Thông tin phụ huynh cần biết về tình trạng dậy thì sớm ở trẻ

Nhóm tác giả: Thảo Hoàng,
Thảo Hoàng
Product Manager (Quản lý Sản phẩm) tại BookingCare Hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế
Phương Nguyễn,
Phương Nguyễn
Content Writer (Sáng tạo nội dung) Hơn 5 năm kinh nghiệm biên tập nội dung về Y tế, Chăm sóc sức khỏe
Dung Phan
Dung Phan
Content Writer Hơn 2 năm kinh nghiệm sáng tạo nội dung trong lĩnh vực y tế
- Người kiểm duyệt: Chương Nguyễn
Chương Nguyễn
Thành viên sáng lập BookingCare 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế sức khoẻ
- Cố vấn y khoa: Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng,
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hồng
Nguyên Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai Gần 40 năm kinh nghiệm về chuyên khoa Nội, Nội Cơ xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi,
Bác sĩ Nguyễn Dương Nhật Thi
Hiện là Bác sĩ chuyên khoa Chấn thương, chỉnh hình, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức Hơn 5 năm kinh nghiệm khám và điều trị Ngoại khoa
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Ts.Bs. Vũ Thái Hà
Trưởng khoa Khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc - BV Da liễu Trung ương Gần 20 năm kinh nghiệm khám và điều trị
- Xuất bản: 25/12/2017 - Cập nhật lần cuối: 04/07/2022

Nhiều cha mẹ lo lắng về tình trạng dậy thì sớm ở trẻ nhưng không có nhiều thông tin, kiến thức về dậy thì sớm. Cha mẹ nên tìm hiểu nhiều hơn để có biện pháp kịp thời điều trị dậy thì sớm cho con.

Thông tin phụ huynh cần biết về tình trạng dậy thì sớm ở trẻ
Tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ em gái cao hơn nhiều so với trẻ em trai - Ảnh minh họa

Dậy thì sớm đang trở thành nỗi lo sợ với nhiều cha mẹ bởi tình trạng này rất dễ ảnh hưởng tới tâm sinh lý của con trẻ.

Nhiều trẻ phát triển sớm nhưng kiến thức lại chưa đầy đủ nên việc đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục là khó tránh khỏi.

Vì vậy, cha mẹ cần hết sức chú ý, theo dõi sự trưởng thành của con và cho con đi khám với bác sĩ Nội tiết nếu trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm.

Dậy thì sớm là gì?

Dậy thì sớm ở trẻ là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường.

Dậy thì sớm tính từ khi cơ thể mọc lông mu, ngực và bộ phận sinh dục phát triển, không phải từ khi có bé gái kinh nguyệt hay bé trai xuất tinh như nhiều người lầm tưởng.

Bệnh dậy thì sớm gồm 2 dạng: Dậy thì sớm giả và dậy thì sớm thật.

  • Dậy thì sớm giả (vô căn) xảy ra do hormon sinh dục, u nang buồng trứng ở bé gái và tăng sản thượng thận bẩm sinh ở bé trai. Dậy thì sớm giả được điều trị bằng thuốc.
  • Dậy thì sớm thật thường không phải do bệnh lý, cần có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Nội tiết trẻ em nếu cần dùng thuốc.

Trẻ thế nào thì gọi là dậy thì sớm?

Tuổi dậy thì là khi cơ thể thay đổi từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành, bao gồm sự tăng trưởng nhanh của xương và cơ bắp, những thay đổi về hình dạng cơ thể và kích thước, phát triển khả năng của cơ thể để sinh sản.

Tuổi dậy thì thường bắt đầu ở trẻ em gái ở độ tuổi từ 8 - 12 và ở các bé trai ở độ tuổi từ 9 - 14. Tuổi dậy thì sớm là tuổi dậy thì bắt đầu trước 8 tuổi (đối với bé gái) và trước 9 tuổi (đối với bé trai).

Dấu hiệu dậy thì ở trẻ

Nhiều trẻ có kinh nguyệt hoặc xuất tinh ở độ tuổi 12-13 nhưng đã có dấu hiệu mọc lông mu, phát triển ngực ở những năm trước đấy vẫn được coi là dậy thì sớm.

Dấu hiệu dậy thì ở bé gái

Tỉ lệ dậy thì sớm ở các bé gái nhiều hơn gấp 10 lần so với các bé trai nên cha mẹ cần hết sức lưu ý.

  • Dấu hiệu đầu tiên là ngực phát triển. Ngực nhú lên thành những cục nhỏ dưới núm vú, ở một hoặc cả hai bên. Những cục này có thể cứng và có kích thước khác nhau. Thời điểm này trẻ thường bắt đầu cao nhanh.
  • Phụ huynh cần phân biệt được hội chứng vú phát triển sớm và dậy thì sớm. Vú phát triển sớm là tình trạng rối loạn lành tính, chỉ có ngực phát triển mà không có các biểu hiện khác.
  • Sau khoảng 6 tháng, lông mu xuất hiện (mặc dù ở một số trẻ, mọc lông mu lại là biểu hiện đầu tiên của dậy thì),rồi đến lông nách.
  • Trong vài năm tiếp theo, ngực tiếp tục lớn lên, lông mu và cơ quan sinh dục ngoài tăng trưởng dần dần, dẫn tới kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Thay đổi này thường xuất hiện vào 12,5 - 13 tuổi, khoảng 2 năm sau khi bắt đầu dậy thì.
  • Cơ thể tiếp tục phát triển và toàn bộ quá trình dậy thì hoàn tất sau 3 - 4 năm, với ngực, quầng vú và lông mu phát triển như ở người lớn.
  • Trong giai đoạn dậy thì, các bé gái thường cao trung bình 7 - 8cm/năm và đạt đỉnh điểm khi kỳ kinh đầu tiên xuất hiện. Trẻ thường dừng cao khoảng 2 năm sau khi có kinh nguyệt.

Dấu hiệu dậy thì ở bé trai

  • Dấu hiệu dậy thì đầu tiên là tăng kích thước tinh hoàn; vài tháng sau, lông mu bắt đầu mọc; lông mu, lông nách, tinh hoàn và dương vật tiếp tục phát triển; nam đạt tốc độ tăng chiều cao tối đa chậm hơn nữ 2 - 3 năm.
  • Hiện tượng này thường bắt đầu bằng bàn tay và bàn chân to ra, rồi đến cánh tay và cẳng chân, thân và ngực phát triển.
  • Những thay đổi khác bao gồm giọng trầm hơn, cơ bắp to lên, có khả năng cương cứng và xuất tinh...
  • Ở một số em trai, ngực có thể phát triển. Những thay đổi trên vẫn tiếp tục, quá trình dậy thì hoàn thành sau 3 - 4 năm với lông mu, tinh hoàn và dương vật đạt kích thước như ở người lớn.
Dậy thì trước 8 tuổi (trẻ em gái) và trước 9 tuổi (trẻ em trai) được xem là dậy thì sớm - Ảnh minh họa 

Nguyên nhân trẻ dậy thì sớm

Phần lớn tình trạng dậy thì sớm ở trẻ là không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, có thể liệt kê một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây ra dậy thì sớm, bao gồm:

  • Trẻ mắc các bệnh lý u não, u nang buồng trứng, u tinh hoàn, các bệnh tuyến giáp.
  • Giới tính: Các bé gái thường gặp tình trạng dậy thì sớm nhiều hơn các bé trai
  • Thường xuyên sử dụng thực phẩm, đồ dùng có lượng estrogen cao như thịt heo, thịt gà còn tồn dư hormon tăng trưởng, sữa bò,...
  • Nhiễm các dẫn chất phtalat từ chai, can, túi, bao, gói, đầu núm vú, bình sữa, đồ chơi trẻ em gây xáo trộn nội tiết và dậy thì sớm.
  • Huyết thống
  • Dùng thuốc

Xem thêm Video:

Nguyên nhân trẻ dậy thì sớm

  • Thực hiện: VTC14
  • Chuyên gia: TS.BS Bùi Phương Thảo - Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương
  • Thời lượng: 3 phút 40 giây

Trẻ dậy thì sớm ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Ảnh hưởng về tâm lý

Trẻ dậy thì sớm có những dấu hiệu phát triển sinh lý trước tuổi. Những thay đổi trên cơ thể của trẻ dậy thì sớm khác với những trẻ cùng trang lứa sinh ra những vấn đề tâm lý làm cho trẻ ngại ngùng, dễ làm cho trẻ có tâm lý tự ti và để lại di chứng cho trẻ sau khi trưởng thành.

Chiều cao hạn chế

Ảnh hưởng rõ nhất của trẻ dậy thì sớm là phát triển tăng nhanh theo tuổi xương, làm cho trẻ nhìn cao hơn so với các bạn cùng lớp.

Tuy nhiên, trẻ dậy thì sớm sẽ làm cho đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng, từ đó ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ khi trưởng thành.

Ham muốn tình dục trước tuổi

Sự phát triển tâm lý dậy thì quá sớm dẫn đến những hành động ham muốn về sinh lý trước tuổi.

Do suy nghĩ còn nông nổi, tuổi đời còn nhỏ, khả năng tự khống chế kém nên không thể tránh khỏi những cạm bẫy xã hội, từ đó dẫn đến mang thai hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

Nhiều trẻ phát triển quá sớm, cha mẹ và nhà trường chưa chú trọng giáo dục giới tính cho con khiến trẻ phải mặt với nguy cơ bị lạm dụng tình dục.

Căn nguyên của các bệnh lý khác

Chu kỳ kinh nguyệt trước khi 8 tuổi có nguy cơ phát triển chứng rối loạn nội tiết tố sau này ở tuổi dậy thì gây buồng trứng đa nang.

Dậy thì sớm còn là căn nguyên gây vô sinh và dễ bị tấn công bởi những căn bệnh ung thư: ung thư vú, ung thư dạ con, ung thư buồng trứng, bệnh lý tim mạch khi đến tuổi mãn kinh…

Nguy hiểm nhất, bệnh dậy thì sớm ở các bé gái có thể gây ra giảm lưu lượng máu trong cơ thể, giảm oxy lên não giết chết tế bào thần kinh và dẫn đến đột quỵ, có thể tử vong.

Dậy thì sớm khi nào cần điều trị? 

Khi có biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ, cha mẹ nên đưa con đi khám trực tiếp với các bác sĩ Nội tiết, bác sĩ Nhi giỏi và nhiều kinh nghiệm.

Nếu trẻ còn ngại ngùng hoặc cha mẹ chưa sắp xếp được thời gian đưa con đi khám ngay, phụ huynh có thể đăng kí bác sĩ Nhi khoa khám chữa bệnh từ xa cho con để được tư vấn phương pháp điều trị sớm nhất.

Xem Video:

Điều trị dậy thì sớm ở trẻ

  • Thực hiện: VTC1
  • Chuyên gia: Bác sĩ từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Tp.HCM
  • Thời lượng: 3 phút 26 giây

Chẩn đoán dậy thì sớm

Để chẩn đoán chính xác nhất, bên cạnh thăm khám lâm sàng với bác sĩ, trẻ cần thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng.

  • X - quang bàn tay và cổ tay đêr kiểm tra sự phát triển của xương
  • Xét nghiệm máu sau tiêm St-RH hormon
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra sự bất thường của não bộ
  • Kiểm tra tuyến giáp để phát hiện suy giáp 
  • Siêu âm vùng chậu để kiểm tra u nang buồng trứng...

Tiêm hormon kìm hãm dậy thì sớm - Cần được chỉ định của bác sĩ

Hiện nay tình trạng dậy thì sớm ở trẻ đang khiến nhiều ông bố, bà mẹ đứng ngồi không yên. Thậm chí, nhiều gia đình còn nghe các thông tin trên mạng, tự ý đưa con đi tiêm hormon để kìm hãm dậy thì sớm với mong muốn con phát triển đúng tuổi.

Theo các chuyên gia, thuốc ức chế dậy thì là một loại nội tiết tố. Cơ chế của các loại thuốc này là hạn chế kinh nguyệt sớm, ức chế tuyến yên tiết ra hormon sinh dục rõ rệt.

Hormon kìm hãm dậy thì sớm làm cho sự phát triển sinh dục giảm, đồng thời cũng làm làm giảm các biểu hiện kinh nguyệt, giảm tốc độ tiến triển dậy thì sớm.

Thời điểm sử dụng hormon điều trị bệnh dậy thì sớm là trước 6 tuổi, tuy nhiên, cần phải có hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ uy tín, cha mẹ tuyệt đối không nên tự ý tiêm thuốc cho con.

Nếu trẻ dậy thì sớm, việc tiêm hormon mang lại lợi ích

Về ngắn hạn, sẽ giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ như: kìm hãm sự phát triển của tuyến vú, lông mu, khả năng có kinh nguyệt… từ đó giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng cùng bạn bè, tránh bị xâm hại tình dục.

Còn về dài hạn, sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao sau này. Bởi, nếu không tiêm hormon thì xương bị ảnh hưởng, trực tiếp ở đây là tuổi xương phát triển trước tuổi thực.

Nếu lạm dụng có thể gây tác hại trực tiếp đến trẻ 

Lo lắng đến mức tự ý mua thuốc về tiêm để ức chế sự phát triển là “liều lĩnh”. Tiêm hormon này phải được sự chỉ định cũng như theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa. 

Việc dùng hormon ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ làm cho trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của con trẻ.

Không những thế, thuốc ức chế hormon sinh dục nếu tiêm cho trẻ bình thường là đi ngược lại nhịp sinh học đang phát triển của các em, gây rất nhiều điều bất lợi. Sau khi dùng thuốc, có thể các bộ phận như buồng trứng, tinh hoàn của trẻ sẽ teo nhỏ, ngừng phát triển hoặc gây vô kinh, vô sinh…

Với các bé gái, nếu trẻ không dậy thì sớm mà tiêm thuốc ức chế sẽ khiến trẻ chậm dậy thì và có thể làm tử cung nhỏ lại. Bé gái ở độ tuổi 9-11, tử cung chưa lớn để phải ức chế, chỉ với những trẻ dậy thì sớm mới cần có chỉ định điều trị.

Việc sử dụng các loại thuốc nội tiết là con dao hai lưỡi. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức cân nhắc, đưa con tới khám tại các bệnh viện, phòng khám Nhi uy tín để trẻ được khám, chẩn đoán và tư vấn với bác sĩ.

Phẫu thuật điều trị dậy thì sớm

Nếu dậy thì sớm có nguyên nhân từ các bệnh lý như khối u, u nang buồng trứng tuyến thượng thận thì cần phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ. 

Sau khi phẫu thuật, trẻ cần được chăm sóc đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời thường xuyên khám kiểm tra định kì tại bệnh viện để theo dõi kết quả.

Phòng bệnh dậy thì sớm ở trẻ bằng cách nào?

Cha mẹ nên chủ động thực hiện các biện phát phòng tránh dậy thì sớm cho trẻ ngay từ khi bé còn nhỏ bằng cách:

  • Khuyến khích trẻ vận động, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên để giúp tiêu hao năng lượng, tránh béo phì
  • Khuyến khích con theo đuổi những sở thích lành mạnh, phù hợp lứa tuổi, tránh tiếp xúc với phim ảnh, sách truyện người lớn từ sớm
  • Chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh ăn đồ chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ chiên rán khiến trẻ bị thừa chất dinh dưỡng,...
  • Lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không chứa hormon tăng trưởng
  • Theo dõi, quan tâm sự phát triển và trưởng thành của con để biết đưa con đi khám dậy thì sớm khi cần thiết

Trên đây là những thông tin phụ huynh cần biết về bệnh dậy thì sớm ở trẻ. Hy vọng bài viết sẽ giúp cha mẹ có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong quá trình đồng hành với sự phát triển của con.

 
 
Tài liệu tham khảo
1. http://suckhoedoisong.vn/tre-day-thi-som-nguyen-nhan-va-phong-ngua-n113472.html
2. http://bachmai.gov.vn/index.php/vi/tin-tuc-va-su-kien-menuleft-31/y-hoc-thuong-thuc-menuleft-32/3684-d-y-thi-s-m-khi-nao-c-n-di-u-tr
3. https://www.dieutri.vn/sinhsan/day-thi-som
4. http://nld.com.vn/suc-khoe/day-thi-o-tre-khi-nao-la-som-20151222095308792.htm
5. http://benhviennhitrunguong.org.vn/tiem-hormon-kim-ham-day-thi-som-o-tre-nhung-dieu-cha-me-can-biet.html
Lưu ý khi sử dụng

Nội dung trong bài chỉ mang tính tham khảo, bệnh nhân không nên tự ý điều trị mà cần phải tham khảo thêm lời khuyên của bác sĩ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm nào do việc áp dụng các thông tin trong các bài viết gây ra.

Đội ngũ BookingCare
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Danh mục cẩm nang

Trợ lý AI

© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/