Tiền đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị
Tiền đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị
Tiền đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị - Ảnh: BookingCare

Tiền đái tháo đường: Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 05/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Tiền đái tháo đường là giai đoạn khởi phát của đái tháo đường tuýp 2. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu và có phương pháp điều trị hợp lý sẽ giúp ngăn chặn bệnh phát triển thành tiểu đường tuýp 2.

Tiền đái tháo đường được coi là giai đoạn khởi phát của đái tháo đường tuýp 2. Trường hợp bệnh được phát hiện sớm và kiểm soát tốt, sẽ giúp đưa đường huyết trở lại và ổn định ở ngưỡng bình thường. Ngược lại, nếu tình trạng tiền đái tháo đường kéo dài, bệnh sẽ phát triển thành đái tháo đường tuýp 2, khi đó, việc điều trị sẽ kéo dài và khó khăn hơn rất nhiều.

Tiền đái tháo đường là gì?

Tiền đái tháo đường là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ để được chẩn đoán là bệnh đái tháo đường tuýp 2. Điều này xảy ra khi cơ thể gặp vấn đề trong việc chuyển hóa glucose khiến đường bắt đầu tích tụ trong máu thay vì cung cấp năng lượng cho các tế bào trong cơ thể. 

Đảm nhiệm công việc chuyển hóa này là hormone insulin từ tuyến tụy tiết ra. Nhưng trong giai đoạn tiền đái tháo đường, đã có hiện tượng kháng insulin. Hiểu một cách đơn giản nhất thì kháng insulin là tình trạng các tế bào trong cơ thể không còn phản ứng tốt với insulin. Do đó, khả năng chuyển hóa đường bị giảm và lượng đường dư tích tụ trong máu ngày một cao. Theo thời gian, không có giải pháp nào can thiệp để cải thiện, khả năng sản xuất insulin sẽ bị giảm và sẽ rất dễ tiến triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2.

Những người bị tiền đái tháo đường cũng thường đi kèm với huyết áp cao và các vấn đề bất thường về lipid máu (như cholesterol tăng cao).

Dấu hiệu nhận biết tiền đái tháo đường

Rất khó để phát hiện những dấu hiệu của tiền đái tháo đường, theo CDC hơn 84% người bị tiền đái tháo đường không biết mình mắc bệnh. Trong đó, một số ít người nhận thấy có xuất hiện triệu chứng giống với tiểu đường tuýp 2 như:

  • Thường xuyên cảm thấy khát và đói
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Sụt cân không rõ lý do
  • Mắt nhìn mờ
  • Mệt mỏi
  • Vết thương dễ bị nhiễm trùng hoặc mất thời gian dài mới hồi phục
Thị lực giảm sút là một trong các dấu hiệu khi mắc tiền đái tháo đường - Ảnh: EyeRx

Thị lực giảm sút là một trong các dấu hiệu khi mắc tiền đái tháo đường - Ảnh: EyeRx

Tuy nhiên, không thể dựa vào những biểu hiện trên để kết luận rằng bạn đang mắc tiền đái tháo đường mà phải dựa trên kết quả xét nghiệm máu..

Phương pháp chẩn đoán bệnh

Cũng giống như chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 thì việc chẩn đoán tiền đái tháo đường cũng dựa trên các xét nghiệm như: Xét nghiệm đường huyết lúc đói, xét nghiệm HbA1c và xét nghiệm dung nạp glucose. 

  • Đối với xét nghiệm đường huyết lúc đói (không ăn gì ít nhất 8 tiếng trước khi thử): kết quả từ 5.6 - 6.9mmol/l (hay 100 - 125 mg/dL) sẽ được chẩn đoán là đang trong giai đoạn tiền đái tháo đường
  • Đối với xét nghiệm HbA1c: kết quả nằm trong khoảng 5,7% đến dưới 6,5% thì sẽ được kết luận là tiền đái tháo đường
  • Đối với xét nghiệm dung nạp glucose: nếu kết quả thu được từ 140-199 mg/dL (7.8 - 11 mmol/L) cũng sẽ được kết luận tương tự. 

Phương pháp điều trị

Đối với người mắc tiền đái tháo đường, việc điều trị sớm cũng như thay đổi lối sống một cách tích cực giúp kiểm soát, thậm chí có thể đưa đường huyết trở về bình thường, góp phần ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn thành đái tháo đường tuýp 2. 

Thường xuyên theo dõi các chỉ số và kiểm tra sức khỏe 

Người bệnh tiền đái tháo đường cần phải kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên để đảm bảo rằng các chỉ số vẫn trong ngưỡng cho phép, chưa biến chuyển từ tiền đái tháo đường thành đái tháo đường. Trường hợp đã mắc đái tháo đường, cần có sự hướng dẫn và chỉ định điều trị từ bác sĩ Nội tiết.

Ngoài chỉ số về đường huyết, chỉ số BMI và huyết áp cũng rất cần lưu ý đối với người mắc tiền đái tháo đường. Nếu cân nặng của bạn đang vượt quá so với BMI, bạn cần phải giảm cân, việc giảm từ 5-7% khối lượng cơ thể đã được chứng minh là có thể đẩy lùi đái tháo đường. 

Kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp kiểm soát tiền đái tháo đường
Kiểm tra đường huyết thường xuyên giúp kiểm soát tiền đái tháo đường - Ảnh: Harvard Health

Ăn uống hợp lý

Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh mắc tiền đái tháo đường. Một số thực phẩm mà người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn của mình như:

  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì, lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, kiều mạch,... ) đều có thành phần chủ yếu là tinh bột tiêu hóa chậm, có tác dụng làm chậm quá trình chuyển hóa tinh bột thành đường trong cơ thể, khiến đường huyết không bị tăng quá cao sau khi ăn
  • Rau củ quả giàu chất xơ giúp bổ sung chất khoáng và vitamin cho cơ thể
  • Các loại hoa quả có chỉ số đường huyết < 55 như: cam, quýt, táo, bưởi, ổi,... Chỉ số GI, hay còn gọi là chỉ số đường huyết là chỉ số đánh giá khả năng dung nạp glucose khi nạp vào trong cơ thể của một loại thực phẩm. GI càng thấp thì thực phẩm đó càng ít tác động đến đường máu sau khi ăn.

Ngoài ra, người mắc tiền đái tháo đường cũng cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có chứa nhiều đường tinh chế như: nước ép trái cây, nước ngọt, bánh kẹo… Đường huyết tăng cũng dẫn đến huyết áp tăng, do đó, cần tránh sử dụng thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Không chỉ thế việc sử dụng các chất kích thích như: đồ uống có cồn, thuốc lá,... cũng có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tệ hơn.

Tập luyện thường xuyên

Việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn dễ dàng kiểm soát trạng thái sức khỏe mình, trong đó có đường huyết. Bởi vì khi bạn hoạt động, các tế bào của bạn trở nên nhạy cảm hơn với insulin giúp chúng hoạt động hiệu quả hơn trong việc chuyển hóa glucose. Tuy nhiên, không phải cứ lao vào tập luyện với cường độ mạnh là sẽ đạt kết quả tốt mà cường độ tập luyện phải phụ thuộc vào thể trạng của mỗi người. Đối với những người mới bắt đầu tập luyện thì nên bắt đầu bằng các phương thức vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga hay bơi lội .

Can thiệp bằng thuốc nếu cần

Nếu chế độ dinh dưỡng kết hợp với tập luyện là không đủ để đưa đường huyết về mức bình thường thì việc điều trị nội khoa bằng thuốc là rất cần thiết. 

Metformin hiện đang là nhóm thuốc chính được chỉ định điều trị tiền đái tháo đường với mục đích chủ yếu là làm giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, một số thuốc dùng để hạ áp và kiểm soát mỡ máu cũng được sử dụng đi kèm. Cần lưu ý rằng, loại thuốc và liều lượng sử dụng cần phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Tiền đái tháo đường nếu như được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì việc đưa đường huyết trở lại bình thường là không khó và không tốn quá nhiều thời gian. Chính vì vậy, việc thăm khám định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh lý này.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết