Tiểu đường có chữa được không? 4 nguyên tắc cần nhớ khi điều trị đái tháo đường
Giải đáp từ chuyên gia: Bệnh tiểu đường có chữa được không
Giải đáp từ chuyên gia: Bệnh tiểu đường có chữa được không - Ảnh: BookingCare

Tiểu đường có chữa được không? 4 nguyên tắc cần nhớ khi điều trị đái tháo đường

Tác giả: - Xuất bản: 31/07/2023 - Cập nhật lần cuối: 03/10/2023
Bài viết này BookingCare sẽ mang đến góc nhìn từ chuyên gia về điều trị bệnh tiểu đường cũng như các nguyên tắc người bệnh cần lưu ý để việc chữa bệnh hiệu quả hơn.

Tiểu đường đang trở thành căn bệnh ngày càng phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Không ít người bệnh lo lắng không biết tiểu đường có chữa được không, từ đó tìm mọi biện pháp để chữa bệnh mà không tìm hiểu kỹ. 

Bác sĩ giải đáp: Bệnh tiểu đường có chữa được không?

Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính, xảy ra khi cơ thể không còn khả năng sản xuất insulin (tiểu đường tuýp 1) hoặc insulin hoạt động không hiệu quả (tiểu đường tuýp 2) dẫn đến sự trì trệ trong chuyển hóa glucose của cơ thể. Glucose nạp vào nhiều nhưng cơ thể không thể chuyển hóa toàn bộ thành năng lượng, dẫn đến tồn dư trong máu nhiều, đồng nghĩa với việc đường huyết tăng cao. 

Đường huyết liên tục tăng cao, không được kiểm soát gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thận, thần kinh cho người bệnh.

Không có một loại thuốc đặc thù hay phương pháp đặc hiệu nào để chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường. Việc khôi phục các tế bào sản sinh ra insulin gần như là không thể mà chỉ có thể can thiệp nhằm cố gắng kiểm soát nồng độ đường trong máu ở trong phạm vi an toàn.

Mặc dù vậy, với từng loại bệnh khác nhau và ứng với từng giai đoạn tương ứng khác nhau, sẽ đều có phác đồ điều trị phù hợp.

Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 1

Do không thể tự sản sinh được insulin nên những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 cần phải được bổ sung insulin liên tục, gần như là suốt đời. Tuy nhiên, y học hiện đại đã nghiên cứu và thực hiện nhiều liệu pháp nhằm hỗ trợ quá trình sản sinh ra insulin tại các tế bào tuyến tụy trong trường hợp người bệnh mắc đái tháo đường tuýp 1 nặng, kèm thêm các biến chứng nguy hiểm. Những biện pháp đó có thể kể đến như:

  • Cấy ghép tuyến tụy: Phẫu thuật sử dụng một phần hoặc toàn bộ tuyến tụy người khác để cấy ghép vào cơ thể người bệnh. Phương pháp này yêu cầu nguồn tụy phải phù hợp và bệnh nhân phải duy trì dùng thuốc chống đào thải lâu dài để đảm bảo chức năng tụy
  • Cấy ghép tế bào beta của tiểu đảo tụy: Thay vì cấy ghép cả tế bào tuyến tụy thì phương pháp này thực hiện cấy ghép tế bào beta, nơi trực tiếp sản sinh ra insulin cho cơ thể. Sử dụng phương pháp này, người bệnh cũng cần phải dùng thuốc chống đào thải để đảm bảo duy trì chức năng tế bào được ghép
  • Liệu pháp tế bào gốc: Đây là phương pháp được kỳ vọng cao nhất hiện nay bằng cách cấy ghép các tế bào gốc để phát triển thành tế bào beta của tuyến tụy. Tuy nhiên, liệu pháp tế bào gốc cần phải được nghiên cứu và thử nghiệm nhiều hơn nữa

Điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2

Với tiểu đường tuýp 2 thì việc điều trị dễ dàng và đỡ tốn kém hơn so với chữa tiểu đường tuýp 1. Song, tiểu đường tuýp 2 có nguy cơ mắc cao hơn và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. 

Để điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường tuýp 2, cần kết hợp cải thiện lối sống, bao gồm chế độ ăn uống và luyện tập với sử dụng thuốc hiệu quả. Đặc biệt, việc phát hiện sớm tiểu đường tuýp 2 ở giai đoạn đầu có thể hỗ trợ điều trị tại nhà mà không cần dùng thuốc. Do đó, bạn nên đi khám sức khỏe và kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên giúp phát hiện bệnh sớm.

Điều trị tiểu đường tuýp 2 cần kết hợp thay đổi lối sống và việc sử dụng thuốc
Điều trị tiểu đường tuýp 2 cần kết hợp thay đổi lối sống và việc sử dụng thuốc - Ảnh: The Johns Hopkins Patient Guide to diabetes

4 nguyên tắc cần nhớ khi điều trị đái tháo đường

1, Nguyên tắc về ăn uống

Vấn đề ăn uống đặc biệt quan trọng với những người mắc bệnh tiểu đường bởi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu. Người bệnh tiểu đường không những phải cẩn thận trong việc lựa chọn loại thực phẩm nào nên ăn mà còn cần phải biết được nên ăn bao nhiêu và ăn thế nào cho đúng.

Sau đây là một số nguyên tắc khi xây dựng chế độ ăn uống mà người bệnh tiểu đường nên áp dụng:

  • Loại thực phẩm người bệnh tiểu đường nên ăn

Một số những loại thực phẩm ít ảnh hưởng đến sự thay đổi lượng đường trong máu mà người bệnh tiểu đường nên ăn như:

  • Rau củ quả giàu chất xơ: Các loại rau như rau cải, súp lơ, bắp cải, cải thảo, diếp cá, đậu bắp,... không chỉ giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất mà còn có tác dụng giúp giảm đường huyết hiệu quả
  • Thực phẩm chứa tinh bột chuyển hóa chậm: Tinh bột chuyển hóa chậm có cấu tạo phức tạp, ít được tiêu hóa trong ruột non mà sẽ thường được lên men trong ruột già. Những loại thực phẩm điển hình thuộc nhóm này bao gồm: gạo lứt, yến mạch, kiều mạch, các loại đậu đỗ, lúa mì nguyên cám,...
  • Các loại hoa quả ít đường: Các loại quả như thanh long, dâu tây, cam, bưởi, quýt, chanh leo, táo, ... 
  • Các loại hạt dinh dưỡng: Một số loại hạt như hạnh nhân, hạt điều, óc chó,... không gây biến động nhiều nồng độ đường trong máu mà còn cung cấp cholesterol tốt (HDL cholesterol) cho cơ thể
  • Loại thực phẩm người bệnh tiểu đường không nên ăn

Bên cạnh những loại thực phẩm nên ăn, vẫn có một số loại thức ăn mà người bệnh tiểu đường cần hạn chế, bao gồm:

  • Tinh bột hấp thụ nhanh: Các loại thực phẩm như cơm, bún, phở, miến dong, bánh mì trắng,.. chứa rất nhiều tinh bột hấp thụ nhanh, tức là những loại tinh bột mà khi đi vào trong cơ thể sẽ được enzyme phân giải thành glucose trong thời gian ngắn, khiến đường máu tăng vọt, đặc biệt là đường huyết sau ăn
  • Đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ: Các loại đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ chứa nhiều các chất béo xấu làm tăng nguy cơ mắc biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường
  • Đồ ăn mặn: Với những thực phẩm có hàm lượng muối cao thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc biến chứng về thận ở người bệnh tiểu đường
  • Bánh kẹo, đồ ngọt: Các loại bánh, kẹo được chế biến sẵn cũng như nước ngọt đóng chai có chứa hàm lượng đường thay thế lớn, là tác nhân khiến đường huyết tăng cao
  • Khẩu phần ăn với người bệnh tiểu đường

Ngoài việc lựa chọn thực phẩm nào nên ăn và không nên ăn, thì việc kết hợp các loại thức ăn cùng hàm lượng hợp lý cũng rất quan trọng với người bệnh tiểu đường. 

Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), người bệnh tiểu đường nên thực hiện phương pháp đĩa thức ăn để chia khẩu phần ăn. Phương pháp này sử dụng một chiếc đĩa có đường kính 20-25cm, bạn chia chiếc đĩa làm hai phần, trong đó một nửa là để chứa các loại rau củ giàu chất xơ. Nửa còn lại tiếp tục được chia đôi, một phần dành cho các loại thức ăn giàu tinh bột, phần còn lại là các loại thịt, cá giàu protein.

Hình ảnh minh họa phương pháp đĩa thức ăn
Hình ảnh minh họa phương pháp đĩa thức ăn - Ảnh: Form Health

Đối với những bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1, cần phải cực kỳ lưu ý đến việc tính toán lượng carb nạp vào cơ thể. Việc tính toán lượng carb nạp vào là cơ sở để tính đơn vị insulin tiêm bổ sung, đảm bảo chuyển hóa glucose hiệu quả.

2, Nguyên tắc về các hoạt động thể lực

Khi hoạt động thể lực, cơ bắp sẽ cần sử dụng đường (glucose) để tạo năng lượng. Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn. Theo khuyến cáo, người có nguy cơ mắc tiểu đường cần tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày trong tuần. Hình thức tập luyện cần phù hợp với từng tình trạng bệnh của cá nhân nhưng cần duy trì định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần.

Trong quá trình tập luyện, cần có một số lưu ý quan trọng giúp việc tập luyện ở người bệnh tiểu đường diễn ra an toàn:

  • Với người bệnh tiểu đường có biến chứng về tim mạch và tăng huyết áp cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra phương thức cũng như cường độ tập luyện phù hợp
  • Cần theo dõi đường huyết trước và sau khi tập luyện, nhất là ở người bệnh mắc đái tháo đường tuýp 1, tập thể dục có thể làm giảm lượng đường trong máu nên cần bổ sung thức ăn nhẹ hợp lý, tránh trường hợp hạ đường huyết quá ngưỡng cho phép
  • Chú ý bù đủ nước trong quá trình tập luyện bởi nước là dung môi cần thiết cho quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể. Nếu sử dụng các loại nước uống thể thao, người bệnh cũng cần chú ý lựa chọn loại nước uống không làm tăng đường huyết
  • Trường hợp người bệnh có biến chứng về cơ xương khớp, cần chú ý sử dụng các đồ bảo hộ khi tập luyện thể thao
  • Không nên tập luyện khi vừa ăn no xong, đường huyết sau khi ăn tăng cao, khi vận động cơ thể sẽ sản sinh thêm glucose làm đường huyết có thể tăng quá mức cho phép

3, Nguyên tắc điều trị bằng thuốc

Đối với người bệnh tiểu đường tuýp 1, cơ thể không thể sản sinh insulin, do đó, việc tiêm bổ sung insulin là bắt buộc. Liều lượng và thời điểm tiêm cũng như loại insulin được sử dụng phải theo phác đồ điều trị của bác sĩ.  

Người bệnh tiểu đường tuýp 1 cần được tiêm insulin mỗi ngày
Người bệnh tiểu đường tuýp 1 cần được tiêm insulin mỗi ngày - Ảnh: Healthline

Với từng cá nhân khác nhau, phần trăm mỗi loại insulin cần sử dụng sẽ khác nhau nhưng đều cần phải dựa trên lượng carbohydrate người bệnh đã tiêu thụ trong bữa ăn. Lượng insulin tổng cộng trong một ngày thường rơi vào khoảng 0,4 - 1 UI/kg/ngày, sử dụng để tiêm dưới da 1-2 lần/ngày.

Còn với người bệnh mắc tiểu đường tuýp 2, thì chỉ cần điều trị bằng thuốc với mục đích cải thiện tình trạng kháng insulin, tăng chuyển hóa glucose trong cơ thể. Các loại thuốc uống thường được chỉ định để điều trị tiểu đường tuýp 2 có thể kể đến như: Metformin, Sulphonylurea, nhóm thuốc ức chế Alpha – glucosidase, thuốc ức chế DPP- 4, nhóm đồng vận thụ thể GLP 1, nhóm , ức chế kênh đồng vận SGLT 2. Trường hợp đường huyết tăng cao (HbA1C > 9.0% và mức glucose máu lúc đói > 15.0 mmol/l) sẽ cần chỉ định sử dụng ngay insulin.

4, Nguyên tắc về lối sống lành mạnh

Để đảm bảo kết quả điều trị bệnh tiểu đường đạt được kết quả tốt nhất, ngoài những nguyên tắc về ăn uống, rèn luyện kết hợp với sử dụng thuốc thì vẫn cần duy trì lối sống lành mạnh, không để tăng tình trạng đường huyết vượt mức kiểm soát:

  • Theo dõi đường huyết thường xuyên: Các thời điểm cố định trong ngày cần phải đo đường huyết là: khi vừa ngủ dậy và chưa ăn sáng; sau khi ăn xong từ 1-2 tiếng. Ngoài ra trước và sau khi tập thể dục hoặc đang ốm sốt, người bệnh cũng nên kiểm tra đường huyết bởi đường huyết cũng biến động rất nhiều trong khoảng thời gian này
  • Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn: Uống rượu, bia nhiều gây ảnh hưởng xấu đến gan trong khi gan có vai trò quan trọng trong việc giải phóng đường làm năng lượng cho cơ thể khi đường huyết trong máu giảm. Đặc biệt với những người mắc tiểu đường có biến chứng về thần kinh và mắt cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ khi sử dụng bia rượu
  • Bỏ thuốc lá: Người bệnh tiểu đường khiến người bệnh gặp các biến chứng liên quan đến tim mạch, bệnh về mắt, đột quỵ, bệnh thận, bệnh mạch máu, tổn thương thần kinh. Việc hút thuốc khiến tỷ lệ mắc những biến chứng này còn tăng cao hơn nữa.

Quá trình điều trị bệnh tiểu đường có hiệu quả hay không, có mất thời gian hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc cải thiện lối sinh hoạt của người bệnh kết hợp với việc sử dụng thuốc đúng, đủ theo chỉ định từ các bác sĩ chuyên môn.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết