Tìm hiểu ngay: Những nguyên nhân gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung ở phụ nữ

Tác giả: - Xuất bản: 08/11/2023 - Cập nhật lần cuối: 08/11/2023
Nguyên nhân gây chửa ngoài dạ con
Nguyên nhân gây chửa ngoài dạ con - Ảnh: BookingCare
Tại sao nhiều chị em phụ nữ gặp phải tình trạng chửa ngoài dạ con? Những yếu tố nào tác động làm tăng nguy cơ mắc bệnh? Câu trả lời cụ thể sẽ có trong bài viết dưới đây.

Thai ngoài tử cung là một trong những vấn đề nguy hiểm xảy ra trong quá trình mang thai của nhiều chị em phụ nữ. Nếu không được cứu chữa kịp thời, tính mạng của người mẹ có thể bị đe dọa. Nắm được nguyên nhân gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Nguyên nhân gây chửa ngoài tử cung

Ở phụ nữ mang thai bình thường, trứng được thụ tinh sẽ di chuyển vào bên trong buồng tử cung, bám vào thành niêm mạc và phát triển tại đây.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, vì một vài nguyên nhân nào đó mà trứng được thụ tinh không phát triển tại tử cung mà làm tổ tại vị trí khác, đặc biệt là vòi trứng (chiếm hơn 90%). Nếu khối thai vẫn tiếp tục phát triển, nó có thể bị vỡ, gây chảy máu ồ ạt, ngất xỉu cực kì nguy hiểm.

Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây ra tình trạng chửa ngoài tử cung:

  • Ống dẫn trứng bị viêm, tổn thương hình thành sẹo xơ cứng, cản trở đường đi của trứng được thụ tinh khiến trứng bị kẹt lại và phát triển ngay trong ống dẫn trứng.
  • Nguyên nhân do di truyền
  • Yếu tố bẩm sinh: ống dẫn trứng bị dị dạng hoặc không đều cũng có thể là nguyên nhân gây ứ tắc vòi trứng
  • Cơ thể phụ nữ mắc căn bệnh khác ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan sinh sản

Các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung

Thói quen trong cuộc sống hàng ngày của chị em phụ nữ có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe sinh sản. Nhiều yếu tố đã được chứng minh có khả năng làm tăng nguy cơ gây ra hiện tượng chửa ngoài tử cung.

Chị em cần lưu ý những yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh dưới đây:

  • Phụ nữ đã từng mang thai ngoài tử cung trước đó

Phụ nữ từng có tiền sử chửa ngoài tử cung có nguy cơ cao tái lại khi mang thai vào những lần kế tiếp. Để đảm bảo quá trình mang thai khỏe mạnh, người bệnh cần đi khám và theo dõi thật kỹ để đảm bảo quá trình mang thai thành công.

  • Phụ nữ mắc các bệnh viêm nhiễm lây qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như bệnh lậu hoặc chlamydia, có thể gây viêm và hình thành tổn thương, sẹo trong ống dẫn trứng hay các cơ quan lân cận khác, làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

  • Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hoặc các thủ thuật tránh thai

Việc sử dụng các biện pháp tránh thai có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Thắt ống dẫn trứng, một phương pháp ngừa thai vĩnh viễn thường được gọi là "buộc ống dẫn trứng", cũng làm tăng nguy cơ nếu chị em có thai mặc dù đã áp dụng thủ thuật này.

  • Phụ nữ đang điều trị vô sinh

Một số nghiên cứu cho thấy những phụ nữ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc các phương pháp điều trị vô sinh tương tự có nhiều khả năng khiến phụ nữ mang thai ngoài tử cung. Bản thân tình trạng vô sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

  • Phụ nữ có thói quen hút thuốc lá

Thuốc lá không những ảnh hưởng đến phổi mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như: tim mạch, cao huyết áp,... đặc biệt là ở phụ nữ, hút thuốc là làm tăng nguy cơ mắc bệnh chửa ngoài dạ con.

Những biến chứng của chửa ngoài tử cung

  • Chảy máu trong: Khối thai ngoài tử cung nếu vỡ sẽ khiến thai phụ bị chảy máu trong ồ ạt. Điều này là cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Tổn thương ống dẫn trứng: Việc điều trị chậm trễ sẽ gây tổn thương đến ống dẫn trứng, làm tăng đáng kể các nguy cơ thai ngoài tử cung ở những lần mang thai kế tiếp.
  • Trầm cảm: Cú sốc tâm lý khi mất con và sự lo lắng cho những lần mang thai tiếp theo trong tương lai có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái trầm cảm, stress kéo dài.

Chửa ngoài tử cung có thể được nhận biết sớm qua những dấu hiệu sức khỏe bất thườngĐặc biệt nếu chậm kinh, thử que lên hai vạch thì chị em hãy đi kiểm tra sớm, siêu âm xác định vị trí túi thai làm tổ. Chị em cần theo dõi sức khỏe thường xuyên, đi khám định kỳ để có thể đảm bảo sức khỏe luôn trong trạng thái ổn định nhất.