họng là một bệnh ác tính, tiến triển từ tế bào ở vùng vòm họng, bệnh khó phát hiện và chẩn đoán sớm do các triệu chứng của bệnh không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh mũi họng thông thường. 

Nguyên nhân ung thư vòm mũi họng

Khó có thể xác định nguyên nhân cụ thể gây ung thư vòm mũi họng, một số yếu tố thường nhận thấy ở bệnh nhân đó là giới tính (tỷ lệ nam mắc bệnh cao gấp 3 lần so với nữ) và độ tuổi (thường mắc bệnh ở độ tuổi 45-55). Các giả thuyết nguyên nhân bao gồm:

  • Do virus Epstein - Barr (EBV)
  • Do gen di truyền: hiện nay đã tìm thấy sự rối loạn cấu trúc nhiễm sắc thể và các đoạn gen đặc trưng trên hệ HLA làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vòm họng.
  • Các yếu tố nguy cơ:
    • Nhiễm trùng tai mũi họng mạn tính dai dẳng
    • Điều kiện kinh tế, mức sống thấp
    • Người sống ở vùng có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao
    • Làm nghề cao su, nhựa tổng hợp
    • Dùng nhiều các loại thực vật, tinh dầu, các cây thuốc dân tộc cổ truyền
    • Các sản phẩm đốt cháy: dầu hoả, hương trầm, hương chống muỗi,...
    • Tiêu thụ thường xuyên các thức ăn bị lên men, chua, ôi thiu; các thực phẩm chứa nhiều nitrosamine như cá muối, thịt hun khói,...
    • Hút thuốc lá và uống rượu
nguy-co-ung-thu-vom-hong
Một số yếu tố nguy cơ phổ biến gây ung thư vòm họng - Ảnh: BookingCare

Tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho rằng căn nguyên của ung thư vòm họng không phải là đơn độc mà do sự tác động của nhiều yếu tố. Do vậy công tác phòng chống ung thư vòm họng phải tác động ở nhiều khâu, đa lĩnh vực mới mang lại kết quả.

Hình ảnh tổn thương trên giải phẫu bệnh

Tổn thương đại thể là tổn thương có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Trong ung thư vòm họng, hình ảnh tổn thương đại thể hay gặp là thể sùi, có thể kèm tình trạng loét, hoại tử.

Tổn thương vi thể là tổn thương của mô và tế bào chỉ có thể quan sát được dưới kính hiển vi quang học hoặc kính hiển vi điện tử. Theo phân loại của WHO (1998), hình ảnh tổn thương của bệnh được chia thành 3 nhóm:

  • Ung thư biểu mô biệt hoá có cầu sừng
  • Ung thư biểu mô biệt hoá không sừng hoá
  • Ung thư biểu mô không biệt hoá: thường người bệnh hay gặp loại tổn thương này, hình ảnh tổn thương có mối liên hệ mật thiết với tình trạng dương tính các kháng nguyên E.B.V.

Để xác định rõ hình ảnh tổn thương của khối ung thư là gì, người bệnh cần đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn và chỉ định làm xét nghiệm mô bệnh học.

Biểu hiện của ung thư vòm họng

Bệnh gồm các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với các bệnh tai mũi họng thông thường, cụ thể:

  • Các dấu hiệu về mũi: nghẹt mũi một bên tăng dần, xì ra nhầy lẫn máu.
  • Các dấu hiệu về tai: ù tai, nghe kém một bên.
  • Hạch cổ to thường xuất hiện cùng bên với khối u
  • Đau đầu nửa bên, cùng một bên với khối u. Đau âm ỉ, thành cơn dễ nhầm lẫn với các bệnh lý mạch máu não.

Khi có các triệu chứng ung thư vòm họng trên, người bệnh nên khám bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng để kịp thời can thiệp điều trị.

Chẩn đoán ung thư vòm mũi họng

Giống như các bệnh ung thư khác, bác sĩ sẽ chẩn đoán liệu bạn có mắc bệnh hay không, nếu có thì bệnh đang ở giai đoạn nào. Điều này giúp người bệnh có được phương án điều trị hợp lý và hiệu quả.

Chẩn đoán mắc bệnh dựa vào thăm khám lâm sàng

Khi đến cơ sở y tế bạn sẽ được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra vùng đầu và cổ của bạn nhằm tìm kiếm các hạch bạch huyết phì đại ở cổ hoặc các đặc điểm không điển hình ở miệng hoặc lưỡi.

Chẩn đoán mắc bệnh dựa vào xét nghiệm

Ngoài các triệu chứng của ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ dựa trên một số xét nghiệm phối hợp giúp chẩn đoán, theo dõi, tiên lượng hiệu quả, bao gồm:

  • Các xét nghiệm nội soi và sinh thiết vòm họng để đánh giá mức độ tổn thương ở vòm họng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan), cộng hưởng từ (MRI), X-quang cho phép đánh giá mức độ xâm lấn do ung thư, kích thước khối u và các thay đổi của xương nền sọ.
  • Xét nghiệm công thức máu, sinh hoá máu đánh giá tình trạng toàn thân.

Chẩn đoán giai đoạn dựa trên biểu hiện lâm sàng

  • Giai đoạn đầu: toàn thân chưa bị ảnh hưởng.
  • Giai đoạn toàn phát: có nhiều nhóm triệu chứng đã xuất hiện, toàn thân đã bị ảnh hưởng nhưng chưa có biểu hiện của nhiễm độc ung thư, chưa có di căn xa.
  • Giai đoạn muộn toàn thân đã bị nhiễm độc với ung thư, hoặc có di căn xa đến phổi, gan, xương,... không còn khả năng điều trị khỏi.

Công tác chẩn đoán bệnh tương đối khó khăn, cần có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại. Vì vậy người bệnh cần đến các cơ sở y tế lớn, uy tín để được thăm khám tốt nhất.

Tiên lượng và điều trị ung thư vòm mũi họng

Tiên lượng phụ thuộc người bệnh đang ở giai đoạn nào của bệnh và phương pháp điều trị. Bệnh sẽ tiến triển tốt nếu người bệnh đang ở giai đoạn đầu và có phương pháp điều trị đúng, triệt để và ngược lại. Mặc dù vậy, tiên lượng chung của bệnh đã được cải thiện qua ba thập kỷ gần đây nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán, quản lý cũng như trong điều trị bệnh.

Hiện nay, phương pháp điều trị ung thư vòm họng phổ biến là xạ trị và hóa trị liệu. Đối với những bệnh nhân ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối, việc điều trị chỉ có ý nghĩa nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân cần đầy đủ dưỡng chất, đảm bảo đủ năng lượng để cơ thể đủ sức chống chọi với bệnh tật, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Hoá - xạ trị có thể gây giảm tiết nước bọt, gây đau vùng miệng họng làm mất cảm giác ngon miệng, người bệnh cần được ăn thức ăn dạng lỏng, chế biến thành từng miếng nhỏ để dễ nuốt, dễ tiêu hoá.

Bệnh nhân cũng cần luyện tập há miệng và xoa bóp vùng cổ thường xuyên không chỉ giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị mà còn đem lại cảm giác thư giãn và dễ chịu cho bệnh nhân.

Cách phòng tránh ung thư vòm họng

Bệnh khó phát hiện và thường được chẩn đoán khi bệnh nhân đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy ngay từ bây giờ chúng ta nên thực hiện một số thói quen giúp phòng ngừa ung thư vòm họng, đặc biệt đối tượng nam giới thường uống rượu, hút thuốc: hoặc ăn các đồ ăn lên men, chúng ta có thể phòng tránh bệnh ung thư vòm họng bằng 1 số lưu ý như sau:  

  • Kiêng hoàn toàn thuốc lá, hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, có gas.
  • Không ăn thức ăn mặn, thức ăn muối như thịt muối, cá muối, thức ăn lên men như dưa muối, cà muối.
  • Không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.
  • Tập thể dục thể thao để tăng sức sức khỏe và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
  • Khi có các bệnh viêm nhiễm tai mũi họng nên đi khám sớm và điều trị dứt điểm bệnh, tránh tái phát bệnh.

Trên đây là tổng quan kiến thức về bệnh Ung thư vòm họng sẽ giúp bạn có thêm hiểu biết về bệnh cũng như thay đổi thói quen và lối sống để phòng bệnh hiệu quả.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết