Trị viêm da cơ địa như thế nào?

Tác giả: - Xuất bản: 15/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2024
Trị viêm da cơ địa như thế nào?
Trị viêm da cơ địa như thế nào? - Ảnh: BookingCare
Tham khảo ý kiến của bác sĩ xoay quanh vấn đề Trị viêm da cơ địa như thế nào trong bài viết dưới đây.

Trị viêm da cơ địa đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ phía bệnh nhân và cả gia đình. Đây là một tình trạng da liễu phổ biến và khó chữa, thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Các triệu chứng của viêm da cơ địa gây ra sự khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.

Trị viêm da cơ địa như thế nào?

Điều trị không dùng thuốc

Điều trị không dùng thuốc nhằm chăm sóc da tối ưu và giải quyết thương tổn của hàng rào bảo vệ da.

 Da dễ khởi phát viêm da cơ địa khi thiếu lipid tại lớp sừng (đặc biệt là ceramide) và "yếu tố giữ ẩm tự nhiên" (amino acid, acid béo, triglycerides), do vậy cần dùng dưỡng ẩm bổ sung các thành phần trên để duy trì độ ẩm cho da. 

Dưỡng ẩm cho da ít nhất hai lần một ngày bằng các sản phẩm phù hợp với tình trạng viêm da cơ địa của bệnh nhân. Các loại kem đặc có hàm lượng nước thấp (như thuốc mỡ) thường được sử dụng nhiều hơn, vì chúng có khả năng khoá ẩm, giảm mất nước qua da.

Hạn chế tiếp các tác nhân dị ứng như lông thú, xà phòng, hoá chất tẩy rửa, bụi, phấn hoa… vì nó có thể làm khởi phát và trầm trọng thêm tình trạng viêm da cơ địa.

Tắm nước ấm, không quá nóng hoặc quá lạnh, nhiệt độ < 36°C. Nếu dùng xà phòng thì chọn loại dịu nhẹ, ít bọt và không gây kích ứng (ít kiềm). Dùng dưỡng ẩm ngay sau khi lau khô người.

Người bệnh tránh chà xát da, không gãi khi ngứa.

Điều trị dùng thuốc

Điều trị viêm da cơ địa bằng thuốc giúp giải quyết triệu chứng và dự phòng tái phát bệnh.

Thuốc điều hoà miễn dịch tại chỗ (thuốc bôi) là các chất có tác dụng điều chỉnh (kích thích hoặc ức chế) đáp ứng miễn dịch cục bộ của da, từ đó làm giảm viêm và ngứa da. Thuốc điều trị viêm da cơ địa được chia thành hai loại chính gồm: Steroid và không steroid.

  •  Steroid được dùng nhiều nhất trong điều trị viêm da cơ địa. Loại có hoạt tính yếu (như desonide 0,05%; hydrocortisone 2,5% dạng thuốc mỡ) dùng cho trẻ nhỏ hoặc bệnh nhân mức độ nhẹ. Steroid  bôi tại chỗ nên được dùng 1 hoặc 2 lần mỗi ngày, trong vòng hai đến bốn tuần. 

  • Đối với bệnh nhân viêm da cơ địa mức độ trung bình, nên dùng steroid có hoạt tính mạnh hơn (ví dụ, fluocinolone 0,025%; triamcinolone 0,1%; betamethasone dipropionate 0,05%). Đặc biệt, những bệnh nhân nặng, cấp tính, có thể sử dụng steroid  hoạt tính rất mạnh trong tối đa hai tuần. Sau đó thay dần bằng loại có hoạt tính yếu hơn cho đến khi hết tổn thương. Da mặt và các nếp gấp khuỷu (hoặc đầu gối) là những vùng có nguy cơ cao bị teo da khi dùng steroid. Vì vậy, nên điều trị ban đầu ở những khu vực này bằng steroid  hoạt tính yếu.

  • Thuốc ức chế calcineutrine tại chỗ (Topical calcineurin inhibitors - TCI) là chất điều hòa miễn dịch không steroid, được sử dụng nhiều thứ hai. Thuốc mỡ tacrolimus và kem pimecrolimus là hai loại khá phổ biến, được dùng 2 lần một ngày. 

Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các loại thuốc uống toàn thân khác như kháng sinh để chống nhiễm khuẩn, kháng histamin H1 để giảm ngứa. Có thể dùng quang trị liệu như UVA, UVB cho bệnh nhân mức độ trung bình đến nặng.

Lưu ý khi điều trị viêm da cơ địa

Việc sử dụng thuốc điều trị viêm da cơ địa phải hết sức thận trọng.

Thuốc steroid rất có hiệu quả đối với viêm da cơ địa nhưng lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hại nếu dùng lâu dài như teo da, giãn mạch, nổi mụn, rạn da... Do vậy, cần có chỉ định chặt chẽ, không tự ý sử dụng cũng như tăng liều. Dừng thuốc ngay khi tổn thương đã lành.

Bệnh nhân lưu ý chỉ sử dụng thuốc được kê đơn từ bác sĩ và tuân thủ theo đúng hướng dẫn, chỉ định, không tự ý bỏ thuốc, thêm thuốc.

Khoảng 70% trẻ bị viêm da cơ địa sẽ khỏi khi lớn lên. Còn lại 30% kéo dài dai dẳng. Khoảng 30-50% người bệnh viêm da cơ địa sẽ xuất hiện thêm các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen phế quản.

Bên cạnh đó, bệnh nhân và gia đình cũng nên lưu ý tránh các yếu tố khởi phát, ngăn ngừa viêm da cơ địa tái phát như:

  • Giữ phòng ngủ thoáng mát, tránh tiếp xúc lông gia súc, gia cầm, len, dạ, giảm bụi nhà, nên mặc đồ vải cotton. Giữ độ ẩm không khí trong phòng.
  • Giảm căng thẳng stress, duy trì lối sống lành mạnh và đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt.
  • Vệ sinh vùng tã lót ở trẻ nhỏ tránh chất tiết gây kích thích.
  • Bôi thuốc làm ẩm da hàng ngày nhất là về mùa đông, ngày 2-3 lần khi da khô và duy trì lâu dài. 
  • Ăn kiêng chỉ nên áp dụng cho trường hợp bệnh nhân nặng, trẻ nhỏ, khi đã xác định rõ loại thức ăn gây dị ứng.