Bệnh béo phì, bất thường về giải phẫu ở đường hô hấp trên, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, sử dụng rượu hoặc thuốc an thần… đều làm tăng nguy cơ ngưng thở khi ngủ. Một số biểu hiện đặc trưng bệnh bao gồm: ngáy to kèm theo ngừng thở, thức giấc nhiều lần trong đêm, tỉnh giấc đột ngột do bị ngạt thở hoặc thở hổn hển…
Triệu chứng ban đêm của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Các triệu chứng ban đêm rất khó để phát hiện. Hầu hết bệnh nhân đang ngủ và không biết về các triệu chứng này cho đến khi được bạn cùng giường, bạn cùng phòng hoặc người nhà thông báo.
- Khó thở gây thức giấc nhiều lần: sự tắc nghẽn do quá phát các tổ chức ở đường hô hấp trên gây ra tình trạng khó thở và phải thở bằng miệng.
- Ngừng thở có thể kéo dài khoảng 10 giây hoặc hơn và lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Người bệnh có thể hoàn toàn không hay biết gì mặc dù có những cơn thức giấc sau mỗi lần ngừng thở.
- Khó ngủ, đi tiểu nhiều lần trong đêm.
- Ngủ ngáy: Tiếng ngáy phát ra là do đường thở bị thu hẹp. Tình trạng này thường gặp ở những người bị béo phì, lưỡi to dày, phì đại các tổ chức ở đường hô hấp trên như amidan khẩu cái, amidan đáy lưỡi, cuốn mũi… Mặc dù 85% bệnh nhân ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bị phàn nàn ngáy gây ra tiếng ồn lớn nhưng hầu hết người ngủ ngáy đều không mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Triệu chứng ban ngày của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu các triệu chứng ban đêm của bệnh rất khó để phát hiện thì những dấu hiệu vào ban ngày chính là gợi ý để bạn có thể nhờ người thân quan sát kỹ hơn về tình trạng giấc ngủ của mình để kịp thời xử trí.
- Buồn ngủ ban ngày quá nhiều, có thể khiến rơi vào giấc ngủ trong khi đang làm việc, xem truyền hình hoặc thậm chí lái xe.
- Mệt mỏi kéo dài, buồn ngủ và cáu kỉnh.
- Buồn ngủ ban ngày quá mức (hypersomnia) là một trong những triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở thường gặp nhất.
- Đau đầu vào buổi sáng, một số bệnh nhân bị đau họng, khô miệng.
- Giảm trí nhớ, giảm độ tập trung.
- Tăng cân, béo phì.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em có thể gây ra tình trạng hiếu động thái quá, hay gây gổ, giảm thành tích học tập, tiểu dầm.
Ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, loạn nhịp tim, đột quỵ, đái tháo đường… Việc nhận biết sớm các triệu chứng bệnh và điều trị sớm giúp giảm nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm kể trên.