Thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 và một số tác dụng bất lợi thường gặp
Các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 và tác dụng phụ
Các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 và tác dụng phụ - Ảnh: BookingCare

Thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 và một số tác dụng bất lợi thường gặp

Tác giả: - Xuất bản: 10/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Dưới đây là 7 loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 cũng như một số tác dụng bất lợi và lưu ý khi sử dụng.

Thực hiện lối sống tích cực, bao gồm: chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục và giữ cân nặng hợp lý là những yếu tố cốt lõi để quản lý bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, trong trường hợp đã áp dụng một cách triệt để mà tình trạng vẫn không được cải thiện thì người bệnh cần sử dụng thêm các loại thuốc điều trị tiểu đường tuýp 2 để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

1, Nhóm Sulphonylurea

Các loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Glipizide, Glimepiride, Glyburide, Tolazamide, Tolbutamide,...

Cơ chế tác dụng: Kích thích sự sản sinh insulin của tuyến tụy, tăng hiệu quả hấp thụ glucose trong tế bào .

Ưu điểm: 

  • Giá thành rẻ
  • Sử dụng được lâu dài

Tác dụng bất lợi: Một số tác dụng phụ khi sử dụng nhóm Sulfonylureas điều trị tiểu đường tuýp 2 như:

  • Đường huyết có nguy cơ hạ xuống quá thấp (hạ đường huyết)
  • Tăng cân
  • Phát ban da
  • Buồn nôn khi sử dụng rượu

2, Nhóm Biguanides

Nhóm Biguanides hiện chỉ có Metformin đang được sử dụng.

Cơ chế tác dụng: Biguanides giúp hạn chế khả năng giải phóng đường của gan và cải thiện độ nhạy của tế bào insulin.

Ưu điểm:

  • Giá thành rẻ
  • Sử dụng được lâu dài
  • Giúp kiểm soát đường huyết nhưng không có nguy cơ hạ đường huyết khi dùng đơn độc
  • Ngoài tác dụng giảm đường huyết, còn giúp cải thiện chỉ số LDL - cholesterol và triglycerides, giảm nguy cơ biến chứng về tim mạch

Tác dụng bất lợi:

  • Gây buồn nôn, rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy
  • Chống chỉ định đối với bệnh nhân bị suy thận nặng

3, Nhóm ức chế enzyme Alpha-glucosidase

Một số loại thuốc có khả năng ức chế enzyme Alpha - glucosidase: Acarbose, Miglitol.

Cơ chế tác dụng: Enzyme Alpha-glucosidase tham gia vào quá trình phân giải tinh bột thành đường trong cơ thể. Do đó, các loại thuốc thuộc nhóm này có tác dụng làm chậm khả năng phân hủy tinh bột, giúp đường huyết không tăng cao.

Ưu điểm:

  • Không gây tăng cân
  • Không làm cho lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp trừ khi sử dụng cùng với insulin hoặc sulfonylurea

Tác dụng bất lợi: Có thể gây ra một số vấn đề liên quan đến tiêu hóa như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy

4, Nhóm Thiazolidinedione

Bao gồm các loại thuốc; Rosiglitazone, Pioglitazone.

Cơ chế tác dụng: Tăng nhạy cảm với insulin tại các cơ và tổ chức mỡ trong cơ thể, đồng thời, ngăn cản quá trình sản xuất insulin từ gan.

Ưu điểm:

  • Không hạ đường huyết xuống quá thấp khi không kết hợp cùng các loại thuốc khác
  • Có thể làm tăng nhẹ nồng độ HDL - cholesterol, một loại cholesterol tốt của cơ thể

Nhược điểm:

  • Tăng cân 
  • Tăng cường giữ nước trong cơ thể gây hiện tượng phù 
  • Ảnh hưởng đến xương, tăng nguy cơ bị gãy xương
  • Tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim (bao gồm suy tim) và bệnh ung thư bàng quang

Do lo ngại về các tác dụng phụ mà nhóm thuốc Thiazolidinedione có thể gây ra, nên các loại thuốc này thường không được khuyến cáo sử dụng cho những người có vấn đề về gan hoặc có tiền sử bị suy tim.

5, Nhóm Meglitinide

Hai loại thuốc phổ biến của nhóm này thường được sử dụng để điều trị tiểu đường tuýp 2 là: Nateglinide và Repaglinide.

Cơ chế tác dụng: Nhóm thuốc này cũng có khả năng kích thích tế bào tuyến tụy sản sinh ra insulin giống như nhóm Sulphonylurea nhưng tốc độ tác dụng nhanh hơn.

Ưu điểm:

  • Tác dụng giảm đường huyết nhanh chóng

Tác dụng bất lợi:

  • Lượng đường trong máu có nguy cơ giảm xuống quá thấp
  • Gây tăng cân

6, Nhóm thuốc ức chế vận chuyển SGLT2

Các loại thuốc trong nhóm này có thể kể đến như: Canagliflozin, Dapagliflozin, Empagliflozin, Ertugliflozin. 

Cơ chế tác dụng: Kênh vận chuyển Natri-glucose SGLT2 có tác dụng hấp thụ glucose từ ống thận trước khi bài tiết ra ngoài. Khi kênh này bị ức chế, sé giúp tăng thải glucose qua đường niệu, góp phần giảm nồng độ glucose trong máu.

Ưu điểm:

  • Khi không sử dụng kết hợp các loại thuốc khác thì ít gây hạ đường huyết xuống quá thấp
  • Có khả năng giảm huyết áp ở những người tiểu đường có huyết áp cao

Tác dụng bất lợi:

  • Tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng nấm men

7, Nhóm thuốc đồng vận GLP-1

Các loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Liraglutide, Dulaglutide, Exenatide, Lixisenatide…

Cơ chế tác dụng: Các loại thuốc thuộc nhóm này có tác dụng làm tăng tiết insulin khi lượng glucose trong máu tăng.

Ưu điểm:

  • Giảm cảm giác thèm ăn 
  • Có thể dùng được cho bệnh nhân béo phì và trường hợp tăng đường huyết sau ăn, nguy cơ hạ đường huyết thấp

Tác dụng phụ:

  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện đau bụng, tiêu chảy
  • Tăng nguy cơ mắc viêm tuyến tụy

Không có phương pháp điều trị bệnh tiểu đường nào là tốt và phù hợp cho tất cả người bệnh. Tùy vào tình trạng mà người bệnh tiểu đường tuýp 2 đang mắc phải sẽ cần sử dụng không chỉ một mà nhiều các loại thuốc phối hợp. Hãy luôn tham khảo ý kiến từ các bác sĩ Nội tiết và tuân thủ chỉ định của họ khi sử dụng thuốc điều trị tiểu đường.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết