Hỗ trợ

Nội dung chính

Trầm cảm - 9 hiểu lầm thường gặp

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần trầm cảm thường gặp và được nhắc đến nhiều. Vì vậy, BookingCare đã tổng hợp và làm rõ một số điều được nhiều người nhắc đến về trầm cảm trong nội dung dưới đây.

BookingCare là Nền tảng Y tế chăm sóc sức khỏe toàn diện hàng đầu Việt Nam kết nối người dùng với trên 200 bệnh viện - phòng khám uy tín, hơn 1,500 bác sĩ chuyên khoa giỏi và hàng nghìn dịch vụ, sản phẩm y tế chất lượng cao.
Có rất nhiều hiểu lầm về rối loạn trầm cảm - Ảnh: freepik.com

Trầm cảm là một trong những rối loạn phổ biến trong nhóm các rối loạn tâm lý, tâm thần. Nhưng cũng chính vì vậy, có rất nhiều hiểu lầm xung quanh rối loạn này, những người mắc trầm cảm cũng vướng phải không ít định kiến từ những người thân và người xung quanh.

Vậy những hiểu làm đó là gì và thực tế là như thế nào, BookingCare mời bạn đọc cùng tham khảo nội dung dưới đây.

9 hiểu lầm thường gặp về Rối loạn trầm cảm

1. Trầm cảm không phải rối loạn thực sự

Có rất nhiều người cho rằng trầm cảm chỉ là buồn bã hay là tính cách yếu đuối. Nhưng thực sự trầm cảm là một dạng rối loạn sức khỏe tâm lý phức tạp dễ nhầm lẫn với sự buồn phiền thông thường. Đây là một bệnh y khoa và nguyên nhân hàng đầu gây mất khả năng làm việc ở người trưởng thành Mỹ.

Các bằng chứng về trầm cảm có thể được nhìn thấy qua phương pháp quét não - phương pháp thể hiện các mức độ hoạt động bất thường. Thông thường, sự mất cân bằng các chất hóa học trong não được tìm thấy ở những người trầm cảm. Trầm cảm bắt nguồn từ khía cạnh xã hội, tâm lý và sinh lý, và nó có thể được điều trị theo nhiều cách.

Nếu bạn nghĩ mình đang mắc trầm cảm, hãy đến gặp một bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe tâm thần để được trợ giúp.

2. Thuốc chống trầm cảm luôn luôn chữa khỏi trầm cảm

Theo chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, trầm cảm có thể điều trị được bằng một số phương pháp. 

Trong các phương pháp này thì thuốc chống trầm cảm thường được các bác sĩ chỉ định nhiều. Những loại thuốc này có thể thay đổi các chất hóa học trong não bộ, giúp giải quyết gốc rễ vấn đề sinh lý có thể góp phần gây ra trầm cảm.

Nhưng với nhiều người, chỉ riêng thuốc chống trầm cảm thì không đủ. Bác sĩ có thể giới thiệu thêm phương pháp tham vấn, trị liệu trị tâm lý. Việc kết hợp thuốc và tham vấn tâm lý là phương pháp điều trị thông dụng, được dùng phổ biến tại ngay cả Việt Nam và trên thế giới, đã được chứng minh mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn nếu chỉ dùng thuốc.

3. Bạn chỉ cần "thoát ra khỏi nó" mà thôi

Không ai chọn trầm cảm. Có nhiều người lầm tưởng rằng trầm cảm xảy ra khi bạn cho phép bản thân đắm chìm trong nỗi buồn. Họ nghĩ rằng trầm cảm có thể chữa khỏi với suy nghĩ tích cực hay thay đổi thái độ.

Thực tế thì trầm cảm không phải là dấu hiệu bản thân yếu đuối, đáng thương hay lười biếng. Đó là một tình trạng rối loạn với việc thay đổi các chất hóa học trong não bộ, chức năng và cấu trúc bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố môi trường và sinh lý. 

4. Trầm cảm xảy ra vì một tình huống đáng buồn

Mỗi người đều từng trải nghiệm qua suy nghĩ buồn bã hoặc không vui. Ví dụ như bạn có thể cảm thấy đau thương sau cái chết của người thân hay khi một mối quan hệ kết thúc. Những sự kiện này có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm, nhưng không phải lúc nào cũng gây ra trầm cảm. 

Trầm cảm có thể gây ra khoảng thời gian tuyệt vọng, buồn bã và thẫn thờ không thể giải thích được. Những giai đoạn này có thể kéo dài. Chúng có thể bỗng dưng trỗi dậy và không có lý do gì cả, ngay cả khi cuộc sống của bạn có vẻ ổn.

Buồn, stress, lo âu là những điều thường thấy ở rối loạn trầm cảm - Ảnh: freepik.com

5. Nếu ba mẹ bạn mắc trầm cảm, thì bạn cũng vậy

Nếu gia đình bạn có tiền sử mắc trầm cảm thì bạn có khả năng mắc trầm cảm cao hơn những người khác. Nhưng nếu bố mẹ hay người thân trong gia đình bạn mắc trầm cảm, không có nghĩa rằng bạn cũng sẽ mắc bệnh. Cho đến nay các chuyên gia không chắc chắn về mức độ ảnh hưởng của di truyền trong việc xác định nguy cơ mắc trầm cảm. 

Chú ý đến tiền sử bệnh lý gia đình là một điều tốt. Nhưng không nên lo lắng quá mức về các yếu tố nguy cơ mà bạn không kiểm soát được. Thay vào đó chú trọng những yếu tố mà bạn có thể làm để có một cuộc sống tích cực và sức khỏe tinh thần tốt hơn, ví dụ tránh lạm dụng cồn hay thuốc, luyện tập thể thao đều đặn giúp hạ thấp nguy cơ mắc trầm cảm.

6. Thuốc chống trầm cảm sẽ làm thay đổi tính cách bạn

Thuốc chống trầm cảm thay đổi các chất hóa học trong não, điều này nghe có vẻ đáng sợ. Bạn có thể lo lắng rằng bạn sẽ trở thành một người hoàn toàn khác khi bạn dùng thuốc.

Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm có thể giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm mà không thay đổi tính cách. Sau khi dùng những loại thuốc này, có rất nhiều người mắc trầm cảm bắt đầu cảm thấy là chính mình. Nếu bạn không thích cảm giác sau khi dùng thuốc chống trầm cảm, hãy nói chuyện với bác sĩ điều trị về những phương pháp chữa trị khác.

7. Bạn phải dùng thuốc chống trầm cảm cả đời

Thuốc chống trầm cảm cung cấp phương thức chữa trị lâu dài với nhiều người mắc trầm cảm. Nhưng khoảng thời gian dùng thuốc có thể khác nhau dựa trên mức độ nặng nhẹ của tình trạng và phác đồ điều trị.

Thuốc chỉ là một trong những cách được sử dụng để điều trị trầm cảm. Thực tế, các nghiên cứu cho rằng "liệu pháp trò chuyện" hiệu quả tốt như thuốc cho những trường hợp trầm cảm nhẹ đến trung bình. Nhiều trường hợp, bác sĩ có thể giới thiệu bạn thực hiện tham vấn, trị liệu tâm lý cùng với dùng thuốc. Trị liệu tâm lý có thể giúp bạn học những cách đối phó với các thử thách trong cuộc sống và làm giảm lượng thuốc bạn cần dùng qua một thời gian

8. Trầm cảm chỉ xảy ra ở phụ nữ

Vì những áp lực trong xã hội mà đa phần nam giới không cảm thấy thoải mái khi nói về những cảm xúc của họ hay nhờ sự trợ giúp từ người khác. Và hệ quả là có nhiều người lầm tưởng trầm cảm là rối loạn tâm lý chỉ xảy ra ở nữ giới.

Trên thực tế, trầm cảm hoàn toàn có thể xảy ra ở nam giới, thậm chí có thể ảnh hưởng và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhiều nam giới trầm cảm có thể tỏ ra dễ bực bội, giận dữ hay bồn chồn, họ thậm chí có thể đột nhiên trở nên bạo lực, hành vi liều lĩnh, uống rượu hay nghiện ngập.... Ngoài ra, tỷ lệ nam giới trầm cảm tự tử cao hơn ở nữ giới.

9. Trò chuyện khiến trầm cảm nặng thêm

Lầm tưởng thường thấy nhất đó là nói về trầm cảm chỉ làm tăng thêm cảm xúc sụp đổ và giữ bạn trong vòng suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Nhưng thực tế với nhiều người, khi một mình với những suy nghĩ, lo lắng trong cơn trầm cảm thường gây hại nhiều hơn là việc có thể nói ra và giải tỏa điều đó.

Khi nói chuyện với một người lắng nghe, không phán xét và đáng tin cậy có thể giúp đỡ rất nhiều cho người trầm cảm. Người thân của bạn có thể sẳn lòng lắng nghe, nhưng trong nhiều trường hợp thì chuyên gia tâm lý có bằng cấp có thể giúp bạn có được sự trợ giúp mà bạn cần. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trao đổi theo hướng dẫn với nhà chuyên môn có thể giúp mọi việc tốt hơn nhiều. Những hình thức trị liệu tâm lý khác nhau có thể giúp điều trị trầm cảm bằng cách giải quyết những kiểu suy nghĩ tiêu cực, cảm giác vô thức hay các trục trặc trong quan hệ. Bước đầu tiên bạn nên làm khi nghi ngờ mình hay người thân trầm cảm là trò chuyện với một bác sĩ sức khỏe tâm thần hoặc chuyên gia tâm lý.

Ngoài phương pháp trò chuyện, thì tập thể dục đều đặn, các bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cũng là một trong những cách giúp đẩy lùi trầm cảm.

Trên đây là những hiểu lầm thường gặp về trầm cảm. BookingCare mong rằng qua bài viết này bạn đọc sẽ có thêm hiểu biết về rối loạn tâm lý này và tìm được phương pháp điều trị, rèn luyện phù hợp.

Về nhóm tác giả cẩm nang

Đội ngũ xây dựng và phát triển nội dung Cẩm Nang

Thảo Hoàng

Phát triển Sản phẩm - 10 năm kinh nghiệm

Phương Nguyễn

Biên tập viên - 7 năm kinh nghiệm

Dung Phan

Sáng tạo nội dung - 5 năm kinh nghiệm

Chương Nguyễn

Sáng tạo nội dung - 9 năm kinh nghiệm

Bài viết nội dung trên Cẩm Nang được tạo ra như thế nào

Tìm hiểu thêm

Tài liệu tham khảo

https://beautifulmindvn.com/
https://vnexpress.net/

Bài viết có liên quan

Danh mục cẩm nang