Ung thư buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ung thư buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ung thư buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ung thư buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị - Ảnh: BookingCare

Ung thư buồng trứng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 14/11/2023 | Cập nhật lần cuối: 29/11/2023
Ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh ung thư nguy hiểm phổ biến ở nữ giới. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin, kiến thức hữu ích và cơ bản nhất về căn bệnh này.

Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nắm được kiến thức về căn bệnh này là điều mà mọi chị em cần biết để có thể tự bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ và yếu tố gây bệnh. 

Ung thư buồng trứng là bệnh gì?

Tại Việt Nam, cứ mỗi năm lại ghi nhận thêm hàng nghìn ca mới mắc bệnh ung thư buồng trứng. Căn bệnh này diễn tiến âm thầm, lặng lẽ, triệu chứng không rõ rệt và thường bị chị em phụ nữ bỏ qua. 

Ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ, chỉ sau ung thư cổ tử cung. Đây là một căn bệnh nguy hiểm xuất phát từ buồng trứng - một trong những bộ phận sinh sản quan trọng của nữ giới.

Các khối u ác tính khởi phát ở một hoặc cả hai buồng trứng, theo thời gian, khi không được phát hiện, những tế bào ung thư này tiếp tục phát triển và lan dần ra những bộ phận khác trên khắp cơ thể như: gan, lá lách,...

Các giai đoạn của bệnh ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng được chia thành bốn giai đoạn khác nhau, từ giai đoạn I đến giai đoạn IV. Mỗi giai đoạn có những đặc điểm và tình trạng khác nhau.

Giai đoạn I

Giai đoạn I được chia thành ba giai đoạn phụ: IA, IB và IC:

  • Giai đoạn IA: Ung thư chỉ ở một bên buồng trứng hoặc một bên ống dẫn trứng.
  • Giai đoạn IB: Ung thư xuất hiện ở cả hai bên buồng trứng hoặc ống dẫn trứng.
  • Giai đoạn IC: Ung thư xuất hiện ở một hoặc cả buồng trứng hoặc ống dẫn trứng  và lan tràn ra ngoài do phẫu thuật, do vỡ vỏ bao hoặc bướu trên bề mặt buồng trứng, có tế bào ác tính trong dịch báng, dịch rửa phúc mạc

Giai đoạn II

Giai đoạn II cũng có các giai đoạn phụ: IIA và IIB

  • Giai đoạn IIA: Ung thư lan rộng ra tử cung , vòi trứng
  • Giai đoạn IIB: Ung thư lan sang các cấu trúc lân cận trong vùng chậu.

Giai đoạn III

Giai đoạn III gồm ba giai đoạn phụ: IIIA, IIIB và IIIC.

  • Giai đoạn IIIA: Ung thư di căn vi thể ra ngoài chậu và/ hoặc hạch sau phúc mạc
  • Giai đoạn IIIB: Di căn phúc mạc ra ngoài vùng chậu trên đại thể ≤ 2cm đường kính lớn nhất, có hay không có di căn hạch sau phúc mạc hoặc trong các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IIIC: Di căn phúc mạc vượt khỏi vùng chậu trên đại thể > 2c đường kính lớn nhất, có hay không có di căn hạch sau phúc mạc (gồm lan rộng đến vỏ bao của gan, lách)

Giai đoạn IV

Giai đoạn IV là giai đoạn nghiêm trọng nhất, tiên lượng thường rất xấu. Ung thư đã lan vào các cơ quan như gan, lá lách, phổi hoặc các hạch bạch huyết ở háng hoặc ngực. Di căn hạch ngoài ổ bụng.

Phân loại giai đoạn ung thư buồng trứng là rất quan trọng để bác sĩ có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư buồng trứng

Mặc dù nguyên nhân chính xác gây ra ung thư buồng trứng vẫn chưa được biết rõ, nhưng một số yếu tố dưới đây đã được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng ở phụ nữ:

  • Tuổi tác: Phụ nữ càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng cao. Đặc biệt là từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn bình thường.
  • Cân nặng: Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì nên theo dõi sức khỏe thường xuyên vì thừa cân cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Di truyền: Nếu một người có mẹ hoặc chị gái bị ung thư buồng trứng, chị em cũng có nguy cơ cao hơn. Ngoài ra, di truyền đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 hoặc hội chứng Lynch cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Phụ nữ chưa từng mang thai hoặc sinh con: Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ chưa từng mang thai hoặc sinh con sau 35 tuổi có nguy cơ cao hơn mắc bệnh ung thư buồng trứng.
  • Phụ nữ điều trị hormone thay thế: Một số chị em phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh sử dụng phương pháp bổ sung hormone cho cơ thể. Điều này tiềm ẩn rủi ro gây ra bệnh ung thư buồng trứng.
  • Phụ nữ nghiện thuốc là hoặc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại
  • Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang, hay bị lạc nội mạc tử cung cũng là những nguyên nhân dễ mắc ung thư buồng trứng hơn

Xét nghiệm chẩn đoán ung thư buồng trứng

Các phương pháp chẩn đoán ung thư buồng trứng được sử dụng để xác định và đánh giá bệnh một cách chính xác. Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường và kéo dài, chị em nên đến những cơ sở y tế uy tín để thăm khám và tiến hành các kỹ thuật chẩn đoán cận lâm sàng sau đây:

Xét nghiệm marker chẩn đoán ung thư buồng trứng

Xét nghiệm CA125

Xét nghiệm giúp phân tích nồng độ protein CA 125 có trên bề mặt các tế bào ung thư buồng trứng. Một nồng độ CA 125 cao hơn mức bình thường có thể chỉ ra sự tồn tại của ung thư.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nồng độ CA 125 có thể tăng cao do các tình trạng khác, do đó cần kết hợp với các kỹ thuật khác để đưa ra kết luận chính xác.

  • HE 4 Thuộc họ các chất ức chế protease serine đóng vai trò gây ung thư, tiến triển khối u và di căn.
  • HE4 trong ung thư buồng trứng tăng sớm hơn CA125, kết hợp với CA125 để tính nguy cơ ác tính của buồng trứng.

AFP và beta hCG: có giá trị trong chẩn đoán, theo dõi K buồng trứng loại bướu tế bào mầm 

Siêu âm

Kỹ thuật siêu âm được sử dụng để tạo ra hình ảnh của buồng trứng và các cơ quan xung quanh. Bác sĩ có thể sử dụng đầu dò đặt trong âm đạo hoặc đặt bên ngoài cơ thể. Siêu âm cho phép kiểm tra kích thước, cấu trúc và mật độ của khối u, cũng như xem xét các yếu tố như vách, sự tăng sinh mạch máu.

Soi dạ dày, đại tràng

Thủ thuật  này được chỉ định khi có nghi ngờ ung thư buồng trứng di căn đường tiêu hóa.

Chụp MRI/CT

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) sẽ tạo ra hình ảnh chi tiết của vùng ổ bụng, ngực và vùng chậu. Các hình ảnh này được kết hợp lại để tạo ra hình ảnh 3D rõ nét, giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư buồng trứng và đánh giá giai đoạn bệnh.

Chụp X-quang ngực

Kỹ thuật chụp X-quang ngực sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh của phổi và màng phổi. Qua đó có thể xác định xem có tràn dịch màng phổi hay không, hay đã có khôi ung thư đã di căn vào phổi hay chưa.

Sinh thiết

Khi sử dụng phương pháp này, các bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu mô bệnh phẩm để xác định loại tế bào ác tính và mức độ ác tính của bệnh. Kết quả từ sinh thiết sẽ giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân.

Những triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mắc bệnh ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng có thể phát triển và lan rộng trong vùng bụng mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào ban đầu. Điều này khiến việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm trở nên khó khăn.

Tuy nhiên, khi ung thư buồng trứng tiến triển, có thể xuất hiện những triệu chứng sau:

  • Đau vùng chậu hoặc bụng
  • Thay đổi thói quen ăn uống
  • Tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu bất thường
  • Hệ tiêu hóa gặp vấn đề
  • Kích thước vòng bụng tăng
  • Đi tiểu thường xuyên hơn hoặc đi tiểu đau

Nếu chị em gặp bất kỳ triệu chứng nào được nêu trên, cần đi khám trong thời gian sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Điều trị ung thư buồng trứng bằng cách nào? 

Tùy thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như tình trạng tổng thể mà các bác sĩ sẽ đưa ra những phương hướng điều trị phù hợp.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:

  • Phẫu thuật
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp nhắm trúng đích
  • Liệu pháp hormone
  • Điều trị miễn dịch
  • Chăm sóc giảm nhẹ

Những lưu ý khi chăm sóc tại nhà sau điều trị ung thư buồng trứng

Điều trị và sống chung với ung thư buồng trứng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Người thân cần lưu ý những điểm sau đây:

  • Quan tâm, chia sẻ và đồng hành

Chán nản, suy sụp tinh thần là điều mà người bệnh khó tránh khỏi. Người thân cần quan tâm, hỏi han, chia sẻ và khích lệ để giúp người bệnh cân bằng cảm xúc và tinh thần.

  • Đồng hành trong đời sống hàng ngày

Quá trình điều trị ung thư có thể gây ra những tác động phụ như suy giảm trí nhớ, rụng tóc, chán ăn và suy nhược cơ thể. Người thân cần tạo điều kiện để người bệnh an tâm và có những hoạt động giải trí như du lịch ngắn ngày để giúp tinh thần được thư giãn.

  • Xây dựng thực đơn dinh dưỡng

Các phương pháp điều trị và cơn đau có thể làm người bệnh mất khẩu vị và mệt mỏi. Hãy chuẩn bị các món ăn đa dạng và phong phú để kích thích sự ăn uống và đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể.

  • Theo dõi sức khỏe

Bệnh nhân và người thân cần theo dõi sát các biến chuyển trong sức khỏe, ghi lại những dấu hiệu bất thường và thông báo ngay cho bác sĩ điều trị. Không nên tự ý thay đổi liều lượng thuốc hoặc sử dụng thêm các loại thuốc khác.

  • Vận động nhẹ nhàng

Người bệnh có thể tham gia một số bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ và tập dưỡng sinh để duy trì sự vận động và tăng cường sức khỏe.

Điều trị ung thư buồng trứng là một cuộc đấu tranh khốc liệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Giữ vững tinh thần lạc quan, tích cực điều trị là yếu tố quan trọng giúp người bệnh nâng cao tỷ lệ điều trị thành công và kéo dài sự sống một cách khỏe mạnh.

Chị em cần tạo thói quen thăm khám định kỳ thường xuyên 6 tháng 1 lần để có thể theo dõi sức khỏe được tốt nhất. Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những biểu hiện lạ, đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết