Tiểu đường típ 1 đòi hỏi quá trình chữa trị kéo dài, tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị từ bác sĩ nội tiết. Đặc biệt, với tiểu đường tuýp 1 xảy ra ở đối tượng trẻ em thì việc đối phó còn khó khăn hơn. Nắm được các thông tin cần thiết về bệnh tiểu đường tuýp 1 ở trẻ sẽ giúp cha mẹ chủ động hơn trong việc chăm sóc trẻ chống chọi với bệnh.
Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường típ 1 ở trẻ
Tiểu đường típ 1 ở trẻ là tình trạng các tế bào tuyến tụy không còn khả năng sản sinh ra insulin. Không có insulin, cơ thể trẻ sẽ bị thiếu hụt năng lượng do insulin đóng vai trò chuyển hóa đường thành năng lượng trong cơ thể. Vì vậy, trẻ cần tiêm bổ sung insulin vào trong cơ thể. Có thể gọi chung bệnh lý này là bệnh tiểu đường vị thành niên hoặc bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin.
Theo MSD Manuals, tiểu đường típ1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, bệnh lý này thường biểu hiện ở độ tuổi từ 4 tuổi đến 6 tuổi hoặc từ 10 tuổi đến 14 tuổi, Hiện nay, đang có hiện tượng gia tăng ở đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi.
Các chuyên gia vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân chính xác gây tiểu đường típ1 ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ tăng tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ đã được thống kê, bao gồm:
- Tiền sử gia đình: Trẻ có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh tiểu đường loại 1 sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
- Chủng tộc: Tại Hoa Kỳ, bệnh tiểu đường típ1 thường phổ biến hơn ở trẻ mang chủng tộc da trắng
- Tiếp xúc với virus: Tiếp xúc với các loại vi-rút khác nhau có thể kích hoạt phản ứng tự miễn của cơ thể phá hủy các tế bào tuyến tụy
Triệu chứng đái tháo đường đường típ 1 ở trẻ
Một số triệu chứng thường nhận thấy khi trẻ mắc đái tháo đường típ1 có thể kể đến như:
- Trẻ có biểu hiện khát và uống nước nhiều
- Trẻ thường xuyên cảm thấy đói bụng
- Đi tiểu nhiều, có hiện tượng đái dầm ở trẻ đã biết đi vệ sinh
- Trẻ sụt cân không rõ lý do
- Biểu hiện mệt mỏi, hay cáu gắt
- Hơi thở của trẻ có mùi trái cây
Các triệu chứng tiểu đường típ1 ở trẻ thường xảy ra bất chợt và diễn biến rất nhanh chóng. Do đó, ba mẹ cần theo dõi sát sao con, nếu quan sát trẻ có biểu hiện lạ cần đưa trẻ đi khám để được các bác sĩ Nội tiết chẩn đoán và có lộ trình điều trị kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh tiểu đường típ 1 ở trẻ
Phương pháp chẩn đoán
Phương pháp chẩn đoán chung cho các bệnh lý về tiểu đường đều là thực hiện các xét nghiệm chỉ số đường huyết. Các xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán tiểu đường típ 1 ở trẻ có thể kể đến như:
- Xét nghiệm chỉ số đường huyết bất kỳ: Xét nghiệm máu của trẻ ở một thời điểm ngẫu nhiên cho kết quả từ 200 mg/dL (11,1 mmol/L) trở lên có thể kết luận mắc bệnh tiểu đường
- Xét nghiệm HbA1C hoặc xét nghiệm chỉ số đường huyết khi đói:
- Chỉ số HbA1C trong hai lần kiểm tra riêng biệt đều lớn hơn hoặc bằng 6,5% cũng có thể kết luận trẻ mắc bệnh tiểu đường
- Trẻ cũng sẽ được kết luận mắc tiểu đường nếu chỉ số xét nghiệm lúc đói của trẻ trên 126 mg/dL (7 mmol/L)
Phương pháp điều trị
Để điều trị bệnh tiểu đường, đặc biệt là với đối tượng trẻ em, cần phải tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn điều trị từ bác sĩ. Các nguyên tắc cần nhớ khi điều trị đái tháo đường típ1 ở trẻ:
- Dùng đúng liều insulin, bao gồm liều lượng và loại insulin do bác sĩ chỉ định
- Theo dõi đường huyết thường xuyên cho trẻ: để tránh việc lấy máu thường xuyên gây đau đớn cho trẻ, có thể sử dụng thiết bị theo dõi đường huyết liên tục (CGM - Continuous Glucose Monitor)
- Rèn luyện thói quen tập thể dục thường xuyên và giữ cân nặng ở mức khỏe mạnh
Mục tiêu điều trị tiểu đường típ1 ở trẻ là duy trì lượng đường huyết buổi sáng trước khi ăn từ 80 đến 130 mg/dL (4,44 đến 7,2 mmol/L) và không được cao hơn 180 mg/dL (10 mmol/L) sau khi ăn hai giờ đồng hồ.
Với trẻ mắc tiểu đường típ1, cha mẹ cần kiên trì đồng hành cùng con trong quá trình điều trị bệnh, bao gồm tuân thủ lối sống chặt chẽ, hướng dẫn sử dụng thuốc, theo dõi đường huyết ở trẻ thường xuyên và đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám bệnh định kỳ.