Bướu cổ là bệnh của tuyến giáp trạng. Biểu hiện thường thấy là vùng cổ của người bệnh lồi lên, gây khó nuốt, khó thở và giọng nói khàn. Bướu cổ có thể phòng ngừa được và hầu hết bệnh bướu cổ đều lành tính, nên người mắc bệnh không cần quá lo lắng. Vậy nguyên nhân gây bướu cổ là gì cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bướu cổ có mấy loại?
Bướu cổ có 3 loại chính
- Bướu cổ đơn thuần: Chiếm 80% các trường hợp bướu cổ bao gồm: Bướu giáp lan tỏa (tuyến giáp to đều hai bên), Bướu giáp nhân (bao gồm một nhân hoặc nhiều nhân)
- Bướu cổ do cường giáp: Đây là một bệnh lý của tuyến giáp, trong đó hormone tuyến giáp được sản xuất quá mức bình thường.
- Bướu cổ ác tính ở giai đoạn sớm tương tự như biểu hiện của bướu cổ đơn thuần
Nguyên nhân gây bướu cổ là gì?
Nguyên nhân bướu cổ phổ biến là do cơ thể thiếu hụt iod.
Iod là nguyên liệu chính để tổng hợp hormon tuyến giáp. Vì vậy, khi tuyến giáp không nhận đủ lượng iod, nó sẽ giảm sản sinh hormone; và để bù đắp cho quá trình sản xuất hormone, tuyến giáp phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến tăng thêm kích thước - phình to ra hình thành bướu cổ.
Thiếu hụt iod có thể do rối loạn bẩm sinh, khẩu phần ăn chưa hợp lý,…
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân gây bướu cổ khác như:
- Do dùng thuốc: Một số thuốc chứa muối lithi được sử dụng trong chuyên khoa tâm thần, điều trị hen, thấp khớp… là nguyên nhân bướu cổ vì ức chế tập trung iod.
- Do đồ ăn: Sử dụng quá nhiều các loại thức ăn như măng, sắn và cải bắp trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến sự tổng hợp hormon tuyến giáp và gây bướu cổ.
- Do bất thường tổng hợp hormon tuyến giáp: Vì thiếu enzyme tổng hợp tuyến giáp (chất xúc tác cho quá trình tạo ra hormon).
- Do giới tính và độ tuổi: Nữ giới có tỉ lệ mắc bướu cổ cao hơn nam giới. Đặc biệt là ở tuổi dậy thì và khi mang bầu hoặc cho con bú do nhu cầu iod và hormon tăng cao.
- Do di truyền, chiếu xạ vùng cổ...
Bướu cổ do nhiều nguyên nhân và bệnh lý tuyến giáp gây ra. Vì vậy việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa.