Tìm hiểu phương pháp điều trị viêm phổi theo y học cổ truyền
điều trị viêm phổi bằng đông y
Đông y điều trị viêm phổi như thế nào? - Ảnh: BookingCare

Tìm hiểu phương pháp điều trị viêm phổi theo y học cổ truyền

Tác giả: - Xuất bản: 05/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 24/02/2024
Điều trị viêm phổi theo y học cổ truyền bằng các bài thuốc kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc như: châm cứu, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt,… Cùng tìm hiểu về các phương pháp điều trị này qua bài viết dưới đây.

Viêm phổi là một bệnh lý thường gặp khi khí hậu lạnh, nhiệt độ ẩm thấp, nhất là vào mùa đông, xuân. Viêm phổi gây ra những biểu hiện khó chịu cho người bệnh như đau ngực, ho, sốt, khó thở,… Điều trị viêm phổi theo y học cổ truyền có nhiều phương pháp, giúp giảm triệu chứng và nâng cao thể trạng cơ thể. 

Viêm phổi theo y học cổ truyền 

Viêm phổi là tình trạng viêm nhiễm nhu mô phổi bao gồm viêm phế nang (túi khí nhỏ), ống phế nang, túi phế nang, tổ chức kẽ của phổi và viêm tiểu phế quản tận cùng. Bệnh do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm, hóa chất gây nên. 

Viêm phổi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người cao tuổi, những người mắc các bệnh hô hấp mạn tính hay sức đề kháng kém có nguy cơ mắc bệnh và tỉ lệ gặp các biến chứng nguy hiểm cao hơn.

Theo y học cổ truyền, không có bệnh danh của viêm phổi. Tuy nhiên, dựa vào triệu chứng bệnh mà quy vào chứng Khái thấu và Đàm ẩm. Theo Hải Thượng Lãn Ông, chứng Khái (ho có tiếng không có đàm) là Phế khí bị thương, chứng Thấu (ho có đàm mà không có tiếng) là Tỳ khí bị tổn thương, Khái thấu (ho có cả đàm lẫn tiếng) thì Tỳ Phế đều bị bệnh.

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu do cảm nhiễm ngoại tà lục dâm như ngoại cảm Phong Hàn, Phong Nhiệt cộng với chính khí suy yếu hoặc do bệnh nội thương, tình chí thất điều gây rối loạn công năng các tạng, phế, tỳ, thận mà sinh ra bệnh.

Tà khí dẫn đầu là Phong tà, xâm nhập vào Phế dẫn đến Phế khí mất tuyên phát, khí không túc giáng được gây nên Khái thấu, Phế không khai khiếu ra mũi gây chứng Tỵ uyên (ngạt mũi). Tà khí lưu lại tại Phế sẽ gây phát nhiệt (sốt cao), đàm vàng đặc. Nhiệt thiêu đốt tân dịch gây ho khan hoặc đàm khó khạc, bứt rứt. Diễn tiến nặng hơn sẽ có nhiệt cực sinh phong gây mê sảng, co giật.

Hàn thấp làm tỳ rối loạn chức năng vận hoá thuỷ thấp sinh ra đàm, đàm ứ gây ho có khạc đờm nhiều. Hoặc trường vị tích nhiệt làm tổn thương phế, phế thận âm hư làm cho chức năng thăng giáng khí bị rối loạn, khí và tân dịch đều bị tổn thương dẫn đến ho, khạc đờm.

Tương ứng theo y học hiện đại, người bệnh viêm phổi có các triệu chứng như: sốt, ho, đau ngực, khó thở, thậm chí có trường hợp nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, đau cơ dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Bệnh nhân nặng có thể bị lú lẫn, mê sảng, co giật,... 

Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tràn khí, tràn dịch, tràn mủ màng phổi, xẹp phổi, áp xe phổi và nhất là nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn,…

viêm phổi ảnh hưởng phụ nữ có thai
Phụ nữ có thai dễ gặp biến chứng hơn khi mắc viêm phổi - Ảnh: Canva

Điều trị viêm phổi theo y học cổ truyền 

Y học cổ truyền có tác dụng tốt trong điều trị viêm phổi mạn tính và giai đoạn đầu của viêm phổi cấp tính, còn giai đoạn sau của viêm phổi cấp tính và đợt cấp của viêm phổi mạn tính thì nên kết hợp cả các thuốc tây y, với phương pháp y học cổ truyền dùng để hỗ trợ điều trị triệu chứng là chủ yếu. 

Bài thuốc điều trị viêm phổi

Điều trị bằng y học cổ truyền chủ yếu nhằm mục đích phù chính khu tà, hóa đàm, chỉ khái. Tùy từng thể bệnh mà dùng bài thuốc phù hợp.

  • Thể cấp tính: Thường do phong hàn, phong nhiệt, táo khí gây ra
    • Thể phong hàn phạm phế: Người bệnh có các triệu chứng như ho, đàm trong loãng, dễ khạc, toàn thân sốt, sợ lạnh, đau đầu, cảm giác đau mỏi người, không ra mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng. Thể này thường dùng bài Hạnh tô tán gia giảm.
    • Thể phong nhiệt phạm phế: Người bệnh có triệu chứng ho tiếng nặng, khạc đàm đặc hay vàng đặc, miệng khát, họng đau, kèm sốt cao, ra mồ hôi, sợ gió, đau đầu, toàn thân đau mỏi, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc trắng mỏng, mạch phù sác. Bài thuốc thường dùng là Tang cúc ẩm gia giảm.
    • Thể khí táo thương phế: Người bệnh có biểu hiện ho khan, ít đàm, họng khô, mũi khô, lưỡi khô, toàn thân phát sốt, sợ gió, đau họng, đôi khi ho đàm có tia máu, rêu lưỡi vàng, đầu lưỡi đỏ, mạch phù sác. Thể này thường dùng bài Tang bạch thang gia giảm.
  • Thể mạn tính: Là tình trạng viêm phổi kéo dài, không khỏi hẳn, có khi xuất hiện đợt cấp. Các đợt cấp được chữa như thể cấp tính, còn nếu bệnh không trong đợt cấp thì được chia làm hai thể lâm sàng: 
    • Thể đàm thấp: Người bệnh ho và khạc đàm nhiều, đàm trắng dính, lỏng hoặc thành cục, ngực bụng có cảm giác đầy tức, ăn kém, tinh thần mỏi mệt, rêu lưỡi trắng nhờn, mạch nhu hoạt. Thể này có thể dùng kết hợp hai bài thuốc là Lục quân tử thang và Bình vị tán gia vị.
    • Thể thủy ẩm (hàn ẩm): Thường gặp ở người cao tuổi có giãn phế nang, suy giảm chức năng hô hấp, bệnh tâm phế mạn. Người bệnh ho kéo dài hoặc hay tái phát, khó thở khi trời lạnh thì ho tăng lên khạc ra nhiều đờm lỏng trắng. Khi vận động các triệu chứng trên tăng nặng. Khó thở nhiều thì nằm phải gối đầu cao. Toàn thân sợ lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch tế nhược. Bài thuốc thường dùng là Tiểu thanh long thang gia giảm.

Các phương pháp không dùng thuốc trị viêm phổi

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, y học cổ truyền cũng có những biện pháp không dùng thuốc hỗ trợ điều trị viêm phổi hiệu quả. Tuy nhiên các phương pháp này chỉ hỗ trợ điều trị, đông y điều trị viêm phổi bằng các bài thuốc vẫn là chính.

  • Châm cứu kích thích các huyệt vị: Trung phủ, Phế du, Phong long. Nếu ho nhiều gia Xích trạch và Liệt khuyết. Tùy theo thể bệnh mà kết hợp các huyệt khác theo chỉ định của thầy thuốc.
  • Luyện tập khí công giúp nâng cao thể trạng người bệnh cũng là một phương pháp hay được khuyên dùng.
bài thuốc đông y trị viêm phổi
Các bài thuốc hay được sử dụng để điều trị viêm phổi bằng đông y - Ảnh: Freepik

Một số lưu ý khi điều trị viêm phổi bằng đông y 

  • Không nên tự cắt thuốc về uống. Cần tìm kiếm sự hướng dẫn của các bác sĩ đông y để nhận được phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của bản thân.
  • Thuốc đông y cần thời gian để phát huy tác dụng. Tuân thủ đúng liệu trình là bước quan trọng để đạt được kết quả tốt nhất.
  • Cơ địa và lối sống ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Hãy chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình.
  • Cẩn thận khi sử dụng kết hợp thuốc đông và tây y. Tìm sự tư vấn từ bác sĩ để tránh các tương tác không mong muốn.
  • Đối với châm cứu và các phương pháp không dùng thuốc khác hãy lắng nghe lời khuyên của thầy thuốc và hiểu rõ về các chống chỉ định khi quyết định điều trị bằng châm cứu và các phương pháp không dùng thuốc khác .
  • Cuối cùng, xây dựng một lối sống lành mạnh là nền tảng vững chắc để hỗ trợ quá trình điều trị.

Trên đây là một số thông tin về điều trị viêm phổi theo y học cổ truyền. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết