Tiêm filler môi là gì? Những điều cần biết khi tiêm filler môi
Tiêm filler môi là gì? Những điều cần biết khi tiêm filler môi
Tiêm filler môi
Tìm hiểu những thông tin về phương pháp tiêm filler môi - Ảnh: BookingCare

Tiêm filler môi là gì? Những điều cần biết khi tiêm filler môi

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 08/04/2024 | Cập nhật lần cuối: 08/04/2024
Tiêm filler môi là hình thức làm đẹp vô cùng quen thuộc với chị em nhờ khả năng giúp bờ môi trở nên căng mọng quyến rũ. Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn về phương pháp làm đẹp này ngay sau đây.

Phương pháp tiêm filler chắc hẳn đã không còn xa lạ với những chị em ưa thích làm đẹp. Vậy tiêm filler môi có tác dụng gì, có an toàn hay không? Quy trình tiêm filler bao gồm những bước nào, sau tiêm cần lưu ý những gì? Bài viết dưới đây sẽ lần lượt giải đáp hết những thắc mắc này của độc giả.

Tiêm filler môi là gì?

Tiêm filler hay tiêm chất làm đầy là một phương pháp thẩm mỹ có thể giúp cải thiện những khuyết điểm vùng môi, giúp chị em có bờ môi ưng ý để tự tin hơn trong giao tiếp cuộc sống.

Một số tác dụng của tiêm filler môi có thể kể đến như:

  • Tạo hình môi trái tim
  • Chỉnh dáng môi dày - mỏng và cân đối, hài hòa hơn theo ý muốn
  • Xóa vân môi, nếp nhăn trên môi, giúp môi căng mọng đầy đặn hơn
  • Giúp viền môi rõ nét hơn

Hiệu quả của việc tiêm filler môi thường kéo dài từ 12 - 18 tháng tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Những người trẻ tuổi có xu hướng trao đổi chất mạnh mẽ hơn nên hiệu quả sẽ ngắn hơn so với những người lớn tuổi .

Ưu điểm, hạn chế của việc tiêm filler môi

Ưu điểm

Tiêm filler môi là phương pháp rất an toàn khi được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hay bác sĩ da liễu có kinh nghiệm và tay nghề cao. Ngoài ra, những ưu điểm của tiêm filler môi bao gồm:

  • Không cần phẫu thuật xâm lấn
  • Ít tác dụng phụ
  • Ít có nguy cơ biến chứng
  • Thời gian thực hiện và phục hồi nhanh chóng
  • Nếu sau khi tiêm mà vẫn chưa hài lòng thì bạn hoàn toàn có thể chỉnh sửa bằng cách tiêm thêm filler hoặc tiêm tan filler để quay trở lại dáng môi cũ.

Hạn chế

Sau khi tiêm filler môi, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ nhất định, tuy nhiên những biểu hiện này chỉ là nhất thời và thường biến mất trong vòng một vài ngày cho đến một tuần:

  • Chảy máu ở vết tiêm
  • Đau
  • Bầm tím môi
  • Sưng môi

Nếu không may lựa chọn cơ sở thẩm mỹ không uy tín, bạn có thể gặp phải một số rủi ro khác nguy hiểm hơn do những sai sót trong quy trình tiêm filler môi như:

  • Nhiễm trùng
  • Gây tổn thương mạch máu (trong trường hợp tiêm filler trúng vào mạch máu lớn)
  • Môi bị lệch do tiêm không đúng chỗ
  • Filler tràn sang những vùng khác trên khuôn mặt (thông thường là mũi)

Quy trình thực hiện tiêm filler môi

Toàn bộ quy trình tiêm filler môi có thể mất ít nhất là 30 phút hoặc lâu nhất là 2 giờ, bao gồm các bước sau đây:

  • Bước 1: Bác sĩ sẽ thăm khám, phân tích hình dáng môi hoặc các khuyết điểm trên đôi môi để đưa ra đánh giá sơ bộ.
  • Bước 2: Sau khi hỏi rõ về mong muốn của khách hàng, bác sĩ sẽ tư vấn hướng xử trí (vị trí tiêm, thể tích filler cần tiêm) để khách hàng có thể có được đôi môi cân đối, đẹp hài hòa nhất sau tiêm. 
  • Bước 3: Đánh dấu vị trí tiêm.
  • Bước 4: Ủ tê môi (Sau 15-30 phút ủ tê, môi sẽ có cảm giác tê bì và giúp giảm đau khi tiêm).
  • Bước 5: Tiêm filler (Bác sĩ sẽ dùng một bơm kim tiêm nhỏ có chứa filler và bơm vào vị trí đã được đánh dấu).
  • Bước 6: Làm sạch những vết đánh dấu vị trí tiêm.
  • Bước 7: Theo dõi sau tiêm (Thời gian theo dõi thường là 30  phút, sau khi xác định không gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng nào như chóng mặt, buồn nôn, chảy máu nhiều,... bạn có thể về nhà).
Ủ tê môi
Ủ tê môi làm giảm đau và giúp quá trình tiêm filler diễn ra thuận lợi - Ảnh: Canva

Cách chăm sóc sau khi tiêm filler môi

Sau khi tiêm filler môi cần có thời gian để hồi phục, giảm đau, giảm sưng. Môi lúc này sẽ tương đối nhạy cảm và filler mới tiêm chưa được ổn định.

Do vậy, trong khoảng thời gian đầu sau tiêm, bạn cần chú ý những điều sau đây để giúp cho môi lành nhanh hơn:

  • Chườm mát vùng môi có thể giúp giảm đau, giảm sưng, tuy nhiên không nên chườm lâu quá 10 phút mỗi lần.
  • Tránh thoa son môi, son dưỡng môi hoặc bất loại mỹ phẩm nào khác lên môi trong ít nhất 24 giờ.
  • Hạn chế chạm vào môi.
  • Tránh uống nước bằng ống hút hay làm hành động mím môi.
  • Đánh răng nhẹ nhàng, cẩn thận.
  • Uống nhiều nước.
  • Tránh vận động mạnh trong ít nhất 24 giờ sau tiêm.
  • Tránh ăn những thực phẩm cứng, các món ăn có xương dễ chọc vào môi và những món có nhiều gia vị, nước sốt vì nó có thể khiến bạn phải lau miệng, lau môi nhiều.
  • Tránh ăn những món cay nóng, nhiều dầu mỡ hoặc thức ăn dễ gây dị ứng.
  • Không uống bia rượu, đồ uống có cồn trong 24 giờ đầu vì chúng sẽ làm loãng máu, có thể khiến tình trạng bầm tím ở vị trí tiêm trầm trọng hơn.

Nhìn chung, tiêm filler môi là một hình thức thẩm mỹ khá an toàn và có thể giúp chúng ta cải thiện những khuyết điểm, giúp bờ môi đầy đặn, cân đối, hài hòa hơn. Tuy nhiên, nó cũng tồn tại những rủi ro nguy hiểm nếu quy trình tiêm không đảm bảo.

Vì vậy, hãy lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, bác sĩ có tay nghề cao, được cấp phép đầy đủ để có thể làm đẹp một cách an toàn nhất, tránh xảy ra những sự cố không đáng có.

Mong rằng bài viết trên đây đã đem lại những thông tin hữu ích cho chị em về phương pháp tiêm filler môi.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare