Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ. Nguyên nhân gây ra bệnh này có thể do nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm di truyền, tuổi tác, tiền sử bệnh lý và các yếu tố môi trường như hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc với các chất độc hại và thiếu hoạt động thể chất.
Việc phát hiện sớm và chăm sóc sức khỏe định kỳ có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư vú
Ung thư vú xảy ra khi các tế bào tuyến vú biến đổi bất thường, trở thành tế bào ung thư phân chia và nhân lên để tạo thành các khối u. Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được chính xác cho nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi này.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra những yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng phát triển các tế bào ung thư vú. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ cụ thể:
Yếu tố di truyền
Uớc tính có khoảng 5 - 10% phụ nữ mắc bệnh ung thư vú có liên quan đến đột biến gen được truyền qua các thế hệ.
Một số gen đột biến di truyền có thể làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư vú đã được xác định. Phổ biến nhất là gen ung thư vú 1 (BRCA1) và gen ung thư vú 2 (BRCA2), cả hai đều làm tăng đáng kể nguy cơ mắc cả ung thư vú và ung thư buồng trứng.
Nếu một người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc các bệnh ung thư khác, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để giúp xác định các đột biến cụ thể ở BRCA hoặc gen gây bệnh khác có liên quan đến di truyền.
Tuổi tác
Phụ nữ càng lớn tuổi càng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú, đặc biệt là phụ nữ từ sau tuổi 55.
Giới tính
Cả nữ giới và nam giới đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nhiều.
Từng tiếp xúc với bức xạ
Một người từng tiếp xúc với bức xạ trị trước đó, đặc biệt là ở khu vực đầu, cổ hoặc vùng ngực, có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn nhiều lần so với người bình thường.
Liệu pháp hormone sau mãn kinh
Những phụ nữ dùng thuốc trị liệu bằng hormone kết hợp estrogen và progesterone để điều trị các dấu hiệu và triệu chứng của thời kỳ mãn kinh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn. Nguy cơ ung thư vú giảm khi phụ nữ ngừng sử dụng các loại thuốc này.
Những người có thói quen xấu như: nghiện rượu bia, thuốc lá,...
Nghiên cứu cho thấy, thuốc lá và các loại uống đồ uống có chứa cồn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Béo phì
Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa béo phì và căn bệnh ung thư vú. Chị em đang gặp phải tình trạng thừa cân hoặc béo phì nên giảm cân để có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh ung thư vú có thể chưa được xác định nhưng những yếu tố nguy cơ được liệt kê ở trên có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bệnh và cách phòng ngừa. Giảm thiểu các yếu tố nguy cơ này có thể làm giảm khả năng mắc bệnh ung thư vú và giúp chúng ta duy trì một cuộc sống khỏe mạnh.