Thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không và biến chứng tiềm ẩn
Thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không
Thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không và biến chứng tiềm ẩn - Ảnh: BookingCare

Thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không và biến chứng tiềm ẩn

Tác giả: - Xuất bản: 04/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Thoái hóa cột sống cổ có thể gây ra nhiều biến chứng do chèn ép rễ thần kinh và tủy sống, khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng.

Thoái hóa cột sống cổ là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, tuy nhiên tình trạng bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa do do tính chất công việc và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Để giải đáp câu hỏi thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không, mời bạn tìm hiểu ảnh hưởng và biến chứng có thể gặp phải trong bài viết dưới đây.

Thoái hóa cột sống cổ có nguy hiểm không?

Bệnh thoái hóa cột sống cổ giai đoạn sớm thường không dẫn đến tàn tật. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng và chèn ép vào tủy sống hoặc đường ra của các rễ thần kinh sẽ ảnh hưởng đến cảm giác và vận động của chi thể và khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm nghiêm trọng.

Triệu chứng thoái hóa cột sống cổ thường thấy như:

  • Đau vùng cổ: Đây là triệu chứng phổ biến và khá khó chịu đối với những người bệnh thoái hóa cột sống cổ. Đau có thể xuất hiện ở vùng cổ, lan ra sang vai và tay, đôi khi giới hạn khả năng di chuyển và gây khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày. Đau thường là triệu chứng đầu tiên và đôi khi lặp đi lặp lại khi người bệnh lao động nặng hoặc giữ nguyên tư thế cổ lâu.
  • Tê bì, rối loạn cảm giác cánh tay: Khi thoái hóa đốt sống cổ tiến triển, có thể gây chèn ép lên rễ thần kinh ở vùng tủy cổ. Điều này dẫn đến triệu chứng tê bì hoặc rối loạn cảm giác ở cánh tay. Triệu chứng này thường đi dọc từ vai xuống cánh tay, khuỷu tay và bàn tay theo vùng chi phối của các rễ thần kinh.
  • Yếu, liệt hoặc giảm vận động cánh tay, đôi khi có teo cơ vùng cánh tay: Đây là một trong các triệu chứng nặng của thoái hóa cột sống cổ. Điều này xảy ra khi tủy sống vùng cổ bị chèn ép bởi thoát vị đĩa đệm hoặc vôi hóa của các dây chằng. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc cầm nắm, vận động các ngón tay và thực hiện các hoạt động.
  • Tăng phản xạ tủy hoặc các phản xạ gân xương: Đây là các phản xạ tự động tủy do sự chèn ép gây ra do thoái hóa cột sống cổ, các chèn ép này có thể do các thoát vị đĩa đệm, cũng có thể do vôi hóa các dây chằng gây nên. Thường được đánh giá khi được thăm khám và đánh giá bởi các bác sĩ chuyên khoa. Các triệu chứng này có thể bao gồm chuột rút, co giật ở các cơ tay.
  • Đại tiểu tiện không tự chủ - Rối loạn cơ tròn: Đây là một trong các triệu chứng nặng khi thoái hóa cột sống cổ gây nên chèn ép vào tủy sống và gây phù tủy. Triệu chứng này thường xuất hiện muộn nhưng là một trong các triệu chứng nặng của thoái hóa cột sống cổ và cần được theo dõi và xử trí tích cực.

Tùy giai đoạn và mức độ nặng của thoái hóa cột sống cổ mà các triệu chứng kể trên có thể xuất hiện đơn thuần hoặc phối hợp nhiều triệu chứng kể trên.

Thông thường, các triệu chứng khi có chèn ép thần kinh (tê bì, rối loạn cảm giác, yếu/ liệt cơ, tăng phản xạ gân xương và rối loạn cơ tròn) là các triệu chứng nặng, cần được thăm khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa.

Một số biến chứng thoái hóa cột sống cổ

Thoái hóa cột sống cổ làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh lý như:

  • Rối loạn tiền đình: 
    • Một biến chứng khác thường gặp của thoái hóa cột sống cổ là gây rối loạn tiền đình (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn,... mỗi khi đứng lên, ngồi xuống, thay đổi tư thế lúc nằm), làm cho người bệnh mệt mỏi, ăn kém, ngủ kém, lo lắng,... Đặc biệt với biến chứng này làm cho người cao tuổi rất dễ bị ngã.
    • Nguyên nhân của biến chứng rối loạn tiền đình là do thoái hóa cột sống cổ làm tổn thương lỗ tiếp hợp ảnh hưởng đến sự lưu thông máu lên não gây thiếu máu não.
  • Biến chứng đáng chú ý nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây chèn ép tủy sống có thể gây liệt một hoặc hai tay, rối loạn cảm giác tứ chi, rối loạn thực vật (đại tiểu tiện không tự chủ).

  • Tăng nguy cơ chấn thương: Khi thoái hóa cột sống cổ tiến triển, cột sống trở nên mất đi sự ổn định. Điều này có thể làm tăng nguy cơ chấn thương cổ trong các tình huống như tai nạn giao thông, va đập hoặc thậm chí trong các hoạt động thể thao. Chấn thương cổ có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng đến các cơ, dây chằng và cấu trúc xương, ảnh hưởng đến chức năng tổng thể của cổ và vai.
  • Nguy cơ thoái hóa cột sống ở các vùng khác: Thoái hóa cột sống cổ có thể làm mất cân bằng cột sống và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống cột sống. Khi một vị trí cố định trong cột sống bị ảnh hưởng, các phần khác của cột sống có thể phải điều chỉnh để bù đắp, dẫn đến mất cân bằng và tăng nguy cơ thoái hóa cột sống ở các vùng khác.

Tổng quan chung, đau vùng cổ và các triệu chứng khác của thoái hóa cột sống cổ có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, gây khó khăn trong việc làm việc, tham gia vào hoạt động xã hội và tạo ra sự bất tiện và khó chịu.

Để giảm biến chứng của thoái hóa cột sống cổ, điều quan trọng là người bệnh cần thăm khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Ngoài ra, duy trì lối sống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và giữ tư thế đúng khi làm việc cũng rất quan trọng để giảm nguy cơ thoái hóa cột sống cổ và các biến chứng liên quan.

Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết