Tổng quan về táo bón: triệu chứng, nguyên nhân, điều trị bệnh

Tác giả: - Xuất bản: 04/02/2024 - Cập nhật lần cuối: 04/02/2024
Tình trạng táo bón lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh
Tình trạng táo bón lâu ngày ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh - Ảnh: BookingCare
Táo bón có thể gặp ở mọi lứa tuổi: trẻ em, người lớn, người cao tuổi. Táo bón cũng là bệnh phổ biến của đường tiêu hóa. Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc có thông tin tổng quan về táo bón.

Táo bón là một triệu chứng, không phải là một bệnh. Táo bón rất hay gặp trong các bệnh lý của đường tiêu hóa nhưng cũng có thể gặp trong các bệnh lý khác ngoài đường tiêu hoá và không phải ai cũng hiểu rõ các thông tin về triệu chứng này. Để tránh những biến chứng do táo bón gây ra, bạn nên sớm nhận biết được triệu chứng, nguyên nhân táo bón và điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Triệu chứng táo bón 

  • Đi đại tiện khó khăn: Đây là triệu chứng điển hình nhất của táo bón. Người bệnh phải rặn nhiều, phải sử dụng đến sự co bóp của cả cơ bụng, cơ hoành để tống phân ra ngoài. Phân rắn, phân nhỏ  thành nhiều cục, được mô tả như phân dê. Đối với những trường hợp táo bón lâu dài, phải sử dụng biện pháp hỗ trợ như: móc phân, thụt tháo phân mới ra ngoài được.
  • Đi ngoài ra máu tươi: tình trạng này xảy ra do người bệnh phải rặn nhiều gây xây xát ống hậu môn. Đây là dấu hiệu nhận biết táo bón nặng. Ngoài máu tươi ra, có thể lẫn cả chất nhầy. 
  • Đau bụng: Táo bón thường xuyên kèm theo với triệu chứng đau bụng, cảm giác nặng ở phần bụng dưới, có trường hợp đau dữ dội, quằn quại, bụng căng do chướng hơi. 
  • Ngoài những triệu chứng tại cơ quan tiêu hóa, ghi nhận những trường hợp có rối loạn toàn thân như: mất ngủ, nhức đầu, hồi hộp đánh trống ngực, ăn kém ngon. 
Táo bón khiến người bệnh đi đại tiện khó khăn
Táo bón khiến người bệnh đi đại tiện khó khăn - Ảnh: Freepik

Nguyên nhân gây táo bón 

Một người bị táo bón có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân kết hợp gây ra. Một số nguyên nhân do bệnh lý ở cơ quan khác  gây táo bón, khiến cho bệnh rất dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác. 

  • Yếu tố tâm lý: khi đi du lịch ngại đi vệ sinh, nhiều người có xu hướng nhịn đại tiện; hoặc người bị trầm cảm, lạm dụng tình dục cũng gây ra táo bón. 
  • Dinh dưỡng: lượng chất xơ trong khẩu phần ăn không đủ, uống không đủ nước kéo dài. 
  • Thuốc: sử dụng thuốc trầm cảm, thuốc phiện, các loại thuốc ảnh hưởng đến thần kinh làm rối loạn nhu động đường ruột, mất cảm giác buồn đại tiện. 
  • Nghề nghiệp: ngồi lâu, ít vận động 
  • Bệnh ở đường tiêu hóa như: khối u đại tràng gây cản trở đường thoát của phân, bệnh to đại tràng bẩm sinh (bệnh Hirschsprung), viêm đại tràng, dày dính đại tràng sau mổ. 
  • Bệnh toàn thân gây táo bón: suy giáp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường...
Vận động ít là nguy cơ gây táo bón
Công việc ít vận động khiến nhiều người có dấu hiệu táo bón - Ảnh: Freepik

Xét nghiệm chẩn đoán táo bón 

Táo bón được chẩn đoán khá dễ dàng dựa vào những biểu hiện lâm sàng mà người bệnh cung cấp. Chính vì vậy, những xét nghiệm được chỉ định làm chủ yếu nhằm mục đích xác định nguyên nhân táo bón do tổn thương thực thể đường tiêu hóa hay chỉ là triệu chứng cơ năng gây ra bởi thói quen về dinh dưỡng, tâm lý,... 

Bác sĩ sau khi hỏi bệnh, định hướng đến nguyên nhân nào thì sẽ đề xuất những xét nghiệm cận lâm sàng để khảo sát, ví dụ như: 

  • Chụp khung đại tràng và nội soi đại tràng để loại trừ tắc nghẽn đường  tiêu hóa 
  • Chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ tiểu khung (vùng chậu): loại trừ nguyên nhân táo bón do u, lồng ruột, tắc ruột. 
  • Test đánh giá chức năng đại tràng: đo vận động trực tràng, đo trương lực cơ vòng hậu môn, đo tốc độ vận chuyển phân. Test này giúp đánh giá chức năng thần kinh ống tiêu hóa có bất thường không, loại trừ táo bón do nguyên nhân tổn thương hệ thần kinh chi phối. 
  • Một số xét nghiệm máu: canxi, điện giải đồ, đo nồng độ hormon tuyến giáp  để loại trừ suy giáp (FT4, TSH) 

Đối với những trường hợp có dấu hiệu liên quan đến rối loạn tâm lý như: trầm cảm, chứng ăn quá độ,… người bệnh cần được kiểm tra sức khỏe tâm thần, các bài test tâm lý để chẩn đoán bệnh 

Điều trị táo bón như thế nào?

Tùy theo từng nguyên nhân gây táo bón mà có biện pháp điều trị khác nhau, thời gian đáp ứng và phục hồi cũng khác nhau giữa mỗi người. Tuy nhiên, nguyên tắc chung của điều trị táo bón là:

  • Điều trị triệu chứng táo bón
  • Trường hợp tìm được nguyên nhân thì phải giải quyết nguyên nhân gây táo bón (khối u, sa trực tràng, suy giáp, tăng calci máu,...). 

Điều trị triệu chứng táo bón có thể dùng thuốc, nhưng về lâu dài, bác sĩ hướng đến mục tiêu thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt kết hợp với dinh dưỡng hợp lý để giúp thay đổi cấu trúc phân và số lần đại tiện. 

Chế độ ăn được các bác sĩ khuyến cáo nên áp dụng đối với người bị táo bón là: ăn nhiều chất xơ, nhiều hoa quả, uống nhiều nước, hạn chế đồ cay nóng, rượu bia; kết hợp với việc thay đổi thói quen sinh hoạt, đi đại tiện đúng giờ, không nhịn; tập thể dục, năng vận động, khỏe các cơ vùng chậu tạo thuận lợi cho thúc đẩy tiêu hóa. 

Ngoài các biện pháp hỗ trợ trên, tùy theo mức độ nặng của táo bón, bác sĩ sẽ chỉ định kết hợp thuốc điều trị cho người bệnh, nhanh chóng cải thiện triệu chứng. Một số loại thuốc nhuận tràng hay dùng: 

  • Thuốc nhuận tràng tăng tạo khối lượng phân
  • Thuốc bôi trơn trực tràng
  • Thuốc nhuận tràng kích thích
  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu

Nhìn chung, các thuốc nhuận tràng được khuyến cáo không nên sử dụng kéo dài mà nên dùng ngắt quãng và luân phiên các loại thuốc nhuận tràng nếu bắt buộc phải sử dụng kéo dài. Việc sử dụng thuốc nhuận tràng nên được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ. 

Đối với trường hợp nguyên nhân gây ra táo bón do bất thường như: khối u đại trực tràng, khối u bên ngoài chèn ép vào đường tiêu hóa, tắc ruột, dính ruột,.... cần phải được đánh giá bởi bác sĩ ngoại tiêu hoá và có chỉ định phẫu thuật khi cần thiết. 

Bổ sung chất xơ cho người táo bón
Chế độ ăn nhiều chất xơ tốt cho người bị táo bón - Ảnh: Freepik 

Biến chứng của táo bón 

Nhiều người vẫn rất chủ quan không điều trị sớm, để táo bón kéo dài. Việc này không những ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày mà còn nguy cơ gây tổn thương thực thể đường tiêu hóa. 

Chúng ta đều biết rằng, phân là chất thải của cơ thể, mang nhiều vi khuẩn, mầm mống bệnh tật. Khi phân bị ứ đọng trong đường tiêu hóa quá lâu, vi khuẩn sẽ tấn công làm phá hủy hàng rào bảo vệ ống tiêu hóa, gây viêm nhiễm, chảy máu niêm mạc đại tràng, tiềm ẩn tác nhân ung thư. 

Bên cạnh đó, táo bón kéo dài còn là nguyên nhân phổ biến dẫn đến trĩ nội, trĩ ngoại, nứt kẽ hậu môn, sa trực tràng. Phân tích tụ ở đại tràng lâu, kích thước khối phân lớn khiến người bệnh rặn quá mức, làm lớp niêm mạc hậu môn bị lỏng lẻo và có xu hướng bị đẩy ra ngoài cùng với phân. Táo bón để càng lâu, trĩ càng nặng gây thêm nhiều bất tiện cho người bệnh.  

Những tưởng táo bón chỉ là triệu chứng tiêu hóa đơn giản, nhưng nếu để táo bón kéo dài, người bệnh có thể đối diện với nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác về đường tiêu hóa. Táo bón không phải là triệu chứng nguy hiểm nhưng nó có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh lý ác tính nào đó, đặc biệt là ở người >50 tuổi. 

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết