Xét nghiệm HDL cholesterol là phương pháp đo lường lượng lipoprotein có vai trò quan trọng trong việc loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi mạch máu nhằm ngăn chặn khả năng xơ vữa động mạch.
Mục đích của của xét nghiệm HDL cholesterol
Cholesterol HDL (hay cholesterol “tốt”) có tác dụng loại bỏ lượng mỡ dư thừa khỏi mạch máu trở lại gan để tiêu thụ hoặc loại bỏ khỏi cơ thể. Người nhiều cholesterol “tốt” thường có nguy cơ thấp hơn mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và động mạch vành. Nếu mức cholesterol HDL quá thấp có thể ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển cholesterol, dẫn đến tích tụ và hình thành các mảng bám trong thành mạch.
Kết quả xét nghiệm HDL cholesterol được sử dụng để chẩn đoán tình trạng sức khỏe tim mạch. Tỷ lệ giữa lượng HDL và cholesterol toàn phần trong máu cho phép bác sĩ xác định tỷ lệ giữa HDL và cholesterol không chứa HDL.
Dựa vào báo cáo xét nghiệm, bác sĩ có thể biết được sự tương đối giữa lượng cholesterol tốt và xấu, từ đó đưa ra những kết luận về sức khỏe hoặc áp dụng các phương pháp điều chỉnh nồng độ HDL phù hợp.
Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm HDL cholesterol
Xét nghiệm Cholesterol HDL thường khuyến khích cho các đối tượng như:
- Những người có nguy cơ cao mắc các bệnh về bệnh tim mạch hoặc có tiền sử gia đình từng mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao; những người thường xuyên hút thuốc lá, béo phì, tiểu đường hoặc đang mắc bệnh tim mạch.
- Những người trên 40 tuổi, đặc biệt là nam giới thường sử dụng chất kích thích, rượu bia,...
- Những người có các yếu tố nguy cơ khác như: lượng cholesterol cao, triglyceride cao, LDL cholesterol cao; người mắc các bệnh như gan nhiễm mỡ, sử dụng rượu bia thường xuyên, chế độ sinh hoạt, ăn uống không điều độ…
Tần suất thực hiện xét nghiệm HDL cholesterol
Là một xét nghiệm sàng lọc, vì vậy không có một khuyến nghị cụ thể về tần suất thực hiện xét nghiệm HDL cholesterol. Nói chung, việc sàng lọc nên thực hiện sớm với những trường hợp có nguy cơ cao như: huyết áp cao, hút thuốc lá, tiểu đường hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tim,... xét nghiệm HDL cholesterol có thể được khuyến nghị thực hiện thường xuyên hơn.
Nhìn chung, việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc HDL cholesterol được đề xuất thực hiện cho nhóm đối tượng từ 9 đến 11 tuổi và có thể thực hiện xét nghiệm lần 2 vào khoảng 17 - 21 tuổi. Đối với những đối tượng có nguy cơ suy giảm nồng độ HDL cholesterol ở độ tuổi này nên thực hiện xét nghiệm định kỳ 1 - 3 năm/lần để theo dõi.
Những người trưởng thành từ 22 tuổi nên thực hiện xét nghiệm ít nhất 5 năm/lần hoặc thường xuyên hơn nếu xuất hiện các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số HDL. Đối với nam giới từ 45 đến 65 tuổi và phụ nữ từ 50 đến 65 tuổi nên thực hiện xét nghiệm 1 -2 năm/lần và nên làm kiểm tra cholesterol HDL hàng năm với người trên 65 tuổi.
Quy trình xét nghiệm HDL cholesterol
Xét nghiệm cholesterol HDL là một phần của xét nghiệm lipoprotein. Người làm xét nghiệm được lấy một mẫu máu từ tĩnh mạch bằng ống kim tiêm. Kết quả xét nghiệm thường được báo cáo dưới dạng cholesterol HLD đo bằng đơn vị mg/dL.
Các yếu tố ảnh hưởng đến cholesterol HDL
- Các yếu tố như thức ăn, đồ uống, thuốc men và tình trạng sức khỏe có thể ảnh hưởng đến lượng HDL cholesterol trong cơ thể khiến kết quả xét nghiệm không được chính xác.
- Mức độ HDL có thể thay đổi theo độ tuổi, càng lớn tuổi mức độ HDL cholesterol càng giảm do sự thay đổi trong chế độ ăn uống, sinh hoạt và quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
- Giới tính cũng ảnh hưởng đến lượng HDL cholesterol. Nữ giới thường có mức độ HDL cao hơn nam giới, tuy nhiên sau thời kỳ mãn kinh do sự thay đổi của hormone estrogen có thể khiến nồng độ HDL giảm xuống thấp hơn nam giới.
Xét nghiệm HDL cholesterol là xét nghiệm cung cấp thông tin về lượng cholesterol có trong huyết thanh. Để biết thêm về chất lượng hay hoạt động của HDL cholesterol cũng như các yếu tố khác, người làm xét nghiệm có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để thực hiện bổ sung các xét nghiệm mỡ máu phù hợp.