Tìm hiểu: Ung thư tuyến giáp do những nguyên nhân nào?
Tìm hiểu: Ung thư tuyến giáp do những nguyên nhân nào?
Ung thư tuyến giáp do những nguyên nhân nào
Những nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp - Ảnh: BookingCare

Tìm hiểu: Ung thư tuyến giáp do những nguyên nhân nào?

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 30/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 08/01/2024
Ung thư tuyến giáp hiện nay chưa có nguyên nhân chính xác trong cơ chế bệnh sinh. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ cao dễ gây ra bệnh: nguyên nhân di truyền, yếu tố tuổi tác, giới tính là nữ, nhiễm phóng xạ hay chế độ ăn thiếu i-ốt…

Nguyên nhân rõ ràng gây nên ung thư tuyến giáp chưa được xác định, có một số yếu tố gây tăng khả năng dẫn đến bệnh như: nhiễm phóng xạ, yếu tố tuổi tác, là phụ nữ hay yếu tố di truyền,... Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn các nguyên nhân qua bài viết dưới đây!

Nguyên nhân gây nên ung thư tuyến giáp

Yếu tố di truyền 

Ung thư xảy ra khi có sự đột biến DNA (ở tế bào tuyến giáp), sự đột biến này sẽ tích tụ dần và khi tích tụ đủ lớn sẽ khiến các tế bào nhân lên nhanh chóng không kiểm soát, có thể xâm lấn ra xung quanh, trở thành tế bào ung thư. 

Những tế bào đột biến này nhân lên nhiều, tích tụ và trở thành khối u, khối u này tiến triển, xâm lấn ra các mô xung quanh, từ đó có thể lan sang các bộ phận cơ quan khác của người bệnh.

Một số gen khi phát triển các đột biến có  liên quan đến ung thư tuyến giáp:

  • Gen RET(trên NST số 10), gen BRAF, gen PTC, gen NTRK1: Đột biến trên các phần của gen này có thể gây ung thư tuyến giáp thể tủy và thể nhú. Phần lớn các đột biến xảy ra trên các đoạn kiểm soát sự sao chép và nhân đôi tế bào.
  • Gen gây ung thư RAS: Các đột biến tìm thấy trong gen gây ung thư RAS được tìm thấy trong một số bệnh ung thư tuyến giáp dạng nang.
  • Gen TP53 (gen áp chế khối u p53): Các đột biến trong các đoạn của gen  làm bất hoạt gen, có thể dẫn đến hoạt hóa protein ức chế khối u, liên quan đến ung thư tuyến giáp không biệt hóa.

Nguy cơ khi mắc các bệnh lý khác

  • Bệnh đa polyp tuyến gia đình (FAP):  Việc khiếm khuyết trong gen APC gây ra  polyp đại tràng. Tình trạng khiếm khuyết của gen này cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp dạng nhú.
  • Bệnh Cowden: Do đột biến gen PTEN gây ra, từ đó gia tăng khả năng mắc các bệnh tuyến giáp: tăng trưởng lành tính và nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp nhú hoặc nang.
  • Phức hợp Carney, loại I:  Đột biến gen PRKAR1A (gây rối loạn chức năng các tuyến nội tiết)  tăng nguy cơ phát triển khối u lành tính và nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp dạng nhú hoặc dạng nang cao hơn.
  • Yếu tố di truyền trong gia đình: Khi trong gia đình có người thân (anh, chị, em, cha, mẹ…) từng bị hoặc bị ung thư tuyến giáp (đặc biệt ung thư tuyến giáp thể tủy)  thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.

Tiếp xúc với bức xạ

Từng phải hay thường xuyên phải tiếp xúc với các nguồn bức xạ như tia X, tia cực tím cũng làm tăng nguy cơ ung thư.

Việc được điều trị các bệnh lý khác bằng xạ trị vùng đầu, cổ, chiếu tia X, các tia trong máy chụp CT cũng tăng cao nguy cơ bị bệnh. Những trẻ em hay thanh niên từng được xạ trị bằng bức xạ liều cao để điều trị ung thư (như ung thư hạch), có nguy cơ bị ung thư (cả ung thư tuyến giáp về sau). Bệnh nhân từng có tiền sử tia xạ, vùng cổ có xuất hiện u giáp thì khả năng cao đó là ung thư tuyến giáp. 

Nhiễm phóng xạ từ bụi phóng xạ trong tai nạn hạt nhân, các trạm phóng xạ, thử nghiệm vũ khí cũng tăng nguy cơ phát triển ung thư. Nguy cơ phụ thuộc vào liều lượng và độ tuổi tiếp xúc (liều càng cao và tuổi càng trẻ thì nguy cơ càng cao).

Tiền sử mắc các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp

Mắc các bệnh viêm tuyến giáp tự miễn Hashimoto, bướu giáp đa nhân, viêm tuyến giáp bán cấp, bệnh Basedow có u đặc tuyến giáp.... Khi không được phát hiện và điều trị dứt điểm sẽ gây các biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cơ thể người bệnh và tăng nguy cơ phát triển thành ung thư.

Rối loạn hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch mang chức năng sản sinh ra các kháng thể để bảo vệ, chống lại sự tấn công của các virus, vi khuẩn nguy hiểm, gây hại từ bên ngoài. Việc hệ miễn dịch bị rối loạn, hàng rào bảo vệ cơ thể suy yếu, tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn, tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể, trong đó, tuyến giáp cũng bị xâm nhập và tấn công, từ đó tăng nguy cơ hình thành ung thư.

Chế độ ăn thiếu i-ốt

Thiếu i-ốt trong cơ thể làm tăng nguy cơ bị bướu giáp, và ung thư tuyến giáp (thường là ung thư tuyến giáp thể nang). Việc thiếu i-ốt cộng thêm sự tiếp xúc với bức xạ do xạ trị để điều trị bệnh hay nhiễm phóng xạ cũng tăng khả năng mắc ung thư tuyến giáp thể nhú.

Giới tính và tuổi tác

Đây cũng là một trong những yếu tố nguy cơ bởi giới tính nữ thường dễ mắc ung thư tuyến giáp hơn nam (tỷ lệ nữ/nam là 3/1) và độ tuổi hay gặp mắc bệnh này thường dao động từ 40-70 tuổi, tuy nhiên bệnh vẫn có thể gặp ở mọi lứa tuổi. 

Thừa cân hoặc béo phì 

Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người không mắc bệnh. Nguy cơ dường như tăng lên khi chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng lên.

Đây là những yếu tố nguy cơ tăng cao khả năng mắc ung thư tuyến giáp ở người bệnh. Hy vọng, bài viết này cung cấp những thông tin hữu ích cho người đọc về nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp, từ đó giúp phòng tránh, kiểm soát ung thư tuyến giáp.

Nếu có bất kì yếu tố nguy cơ nào hoặc khi nhận thấy có dấu hiệu ung thư tuyến giáp, mọi người cần đi khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát bệnh sớm và có phương hướng điều trị phù hợp.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết