Top triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
Top triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật
Triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật - Ảnh: BookingCare

Top triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Sản phẩm của: BookingCare
Xuất bản: 04/12/2023 | Cập nhật lần cuối: 04/12/2023
Triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật có thể gặp ở một hoặc nhiều cơ quan, với nhiều chẩn đoán khác nhau tùy theo chuyên khoa mà người bệnh đến khám.

Hệ thần kinh thực vật có vai trò cực kỳ quan trọng cho hoạt động của cơ thể. Hệ thần kinh thực vật hoạt động độc lập với sự chỉ huy theo ý chí của con người. Chức năng của nó như trung tâm chỉ huy, kiểm soát hoạt động vô thức, điều chỉnh các hoạt động của cơ quan nội tạng cơ thể như nhịp tim, hô hấp, tiêu hóa, tiểu tiện và kích thích tình dục…

Hệ thần kinh thực vật gồm hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Rối loạn thần kinh thực vật chính là sự mất cân bằng giữa 2 hệ thống này. Cùng tìm hiểu về triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật với BookingCare trong bài viết dưới đây.

Top triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Triệu chứng của bệnh có thể gặp ở một hoặc nhiều cơ quan, với nhiều chẩn đoán khác nhau tùy theo chuyên khoa mà người bệnh đến khám. Các triệu chứng trên các hệ cơ quan như:

Hệ thần kinh: Các triệu chứng này rất dễ nhầm sang chẩn đoán rối loạn vận mạch não, rối loạn tuần hoàn máu não.

  • Đau đầu hoặc đau nửa đầu (cảm giác nặng đầu, tê rần cả đầu hoặc châm chích)
  • Choáng váng (cảm giác bồng bềnh khi bước đi hoặc khi đứng, như muốn té tuy nhiên không bị té)
  • Giảm trí nhớ, hay quên...

Hệ tim mạch: Tim đập nhanh, hồi hộp, cảm giác đánh trống ngực có từng cơn kéo dài 10-30 phút; tăng hoặc hạ huyết áp; có thể ngất xỉu... có thể dễ nhầm sang chẩn đoán rối loạn thần kinh tim.

Hệ tiêu hóa: Khô miệng; buồn nôn và nôn; đau vùng thượng vị, vùng bụng; rối loạn tiêu hóa... thường được chẩn đoán ở nhóm bệnh lý liên quan đến dạ dày như trào ngược dạ dày- thực quản, viêm dạ dày do các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật ở dạ dày rầm rộ và khiến người bệnh lo lắng, căng thẳng.

Hệ tiết niệu: Bí tiểu; tiểu không tự chủ; tiểu nhiều lần; tiểu đêm... Có thể được chẩn đoán nhiễm khuẩn tiết niệu.

Hệ hô hấp: Khó thở, tăng khi căng thẳng; cảm giác nặng ngực; co thắt cơ phế quản… Có thể được chẩn đoán nhầm sang hen (phân biệt bằng đo hô hấp kí).

Các triệu chứng ở cơ quan khác:

  • Thân nhiệt (tăng hoặc giảm thân nhiệt, ớn lạnh)
  • Vã mồ hôi nhiều ở tay, chân, lưng, bụng,... ra mồ hôi tăng khi căng thẳng
  • cơ - xương khớp (buồn bực, bồn chồn, giật cơ, cảm giác mỏi các khớp)
  • Rối loạn chức năng cương và xuất tinh, khô âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, tiết dịch bất thường âm đạo)
  • Giãn mạch da, đỏ mặt, khô da
  • Lông tóc móng (rụng tóc, móng dễ gãy, móng bất thường)

Các triệu chứng tâm thần:

  • Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ như ác mộng, ngủ chập chờn, dễ thức giấc; hay mệt mỏi, cảm giác cạn kiệt năng lượng; lo lắng, bồn chồn, suy nghĩ nhiều
  • Chậm chạp hoặc phản ứng quá mức với các kích thích: Dễ cáu giận, thờ ơ, không muốn làm gì… Các triệu chứng này cũng rất dễ nhầm sang chẩn đoán rối loạn lo âu - trầm cảm, rối loạn dạng cơ thể, rối loạn thần kinh tự trị, rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn thần kinh thực vật có thể gặp ở bất kỳ ai, nhưng nguy cơ lớn nhất là ở những người có rối loạn tâm lý, người mắc các bệnh tự miễn, hội chứng Guillain Barré, người đang sử dụng các thuốc hướng thần kinh; người nghiện rượu,...

Đặc biệt, người bệnh đái tháo đường là yếu tố nguy cơ và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn thần kinh thực vật, dần dần có thể gây tổn thương thần kinh khắp cơ thể.

Việc điều trị rối loạn thần kinh thực vật là điều trị triệu chứng dựa theo nguyên nhân gây bệnh, có thể cần điều trị lâu dài. Bạn đọc quan tâm về chủ đề rối loạn thần kinh thực vật có thể theo dõi và đón đọc những bài viết tiếp theo trên website BookingCare.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết
Trợ lý AI BookingCare