- Xuất bản: 17/03/2024 - Cập nhật lần cuối: 06/04/2024
Thiếu men G6PD không thể điều trị khỏi hoàn toàn - Ảnh: BookingCare
Thiếu men G6PD là một rối loạn di truyền lặn trên nhiễm sắc thể giới tính X, vì vậy thường ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Thiếu hụt G6PD (Glucose 6-phosphate dehydrogenase) là một trong những bệnh lý enzyme phổ biến nhất ở người, do vậy việc điều trị bệnh thiếu men G6PD là một vấn đề rất đáng được quan tâm.
Thiếu G6PD làm cho hồng cầu rất dễ bị tổn thương do oxy hóa và do đó dễ bị tan máu. Trên Thế giới hiện nay chưa có phương pháp chữa hết bệnh thiếu G6PD vì đây là bệnh lý di truyền. Tuy nhiên có nhiều phương pháp có thể được dùng để phòng ngừa các hậu quả của bệnh nếu được phát hiện sớm.
Cùng BookingCare tìm hiểu các biện pháp điều trị và phòng ngừa bệnh thiếu men G6PD qua bài viết dưới đây.
Điều trị thiếu men G6PD như thế nào?
Phương pháp điều trị các triệu chứng do thiếu men G6PD chủ yếu là loại bỏ yếu tố khởi phát, nghĩa là điều trị tốt nhiễm trùng hoặc ngừng sử dụng thuốc, ngưng sử dụng các thực phẩm không được dùng cho người thiếu men G6PD. Trong thể bệnh cấp tính, khi tan máu đang xảy ra, truyền máu có thể cần thiết để điều trị bệnh. Truyền máu là phương pháp điều trị làm giảm nhẹ triệu chứng có hiệu quả nhất vì tế bào hồng cầu trong máu người cho không bị thiếu hụt men G6PD nên sẽ tồn tại lâu hơn để cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Trong những trường hợp nặng phải cần đến lọc máu khi có suy thận cấp.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị vàng da thường được điều trị bằng phương pháp chiếu đèn. Khi trẻ có dấu hiệu thiếu máu nặng có thể cần nhập viện để hỗ trợ hô hấp và truyền dịch hoặc truyền máu. Ở một số bệnh nhân phụ thuộc vào truyền máu, cắt lách đã được chứng minh là có lợi ích cao.
Phòng ngừa hậu quả của thiếu men G6PD
Khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát như nhiễm trùng, ăn đậu tằm, sử dụng các thuốc oxy hóa làm xuất hiện các biểu hiện của bệnh thiếu men G6PD như vàng da, cơn huyết tán cấp. Tuy nhiên người bệnh có thể tránh được các yếu tố kích hoạt hoặc tác nhân khởi phát từ đó tránh những hậu quả phức tạp do bệnh thiếu men G6PDgây ra. Do vậy cần chú ý các vấn đề sau:
Sàng lọc sơ sinh cho trẻ về bệnh thiếu men G6PD
Khi đi khám cần thông báo cho bác sĩ và các nhân viên y tế về tình trạng thiếu G6PD của con
Tránh ăn đậu tằm (fava) và thức ăn chế biến từ đậu tằm.
Khi bị nhiễm siêu vi, nhiễm trùng (sốt, ho,…) không được tự ý mua thuốc cho con, cần đi khám bác sĩ để dùng thuốc tránh việc sử dụng các thuốc và thực phẩm có thể gây tan máu
Tiêm chủng đầy đủ và giữ vệ sinh sạch sẽ khi chăm sóc trẻ để tránh nguy cơ mắc phải các bệnh nhiễm trùng thông thường.
Mẹ cho con bú không được sử dụng những thức ăn hoặc dược phẩm không dành cho ở người bị thiếu men G6PD vì có thể đi vào cơ thể trẻ qua sữa.
Khi con đủ lớn, giải thích cho con về bệnh của chúng để có thể giúp chúng tránh được việc ăn những thực phẩm bị cấm trong trường hợp bạn không thể chăm sóc chúng mọi lúc mọi nơi (ví dụ như khi trẻ đến trường). Tốt nhất là luôn mang theo bên mình danh sách cần tránh và đưa cho tất cả những người có thể chăm sóc con bạn.
Tránh dùng các loại thuốc có thể gây tán huyết cho người bệnh thiếu G6PD. Các loại thuốc phổ biến hiện nay như: thuốc giảm đau, hạ sốt (amidopyrine, aspirin…); thuốc kháng sốt rét (chloroquie, primaquine,...); thuốc kháng sinh, kháng lao; thuốc điều trị ung thư, tiểu đường, gout,...
Không sử dụng long não (băng phiến) trong nhà
Hội Chữ thập đỏ Thế giới khuyến cáo người bị thiếu men G6PD không nên hiến máu cho người khác
Thiếu men G6PD sẽ kéo dài suốt đời và không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên hầu hết người thiếu men G6PD không xuất hiện triệu chứng trừ khi có yếu tố kích hoạt. Nếu được phòng ngừa tốt, trẻ vẫn sống và phát triển khỏe mạnh như bạn cùng trang lứa.