Sẩy Thai là tình trạng mất thai trước tuần thứ 20 của thai kỳ hoặc mất thai nhẹ hơn 400g nếu không biết tuổi thai, sau khi đã loại trừ nguyên nhân thai trứng và thai lạc chỗ. Theo thống kê, có khoảng 15 - 20% phụ nữ mang thai bị sảy thai, đây thực sự là nỗi lo sợ của nhiều chị em phụ nữ. Chính vì vậy, nắm được nguyên nhân gây sảy thai cũng là một cách để chị em bảo vệ sức khỏe bản thân và em bé của mình.
Nguyên nhân gây sẩy thai là gì?
Thai nhi là một bán dị ghép. Về mặt lý thuyết, thai sẽ trình diện các kháng nguyên của người cha (dị nguyên đối với cơ thể mẹ), vì vậy theo cơ chế tự nhiên thai sẽ bị cơ thể người mẹ đào thải. Tuy nhiên, trong một thai kỳ bình thường, thai nhi không bị hệ thống miễn dịch của người mẹ tấn công, đó là hệ quả của một loạt thay đổi miễn dịch trong thai kỳ.
Như vậy, nếu xuất hiện những bất thường làm tác động đến quá trình thay đổi miễn dịch này, đồng nghĩa với việc có thể dẫn đến tình trạng đào thải thai nhi mà chúng ta hay gọi là sẩy thai.
Những nguyên nhân phổ biến của sảy thai dù ở bất kỳ tuổi thai nào bao gồm bất thường về nhiễm sắc thể, bất thường về giải phẫu mẹ và do các chấn thương.
Bất thường về nhiễm sắc thể
Hầu hết các trường hợp sảy thai xảy ra do thai nhi không phát triển bình thường. Khoảng 70% số ca sảy thai trong ba tháng đầu có liên quan đến các bất thường về nhiễm sắc thể (mất đoạn, lệch bội, đa bội,...).
Khi trứng và tinh trùng kết hợp, hai bộ nhiễm sắc thể từ bố và mẹ kết hợp với nhau. Nhưng nếu một trong hai bộ có ít hoặc nhiều nhiễm sắc thể hơn bình thường thì điều đó có thể dẫn đến sảy thai.
Tình trạng nhiễm sắc thể gặp vấn đề có thể dẫn đến:
- Thai trống (Anembryonic Pregnancy)
Thai trống hay mang thai thiếu phôi là nguyên nhân thường gặp, chiếm một nữa tổng số ca sẩy thau xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ. Điều này là do trứng được thụ tinh với tinh trùng nhưng chỉ phát triển phần nhau thai mà không phát triển thành phôi hoặc có tạo phôi nhưng phôi tự tiêu biến giai đoạn sớm.
- Thai chết trong tử cung (Intrauterine fetal demise)
Trong trường hợp này, phôi hình thành nhưng ngừng phát triển. Thai chết trước khi có bất kỳ triệu chứng sảy thai nào xảy ra.
Các bất thường về cấu trúc của mẹ
Các bất thường về giải phẫu: chẳng hạn như u cơ tử cung, polyp, dính tử cung hoặc tử cung có vách ngăn; có thể liên quan đến sẩy thai tùy thuộc vào kích thước và vị trí của chúng so với thai nhi. Những bất thường này có thể không phát hiện được từ trước khi mang thai, tuy nhiên chúng ta có thể xử trí bằng phẫu để tạo hình lại trước khi có kế hoạch mang thai lần tiếp theo.
Chấn thương
Những sang chấn trực tiếp lên vùng bụng dưới có thể gây sẩy thai. Các chấn thương này có thể từ những tác động mạnh ( té ngã, tai nạn lao động, tai nạn giao thông,...), do quan hệ tình dục thô bạo khi mang thai hoặc chấn thương sau các thủ thuật can thiệp ( chọc ối, sinh thiết gai nhau) mặc dù tỉ lệ này là rất nhỏ.
Một số các yếu tố nguy cơ khác
Sức khỏe của người mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định một thai kỳ có khỏe mạnh và thuận lợi hay không. Một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ sảy thai ở phụ nữ mang bầu:
- Phụ nữ bị tiểu đường có thai những không kiểm soát bệnh
- Các vấn đề về tử cung hoặc cổ tử cung
- Độ tuổi mang thai của người mẹ
- Phụ nữ mắc bệnh tim, thận, tuyến giáp,... cũng làm tăng nguy cơ sảy thai.
- Thai phụ bị rối loạn hệ thống miễn dịch như bệnh lupus, người bị nhiễm bức xạ,...
- Cơ thể mẹ thiếu chất dinh dưỡng trầm trọng, không đủ điều kiện mang thai.
- Nhiễm trùng
- Phụ nữ có thói quen sinh hoạt không lành mạnh đặc biệt là thường xuyên hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
- Bên cạnh suy dinh dưỡng, béo phì cũng làm tăng nguy cơ sảy thai cao hơn nhiều lần.
- ...
Sảy thai là trường hợp xấu mà không một người mẹ hay người cha nào mong muốn. Trong nhiều trường hợp, sảy thai xảy ra trước khi một người phát hiện ra mình đang mang bầu. Chị em cần chú ý chăm sóc sức khỏe cẩn thận, thăm khám phụ khoa định kỳ để có thể theo dõi sức khỏe được tốt nhất.