Nếu bạn đang sống chung với bệnh tiểu đường týp 1, bạn chắc hẳn có những thắc mắc đâu là lý do khiến bạn mắc tiểu đường, liệu rằng con bạn sinh ra cũng sẽ mắc phải bệnh lý này. Bài viết này sẽ cung cấp các thông tin về tính di truyền của bệnh tiểu đường tuýp 1 nhằm giải đáp những thắc mắc trên của bạn.
Về bệnh tiểu đường tuýp 1
Tiểu đường týp 1 là tình trạng rối loạn chuyển hóa Glucose xảy ra do tế bào tuyến tụy bị phá hủy hoàn toàn, tụy không còn khả năng sản xuất ra Insulin. Insulin là hocmon duy nhất của cơ thể có tác dụng làm giảm glucose máu, vì vậy khi mắc bệnh tiểu đường typ 1, nếu không được cung cấp insulin kịp thời, đường huyết tăng cao dễ dẫn đến các biến chứng nhiễm toan ceton máu, hôn mê nhiễm toan ceton.
Bệnh tiểu đường týp 1 thường được chẩn đoán khi người bệnh còn rất trẻ, chủ yếu là ở trẻ em vị thành niên. Đó cũng là lý do khiến nhiều người tin rằng bệnh tiểu đường týp hoàn toàn là1 là do yếu tố di truyền gây ra.
Điều này đúng một phần, theo các nhà nghiên cứu,bệnh tiểu đường týp 1 có một yếu tố di truyền rõ ràng nhưng không phải tất cả những người có yếu tố di truyền này đều phát triển bệnh. Như vậy, tiểu đường tuýp 1 xảy ra là do sự kết hợp của các yếu tố, bên trong và bên ngoài cơ thể.
Tính di truyền học của bệnh tiểu đường tuýp 1
“Gen mang bệnh tiểu đường tuýp 1”: Có hay không?
Không có bất kỳ một gen nào trong cơ thể được coi là “gen mang bệnh tiểu đường tuýp 1”. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, có một nhóm gen có ảnh hưởng lớn đến nguy cơ gây nên bệnh tiểu đường tuýp 1, đó là gen HLA. Cụ thể, hai biến thể gen HLA-DQA1 và HLA-DQB1 được xác định là liên quan chặt chẽ đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường týp 1. Các biến thể gen này gắn kết với khả năng tạo ra các phân tử kháng nguyên HLA ở bề mặt tế bào beta trong tụy. Cơ chế chính xác tại sao và làm thế nào các biến thể gen HLA này gây ra tự miễn dịch tấn công tế bào beta vẫn chưa được hiểu rõ.
Ngoài yếu tố di truyền gen HLA, còn có nhiều gen khác cũng được cho là có liên quan đến bệnh tiểu đường týp 1, bao gồm gen INS, gen CTLA-4, gen PTPN22 và gen IL2RA. Các nghiên cứu đang tiếp tục tìm hiểu về vai trò của các gen này trong phát triển bệnh.
Tuy nhiên không phải cứ mang gen HLA đồng nghĩa với việc bạn sẽ chắc chắn mắc Đái Tháo Đường tuýp 1. Ngay cả với những cặp song sinh giống hệt nhau - những người có gen chính xác giống nhau - đôi khi một người mắc bệnh còn người kia thì không. Như vậy, di truyền chỉ là một phần trong tổng số các yếu tố gây ra bệnh tiểu đường týp 1. Môi trường và các yếu tố không di truyền cũng có vai trò quan trọng trong việc kích hoạt và tiến triển bệnh. Một người có yếu tố di truyền cho bệnh tiểu đường týp 1 có thể không bao giờ phát triển bệnh nếu không có các yếu tố môi trường kích hoạt như nhiễm trùng, tình trạng viêm hay ảnh hưởng của chế độ ăn uống.
Tỉ lệ di truyền của bệnh tiểu đường tuýp 1
Theo thông tin từ Hiệp hội Đái Tháo Đường Hoa Kỳ, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở mỗi đối tượng được thống kê như sau:
Người bệnh tiểu đường tuýp 1
|
Tỷ lệ mắc tiểu đường tuýp 1 ở con
|
Bố mắc bệnh
|
1/17
|
Mẹ mắc bệnh và sinh con trước 25 tuổi
|
1/25
|
Mẹ mắc bệnh và sinh con sau 25 tuổi
|
1/100
|
Mẹ mắc bệnh trước 11 tuổi
|
2/25
|
Cả bố và mẹ đều mắc bệnh
|
1/10 – 1/4
|
Bố hoặc mẹ mắc bệnh hội chứng tự miễn đa tuyến
|
1/2
|
Trên đây là những thông tin liên quan đến tính di truyền học của bệnh tiểu đường tuýp 1. Để phát hiện sớm và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn khởi phát, các chuyên gia khuyến cáo những người có nguy cơ mắc bệnh và kể cả người bình thường nên thực hiện tầm soát bệnh tiểu đường từ sớm và thực hiện lối sống lành mạnh để phòng ngừa và làm chậm sự khởi phát của bệnh tiểu đường.