Tổng quan: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị thiếu kẽm
Tổng quan: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị thiếu kẽm
Thiếu kẽm
Kẽm là một chất khoáng vi lượng rất cần thiết của cơ thể - Ảnh: BookingCare

Tổng quan: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị thiếu kẽm

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 31/03/2024 | Cập nhật lần cuối: 03/06/2024
Theo các báo cáo gần đây, thế giới có hơn 30% dân số thiếu kẽm, phần lớn là trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển. Tại Việt Nam, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dao động khoảng 25 - 40% tùy theo địa phương và nhóm tuổi. Bệnh diễn tiến âm thầm và kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Kẽm là một chất khoáng vi lượng thiết yếu của cơ thể. Kẽm tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa như: chuyển hóa protein, lipid, axit nucleic và phiên mã gen, đặc biệt trong quá trình phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, kẽm còn có vai trò quan trọng trong chức năng: sinh sản, miễn dịch, lành vết thương,... 

Mặc dù, kẽm là một trong những nguyên tố vi lượng dồi dào nhất trong cơ thể con người, nhưng kẽm lưu trữ với một lượng không đáng kể và có thể thiếu hụt do đó phải chú ý kiểm tra và bổ sung thường xuyên.

Thiếu kẽm là gì?

Kẽm là một vi lượng rất cần thiết cho cơ thể. Nhu cầu kẽm của cơ thể sinh lý như sau:

  • Ở trẻ dưới 1 tuổi: khoảng 5m/ngày.
  • Trẻ 1 - 10 tuổi: khoảng 10mg/ngày.
  • Thanh thiếu niên và người trưởng thành: khoảng 15mg/ngày đối với nam và 12mg/ngày đối với nữ.
  • Phụ nữ mang thai: cần 15mg/ngày.
  • Phụ nữ cho con bú 6 tháng đầu cần 19mg và cho con bú lúc 6 - 12 tháng cần 16mg kẽm mỗi ngày.

Thiếu kẽm được định nghĩa là khi cơ thể không có đủ lượng kẽm khoáng chất cần thiết cho các chức năng thiết yếu của cơ thể.

Dấu hiệu thiếu kẽm là gì?

Thiếu kẽm thường có biểu hiện đa dạng và không điển hình nên nhiều người bệnh thường nhầm lẫn với các bệnh lý khác và bỏ qua. Do đó, cần chú ý nhận biết cơ thể có thể thiếu kẽm qua các dấu hiệu sau:

  • Thay đổi ở da, lông, tóc và móng: rụng tóc nhiều, móng tay, móng chân giòn, dễ gãy, có đốm trắng, da khô, nứt nẻ, dễ bị mụn trứng cá, viêm da.
  • Biểu hiện ở các hệ cơ quan của thiếu kẽm như: 
    • Hệ miễn dịch bị suy yếu, dễ mắc bệnh, nhiễm trùng tái phát, vết thương lâu lành.
    • Hệ hô hấp: người bệnh dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp hơn. Đôi khi, các triệu chứng của bệnh lý sẵn có (như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn,...) sẽ nghiêm trọng hơn.
    • Hệ tiêu hóa: thiếu kẽm khiến người bệnh dễ mắc các bệnh lý tiêu hóa như: tiêu chảy, buồn nôn, sụt cân, ăn uống kém,...
  • Thiếu kẽm còn gây các tác động xấu lên các giác quan (thị giác, khứu giác,...) như:
    • Mắt: sợ ánh sáng, mù đêm, quáng gà, khô mắt, loét giác mạc,...
    • Khứu giác: mất mùi, mất vị
  • Một số biểu hiện tinh thần và thể chất của bệnh nhân thiếu kẽm gồm: rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh, chậm phát triển tâm thần vận động, rối loạn chức năng tình dục, giảm khả năng sinh sản…

Nguyên nhân gây thiếu kẽm?

Hiện nay, tỷ lệ thiếu kẽm có xu hướng tăng, bất kỳ ai cũng có nguy cơ thiếu kẽm nếu không kiểm tra và bổ sung thường xuyên. Mặc dù, cơ thể chỉ cần một lượng nhỏ kẽm để sử dụng, nhưng các chuyển hóa trong cơ sẽ ảnh hưởng nhiều nếu thiếu hụt kẽm. 

Một số nguyên nhân chính gây thiếu kẽm như:

  • Chế độ ăn thiếu kẽm, giảm hấp thu kẽm:
    • Chế độ ăn chay hoặc thuần chay có hàm lượng kẽm thấp.
    • Bổ sung sắt có thể cản trở sự hấp thụ kẽm của cơ thể.
    • Trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.
    • Một số thuốc có khả năng gây thiếu kẽm như: thuốc lợi tiểu, kháng sinh và penicillamine.
  • Bệnh lý gây thiếu kẽm:
    • Các bệnh tiêu hóa gây thiếu kẽm như: bệnh tiêu chảy, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng.
    • Nghiện rượu gây thiếu kẽm
    • Một số bệnh lý khác như: bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh tiểu đường, ung thư, bệnh xơ nang, bệnh thận mạn,...
  • Nhu cầu kẽm tăng cao:
    • Trẻ em trong giai đoạn phát triển cần nhiều kẽm hơn người lớn.
    • Phụ nữ mang thai và cho con bú cần nhiều kẽm hơn bình thường để cung cấp cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
    • Vận động viên cần nhiều kẽm hơn người bình thường để phục hồi cơ bắp sau khi tập luyện.

Thiếu kẽm nguy hiểm như thế nào?

Kẽm tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng khác nhau của cơ thể, vì vậy thiếu kẽm sẽ gây nhiều ảnh hưởng xấu đến cơ thể như:

  • Kẽm được coi là một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại do oxy hóa. Thiếu kẽm khiến cơ thể sẽ giảm hoặc mất yếu tố bảo vệ này.
  • Thiếu kẽm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển trong thời kỳ mang thai, thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Ở trẻ em, thiếu kẽm dẫn đến cơ thể chậm, ngừng phát triển qua một số biểu hiện như: chậm lớn, còi, biếng ăn,...
  • Thiếu kẽm có thể khiến hệ thống miễn dịch hoạt động kém hoặc hoạt động quá mức, chậm lành vết thương, rối loạn chức năng sinh dục. Ngoài ra, thiếu hụt kẽm còn là yếu tố thúc đẩy các bệnh mạn tính dễ tái phát và nghiêm trọng hơn. 

Cách điều trị thiếu kẽm

Một số phương pháp điều trị thiếu kẽm hiện nay gồm:

  • Sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng chứa kẽm: thường được chỉ định nhằm bổ sung kẽm trong một số bệnh lý như: nghiện rượu, hội chứng kém hấp thu, các bệnh đường ruột (bệnh Crohn, viêm đại tràng), chán ăn tâm thần, bỏng nhiệt, suy giảm miễn dịch, tiêu chảy,...
  • Bổ sung kẽm từ thức ăn tự nhiên: khuyến khích sử dụng các thực phẩm tự nhiên giàu kẽm như: hàu, sò, cua, thịt, cá, hải sản, ngũ cốc,các loại hạt, cây họ đậu và các thực phẩm từ sữa,… và thay đổi thói quen có lợi cho cơ thể hấp thu kẽm.
Các loại thực phẩm bổ sung kẽm
Thịt, cá, hải sản, ngũ cốc,các loại hạt,... là các thực phẩm tự nhiên giàu kẽm - Ảnh: Freepik

Hiện nay, các nghiên cứu vẫn chưa có bằng chứng về các ảnh hưởng bất lợi của việc dư thừa kẽm từ thức ăn tự nhiên. Vì vậy, bổ sung kẽm qua đường ăn uống, thức ăn tự nhiên được xem là cách hiệu quả và an toàn nhất.

Kẽm là một chất khoáng vi lượng thiết yếu của cơ thể chúng ta. Thiếu kẽm gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như: hệ miễn dịch suy giảm, chậm tăng trưởng, phát triển,... Do đó, cần chú ý kiểm tra và bổ sung kẽm thường xuyên nhằm tránh cơ thể thiếu hụt kẽm.

Nhận biết được nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị thiếu kẽm là một cách hiệu quả giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình từ sớm.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết