Lẹo mắt: Triệu chứng, nguyên nhân, cách chữa lẹo mắt tại nhà
lẹo mắt
Lẹo mắt là tình trạng sưng đau và gây khó chịu cho người mắc - Ảnh: BookingCare

Lẹo mắt: Triệu chứng, nguyên nhân, cách chữa lẹo mắt tại nhà

Tác giả: - Xuất bản: 18/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Lẹo mắt là bệnh lý phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh cũng rất dễ tái phát nếu không tìm được nguyên nhân và được chăm sóc đúng cách.

Một trong những vấn đề liên quan đến mắt mà nhiều người gặp phải là lẹo mi mắt. Lẹo mi mắt là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính của tuyến bờ mi, gây ra các triệu chứng mi vướng, đau nhức mi mắt. Mặc dù lẹo mắt thường không nghiêm trọng nhưng có thể gây khó chịu và đau đớn. 

Trong bài viết này, BookingCare sẽ cùng bạn tìm hiểu về triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và cách chăm sóc lẹo mắt đúng cách, hiệu quả.

Triệu chứng bệnh lẹo mắt

Khi lẹo mới mọc, mi mắt sưng nhẹ, hơi đỏ, ngứa, đau. Sau đó triệu chứng đau và sưng nề mi tăng dần, nếu không điều trị có thể tiến triển thành một ổ áp xe ở mi mắt. 

Một số trường hợp khi lẹo rút đi có thể để lại một khối xơ và chất bã trong sụn mi, gồ lên trên da mi, sờ vào thấy rắn (gọi là chắp). 

Ngoài ra kết mạc có thể bị viêm đỏ, mắt kích thích chảy nước mắt Có hai loại lẹo là lẹo trong và lẹo ngoài. Tuy nhiên biểu hiện lâm sàng của hai loại lẹo trên là tương tự nhau.

  • Lẹo ngoài: là nhiễm trùng các tuyến ở mi (phần mi trước)
  • Lẹo trong:  nhiễm trùng tuyến Meibomius (tuyến nằm trong sụn mi, tiết ra thành phần lipid của phim nước mắt).

Trong vòng từ 2 đến 4 ngày, tổn thương vỡ và giải phóng mủ sau đó đau đỡ dần và tổn thương dần hồi phục. Nếu lẹo vỡ ra ở da mi có thể để lại sẹo.

Nguyên nhân bệnh lẹo mắt

Lẹo mắt là tình trạng viêm và nhiễm trùng các tuyến ở mi, các vi khuẩn hay gây lẹo là tụ cầu da, tụ cầu vàng, liên cầu, P. acnes,....

Bất kỳ ai cũng có thể bị lẹo ở mắt, nhưng có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này bao gồm:

  • Những người đã từng bị lẹo mắt hoặc nấm da trong trước đó có nhiều khả năng tái phát
  • Một số tình trạng ở da nhất định - như bệnh rosacea ( trứng cá đỏ) hoặc viêm da
  •  Đái tháo đường
  • Sử dụng lớp trang điểm cũ hoặc không tẩy trang ở mắt thường xuyên.
  • Sử dụng nhiều các thiết bị kỹ thuật số gây khô mắt
  • Không vệ sinh sạch vùng da quanh mắt thường xuyên
  • Uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá
  • Thức khuya

Chẩn đoán bệnh lẹo mắt

Để chẩn đoán bệnh lẹo mắt, bác sĩ thường tiến hành kiểm tra lâm sàng và dựa vào triệu chứng hiện diện. Bác sĩ cũng có thể lấy mẫu dịch tiết từ mi mắt để xác định tác nhân gây nhiễm trùng.

Hình ảnh một trường hợp bị lẹo mắt
Hình ảnh một trường hợp bị lẹo mắt - Ảnh: Canva

Phương pháp điều trị lẹo mắt

Đa số trường hợp lẹo mắt tự giảm đi sau một vài ngày hoặc một tuần mà không cần điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, để giảm triệu chứng và tăng tốc quá trình điều trị lẹo mắt, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

  • Chườm ấm: Hãy dùng khăn, gạc sạch nhúng vào nước nóng, vắt khô. Đặt nhẹ nhàng vào chỗ lẹo tầm 5-7 phút/ 3-4 lần/ngày. Điều này giúp giải phóng tuyến sụn mi bị tắc nghẽn và làm sạch chất tiết vàng.
  • Rửa mắt: Hàng ngày, bạn nên nhỏ nước muối sinh lý (loại dùng cho mắt) để làm sạch mi mắt.

Trong trường hợp lẹo không giảm đi sau một tuần, gây đau, khó nhìn hoặc triệu chứng trở nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Nếu mủ nhiều, gây căng tức mắt, thậm chí khó chịu không nhìn thấy gì thì buộc phải dùng thủ thuật là rạch thoát mủ ở lẹo. Bác sĩ sẽ khám, rạch bằng dao mổ, kim tiêm vô trùng để tránh nhiễm trùng hoặc lây nhiễm sang mắt còn còn, tránh để bệnh nặng hơn.

Sau thủ thuật này, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê đơn một vài loại kháng sinh, chống viêm để điều trị nhiễm trùng.

Chăm sóc lẹo mắt tại nhà

Dưới đây là một số lưu ý để chăm sóc lẹo mắt tại nhà giúp bệnh nhanh lành và tránh tái phát, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Không trang điểm mắt cho đến khi mụn lẹo ở mí mắt đã lành hẳn
  • Nên để cho những lẹo trên mí mắt tự vỡ, tuyệt đối không được ép hoặc nặn chúng.
  • Hãy rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, nhất là trước khi chạm tay vào mắt hoặc trước khi tra thuốc mỡ cho mắt hay tra thuốc nhỏ mắt. Các thuốc này phải được giữ gìn sạch sẽ, lọ thuốc mới sử dụng (không dùng thuốc dùng dở và để lâu), không để thuốc chạm vào mắt, mí mắt.
  • Tránh gãi hoặc chà xát vào vùng lẹo, bởi việc này có thể làm tổn thương mắt và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. 
  • Để chống nhiễm khuẩn lan rộng, bác sĩ chuyên khoa khuyên bệnh nhân không nên trang điểm hay đeo kính tiếp xúc khi đang điều trị chắp lẹo.

Phòng ngừa tránh lẹo mắt tái phát

Phòng ngừa chắp lẹo liên quan đến vệ sinh mắt, dinh dưỡng, thay đổi thói quen sinh hoạt.

  • Bệnh nhân đái tháo đường cần khống chế đường huyết tốt, chống nhiễm trùng phụ trên toàn thân.
  • Bệnh nhân có viêm bờ mi, viêm da nói chung cần có giấy vệ sinh, gel vệ sinh riêng cho vùng mắt và bờ mi.
  • Hạn chế đồ ăn cay nóng vì nó có thể kích thích mi mắt và làm tăng nguy cơ lẹo mắt.
  • Không dùng chung vật dụng với người khác, nhất là vật có tác động đến mắt làm tăng nguy cơ nổi lẹo như mỹ phẩm, cọ trang điểm mắt, khăn, kính mát hoặc các vật dụng cá nhân khác, đặc biệt là với những người đang bị lẹo hoặc có tiền sử bị lẹo.
  • Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử, tránh thức khuya. Có chế độ làm việc và nghỉ ngơi phù hợp.

Trên đây là những thông tin về bệnh lẹo mắt mà bạn đọc cần biết. Nhìn chung, lẹo mắt không phải bệnh nguy hiểm tuy nhiên lại rất dễ tái phát. Để tránh lẹo mắt tái phát, việc giữ gìn vệ sinh mắt, thay đổi thói quen sinh hoạt là cần thiết.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết