- Xuất bản: 08/08/2023 - Cập nhật lần cuối: 28/12/2023
Tìm hiểu cách chữa HP dạ dày - Ảnh: BookingCare
Mời bạn đọc cùng tìm hiểu cách chữa HP dạ dày trong bài viết dưới đây của BookingCare.
Một số nghiên cứu tại Việt Nam được chia sẻ cho thấy khoảng 70% dân số nước ta nhiễm vi khuẩn HP. Đây được xem là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày. Chính vì vậy, thăm khám và chữa trị kịp thời để phòng tránh những biến chứng từ việc nhiễm HP dạ dày là rất quan trọng.
Điều trị bằng thuốc
Sau khi xác định được, tình trạng nhiễm HP dạ dày bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng người bệnh và mức độ tổn thương của dạ dày để thiết lập cho người bệnh phác đồ điều trị bệnh phù hợp .
Điều trị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) dạ dày thường bao gồm sự kết hợp giữa các loại thuốc kháng sinh và thuốc kháng tiết axit dạ dày. Dưới đây là một số loại thuốc thông dụng được sử dụng để điều trị HP dạ dày:
Kháng sinh: Các kháng sinh như amoxicillin, clarithromycin, metronidazole và tetracyclin thường được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn HP. Chế độ liều và thời gian điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng phác đồ điều trị cụ thể. Hiện nay, tỷ lệ vi khuẩn HP kháng thuốc khá cao nên người bệnh cần được chỉ định dùng thuốc một cách chặt chẽ từ các bác sĩ, tránh việc điều trị không hiệu quả và tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn.
Thuốc kháng tiết axit dạ dày: Gồm 2 nhóm chính là thuốc kháng histamin và thuốc ức chế bơm proton (PPI). 2 nhóm thuốc này có cơ chế hoạt động khác nhau nhưng đều giúp giảm sản xuất axit dạ dày, từ đó giảm các triệu chứng đau dạ dày. Trên thị trường có nhiều thuốc nhóm kháng histamin thông dụng như cimetidin, ranitidin,... nhóm ức chế bơm proton như omeprazole, lansoprazole, esomeprazole và pantoprazole Việc sử dụng loại thuốc nào sẽ theo chỉ định cụ thể của bác sĩ.
Bismuth subsalicylate: Bismuth subsalicylate có tính kháng vi khuẩn và có thể được sử dụng cùng với kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị HP dạ dày.
Thuốc trung hòa axit dạ dày: Thuốc thường có các thành phần: canxi carbonat, nhôm hydroxit, magne trisilicat …. Nhóm thuốc này có thể giảm các triệu chứng của viêm dạ dày cũng như tình trạng trào ngược dạ dày - thực quản. Do chỉ điều trị triệu chứng mà không điều trị nguyên nhân gây bệnh nên người bệnh không nên lạm dụng, tự ý sử dụng lâu dài mà cần chỉ định của bác sĩ.
Thuốc bao phủ ổ loét, bảo vệ niêm mạc dạ dày : sucralfat là thuốc thường được sử dụng. Khi vào dạ dày, thuốc tạo thành chất nhầy bao phủ bảo vệ niêm mạc dạ dày. từ đó ngăn ngừa tổn thương niêm mạc tiến triển và làm lành các ổ loét.
Quan trọng nhất, người bệnh hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và nhận định phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của bạn. Bác sĩ sẽ đề xuất chế độ điều trị tối ưu cho bạn dựa trên tình trạng sức khỏe và yêu cầu riêng của bạn.
Điều chỉnh lối sống sinh hoạt
Ngoài điều trị bằng thuốc, cách chữa HP dạ dày còn phụ thuộc nhiều vào thói quen sinh hoạt của người bệnh. Để điều trị hiệu quả, giảm thiểu những triệu chứng của viêm dạ dày do HP và phòng tránh nguy cơ tái phát, người bệnh nên thực hiện lối sống lành mạnh như:
Ngủ sớm, không thức khuya, phân bố thời gian nghỉ ngơi hợp lý
Giảm căng thẳng, kiểm soát stress
Kiêng bia rượu, cà phê, nước có gas, chất kích thích…
Bổ sung nhiều rau củ và thực phẩm có chứa lợi khuẩn như sữa chua, dưa cải bắp, kim chi,…
Hạn chế các loại thực phẩm chiên rán, cay nóng, chứa nhiều axit như cam, quýt, chanh,...
Ngoài ra, loét dạ dày do khuẩn HP có thể gây đau, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau, đặc biệt là nhóm NSAID, vì những loại thuốc này có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày trầm trọng thêm. Nếu người bệnh cần thuốc giảm đau, hãy liên hệ với bác sĩ để được giúp đỡ.
Để quá trình chữa HP dạ dày hiệu quả, người bệnh nên tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ theo lịch và chú ý đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của mình. Hãy theo dõi những bài viết tiếp theo của BookingCare để trang bị những kiến thức bệnh lý toàn diện và chính xác.