Cách chữa lẹo mắt và phòng ngừa bệnh đúng cách
Cách chữa lẹo mắt và phòng ngừa bệnh đúng cách
cách chữa lẹo mắt
Chữa lẹo mắt không quá khó khăn hay phức tạp tuy nhiên cần lưu ý một số nguyên tắc - Ảnh: BookingCare

Cách chữa lẹo mắt và phòng ngừa bệnh đúng cách

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 18/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
Lẹo rất hay tái phát, có thể xuất hiện ở một hoặc hai mi, có trường hợp bị cả bốn mi. Trường hợp nặng có thể gây viêm kết mạc và viêm tổ chức hốc mắt. Chữa lẹo mi mắt và phòng ngừa đúng cách là biện pháp hữu hiệu tránh bệnh tái phát.

Lẹo mắt là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính tuyến của mi mắt. Nguyên nhân gây lẹo chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn  tuyến của mi mắt, các vi khuẩn thường gặp là: tụ cầu da, tụ cầu vàng, liên cầu, P. acnes.

Cách chữa lẹo mắt phổ biến hiện nay là chườm ấm và chích lẹo với những trường hợp lâu khỏi hơn. Ngoài ra, việc phòng ngừa lẹo mắt cũng rất quan trọng để tránh tái phát và bảo vệ sức khỏe mắt của bạn.

Cách chữa lẹo mắt đúng cách

Lẹo mi mắt là một bệnh khá phổ biến của mắt. Việc chữa trị lẹo mắt đúng cách là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho mắt. 

Chườm ấm

Thông thường lẹo tự mất sau một vài ngày hay một tuần mà không cần điều trị đặc hiệu. Trường hợp lẹo hoá mủ sẽ tự vỡ ra sau 3-5 ngày đó các triệu chứng tại chỗ giảm đi.

Chườm ấm là một biện pháp đơn giản và hiệu quả để giảm triệu chứng lẹo mắt khi lẹo mới bắt đầu. Bạn có thể đắp lên vùng bị lẹo mi mắt khăn ấm trong khoảng 10 đến 15 phút, 3-5 lần mỗi ngày. Điều này giúp giải phóng tuyến chân lông mi bị tắc nghẽn và giảm sưng đau.

Đồng thời, hàng ngày nhỏ mắt, rửa mắt bằng nước muối sinh lý (loại dùng cho mắt).

Lưu ý: Không nên nặn mụt lẹo, vì sẽ làm cho nó bị viêm nhiều hơn, bội nhiễm thêm vi khuẩn và bệnh sẽ nặng hơn, chỉ nên chườm ấm để đẩy nhanh quá trình chữa bệnh.

Chích lẹo

Trong trường hợp mụn lẹo có dấu hiệu như to, hoá mủ, không hết sau 1 tuần, tiết nước mắt nhiều, mụn gây đau, khó chịu… cần đến khám bác sĩ để được điều trị thích hợp.

Bác sĩ sẽ gây tê, chích rạch mụn lẹo lấy mủ ra. Người bệnh có thể tra, nhỏ thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thường là các thuốc kháng sinh, kháng viêm… như polymyxin (thuốc có tác dụng diệt khuẩn, trị mụn lẹo ở mắt hiệu quả) hoặc trong trường hợp người bệnh bị đau do mụn lẹo hoặc do chích rạch có thể dùng thêm thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen…

Với lẹo mắt tái phát nhiều lần, các bác sĩ có thể gửi đi làm xét nghiệm giải phẫu bệnh nhằm loại trừ những bệnh lý nghiêm trọng hơn như ung thư tuyến sụn mi.

Phòng tránh lẹo mắt

Sau khi chữa khỏi lẹo mắt, để phòng tránh bệnh tái phát, dưới đây là một số lưu ý bạn đọc có thể tham khảo:

  • Rửa tay thường xuyên: Hãy rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi chạm tay vào mắt. Việc vệ sinh tay sạch sẽ giúp tiêu diệt nguy cơ sản sinh vi khuẩn gây lẹo mắt.  Vệ sinh vùng da mi sạch sẽ.
  • Tránh dùng tay dụi mắt: Vi khuẩn từ tay có thể xâm nhập vào mắt và gây nhiễm trùng. Vì vậy, hạn chế việc dùng tay dụi mắt hoặc chà mắt. Ngay cả khi tay đã sạch, việc này vẫn có thể gây kích ứng mắt.
  • Không dùng chung vật dụng cá nhân: Đặc biệt là những vật dụng có tác động đến mắt như mỹ phẩm, cọ trang điểm mắt, khăn, kính mát và các vật dụng cá nhân khác. Điều này giúp giảm nguy cơ nổi lẹo và lây nhiễm từ người khác. 
  • Đeo kính bảo vệ: Trong môi trường bụi bẩn, ô nhiễm,... hãy đeo kính râm hoặc các loại kính bảo vệ khác để bảo vệ đôi mắt khỏi các tác động từ môi trường
  • Có lối sống và thói quen làm việc lành mạnh: hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, hạn chế làm việc với các thiết bị kỹ thuật số, tránh thức khuya, tập luyện nâng cao thể trạng, có chế độ ăn cân bằng.

Nhìn chung, chữa lẹo mắt không quá khó khăn hay phức tạp. Tuy nhiên không nên chữa lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo hướng dẫn, vì những phương pháp này dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp, những tổn thương này đều tồn tại dai dẳng, khó chữa trị.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết