Top dấu hiệu bị lẹo mắt đáng chú ý
dấu hiệu bị lẹo mắt đáng chú ý
Lẹo mắt tái đi tái lại có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống - Ảnh: BookingCare

Top dấu hiệu bị lẹo mắt đáng chú ý

Tác giả: - Xuất bản: 18/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Lẹo mắt trông giống như một “mụn nhọt” ở ngay gốc lông mi : sưng, nóng, đỏ, đau và hóa mủ sau 3-5 ngày. Lẹo thường tự vỡ mủ vào ban đêm và có thể tự khỏi nhưng sẽ để lại sẹo xấu và hay tái phát.

Nguyên nhân khiến bạn bị lên lẹo đó là tình trạng viêm, nhiễm trùng, các nang lông mi ở mắt,... Bệnh thường tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh đúng cách (rửa mắt bằng nước muối, không tự ý nặn mủ ở lẹo...).

Dưới đây sẽ là những dấu hiệu lẹo mắt đáng chú ý để người bệnh có thể kịp thời nhận biết, từ đó có cách điều trị đúng đắn, tránh tình trạng nhiễm trùng tỏa lan hoặc tái phát kéo dài.

Top dấu hiệu bị lẹo mắt đáng chú ý

Lẹo mắt là chứng viêm cấp tính, thường do một loại cầu khuẩn (liên cầu, tụ cầu) xâm nhập vào tuyến chân lông mi.

Khi lẹo mới mọc, mi mắt sưng nhẹ, hơi đỏ, ngứa, đau (đặc biệt khi ấn vào hoặc khi chớp mắt), tiếp đó ở chỗ đau nổi lên một khối rắn to cỡ hạt gạo.

Sau 3 đến 5 ngày, lẹo bên ngoài sẽ khu trú vào bờ mi. Có thể kèm theo chảy nước mắt, sợ ánh sáng và cộm. Thông thường, một mụn mủ màu vàng nhỏ phát triển ở ngay chân của lông mi và khi đó sẽ ấn sẽ mềm hơn.

Sau đó, tổn thương có thể vỡ và giải phóng mủ, đỡ đau dần khỏi. Nhưng có thể lại tái phát ở một chân lông mi khác.

Lẹo rất hay tái phát, lẹo mắt có thể lây lan từ vị trí này sang vị trí khác, mi này sang mi khác, có khi thành “chùm” gây sưng to cả mi mắt và phù nề kết mạc. Nhất là khi lẹo tự vỡ, mủ không được giải phóng ra hết.

Nếu mụn lẹo không thoái triển trong vài ngày sau khi chườm ấm hoặc tiếp tục tái phát mặc dù đã được điều trị, mọi người nên đến gặp bác sĩ. Một số dấu hiệu dưới đây cảnh báo người bị lẹo mắt nên đi khám:

  • Lẹo mắt trở nên trầm trọng hơn, sau 3-5 ngày không khu trú mà sưng tấy lan tỏa
  • Có tình trạng chảy máu
  • Bắt đầu ảnh hưởng đến thị lực
  • Lẹo mắt phát triển che khuất tầm nhìn của mắt
  • Có mẩn đỏ ở má hoặc sưng tấy tỏa lan đến các bộ phận khác của khuôn mặt

Các dạng lẹo mắt phổ biến

Dựa trên vị trí mọc, lẹo mắt thường được phân loại như sau:

  • Lẹo góc trong hoặc góc ngoài mi
  • Lẹo mi trên hoặc mi dưới 
  • Lẹo một ổ hoặc nhiều ổ (Đa lẹo): tức là có rất nhiều đầu lẹo trên một mi hay cả hai mi, thậm chí hai mắt.

Lẹo mắt và đặc biệt là tình trạng lẹo tái đi tái lại có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của bạn. Việc nhận biết các dấu hiệu lẹo mắt và chẩn đoán kịp thời, cùng với việc áp dụng các phương pháp điều trị đúng cách, sẽ giúp bạn khắc phục vấn đề này một cách hiệu quả.

Hãy luôn chú ý đến sức khỏe mắt và tham khảo ý kiến chuyên gia khi cần thiết.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết