Tư vấn tâm lý tuổi teen - Vượt qua biến động tâm lý
Tư vấn tâm lý cùng chuyên gia
Tư vấn tâm lý tuổi teen cùng ThS Chuyên gia tâm lý Hoàng Quốc Lân - Ảnh: BookingCare

Tư vấn tâm lý tuổi teen - Vượt qua biến động tâm lý

Tác giả: - Người kiểm duyệt: - Xuất bản: 21/05/2024 - Cập nhật lần cuối: 18/10/2024
Chương trình Tư vấn tâm lý - sức khỏe tinh thần - "Lắng nghe teen kể" là nơi các bạn trẻ hay chính cha mẹ có thể chia sẻ câu chuyện, tâm sự để nhận diện vấn đề đang gặp phải và tìm kiếm hướng giải quyết phù hợp cho các vấn đề trong học tập, gia đình và các mối quan hệ.

Giải quyết các vấn đề tâm lí chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng, nhưng hoàn toàn nằm trong tầm tay. Bởi, chỉ cần bạn chia sẻ, mở lòng để giải quyết vấn đề, sẽ có chuyên gia sẵn sàng lắng nghe những gì bạn nói!

Vượt qua các biến động tâm lý tuổi teen - Tư vấn từ chuyên gia tâm lý

Tuổi teen thường phải đối diện với nhiều biến động về tâm lý. Áp lực từ việc học hành, thi cử, gia đình, bạn bè,... và những thay đổi tâm sinh lý có thể khiến tâm lý thay đổi thất thường, dễ nổi nóng, làm trầm trọng hoá các vấn đề hay thậm chí là thu mình, tách bản thân khỏi những người xung quanh.

Chương trình Tư vấn tâm lý - sức khỏe tinh thần - Lắng nghe teen kể là nơi các bạn trẻ hay chính cha mẹ có thể chia sẻ, giải mã "làn sóng" cảm xúc:

  • Hiểu rõ hơn về bản thân, con cái, nhận biết và giải quyết những mâu thuẫn nội tâm
  • Tìm kiếm hướng giải quyết phù hợp cho các vấn đề trong học tập, gia đình và các mối quan hệ
  • Nâng cao kỹ năng quản lý cảm xúc, học cách đối mặt với stress, lo âu
  • Môi trường tư vấn an toàn, thân thiện, tạo sự thoải mái để mọi người chia sẻ và được hỗ trợ

Thông tin chương trình

  • Chuyên gia đồng hành: Chương trình được đồng hành bởi Thạc sĩ Chuyên gia tâm lý Hoàng Quốc Lân - chuyên gia tâm lý giàu kinh nghiệm, thấu hiểu tâm tư tuổi teen:
    • Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng trẻ em & vị thành niên, Đại học giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội
    • Chuyên gia tâm lý lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Phương Đông
    • Nhà tâm lý tại Công ty TNHH viện sức khỏe tâm thần và tâm lý trị liệu DR.PHI
    • Cán bộ can thiệp trẻ rối loạn phát triển và Giảng viên kỹ năng xã hội cho trẻ rối loạn phát triển tại Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý giáo dục Hừng Đông
  • Thời gian diễn ra: 20h00 Thứ bảy ngày 25 tháng 05 và kéo dài đến Chủ nhật ngày 26 tháng 05
  • Hình thức tư vấn:
    • Chương trình sẽ diễn ra trong Group: Tư vấn Tâm lý - Sức khỏe tinh thần của BookingCare.
    • Bác sĩ sẽ đăng bài giới thiệu vào 20h00 ngày 25 tháng 05, các thành viên sẽ chia sẻ vấn đề cần tư vấn ở phần bình luận để được chuyên gia tư vấn, giải đáp.

Đặt trước câu hỏi cho chuyên gia

Để băn khoăn của mọi người đều được tư vấn, tránh bị lỡ thời gian tham gia, BookingCare sẽ tiếp nhận câu hỏi từ trước khi hoạt động diễn ra. Bạn đọc có thể yên tâm đặt câu hỏi trước tại đây. BookingCare sẽ tổng hợp lại câu hỏi, chia sẻ và trao đổi cùng chuyên gia.

Sau chương trình, các câu hỏi được chuyên gia giải đáp, BookingCare cũng sẽ gửi lại tới email của bạn đọc. 

Câu hỏi đã được đặt
Minh
Nam
, 19 tuổi
Làm thế nào để các ý nghĩ không tốt không hiện lên trong đầu nữa ạ. Thỉnh thoảng những ý nghĩ tiêu cực muốn làm hại người khác, nếu là mình sẽ làm như thế nào lại xuất hiện trong đầu khi đọc truyện, hoặc đọc tin tức. Nhưng cũng ý thức được nó là điều xấu, không được làm. Liệu cháu có vấn đề gì về tâm lý không, cháu sợ nếu suy nghĩ như vậy có một ngày sẽ hành động không
ThS Chuyên gia tâm lý Hoàng Quốc Lân
Chào em, em đang cảm thấy lo lắng khi những ý nghĩ tiêu cực bất chợt xuất hiện trong đầu mình. Đây là điều mà nhiều người có thể trải qua, và không có nghĩa là em nhất định sẽ hành động theo những suy nghĩ đó. Việc em ý thức được rằng những suy nghĩ này là xấu và không muốn thực hiện chúng đã cho thấy em có khả năng tự kiểm soát và phân biệt đúng sai. Suy nghĩ tiêu cực hoặc khó chịu không phản ánh bản chất của em hay điều gì em sẽ làm. Chúng chỉ là những ý tưởng thoáng qua và không nhất thiết có ý nghĩa thực sự em ạ. Mỗi lúc như vậy, em có thể tham khảo một số cách như việc hít thở sâu, tập trung vào hơi thở nhé. Em cũng có thể tìm kiếm chuyên gia và có chứng chỉ về Chánh niệm (mindfulness) là liệu pháp anh thấy khá hiệu quả, giúp em tập trung vào hiện tại và quan sát suy nghĩ của mình mà không phán xét. Điều này có thể giúp em nhận ra những suy nghĩ tiêu cực và để chúng trôi qua mà không bám vào chúng. Nếu em nhận thấy rằng những suy nghĩ tiêu cực thường xuất hiện khi em đọc truyện hoặc tin tức, em có thể thử hạn chế tiếp xúc với những loại nội dung này, hoặc chọn các nội dung tích cực hơn. Khi nhận ra mình có những suy nghĩ tiêu cực, hãy thử thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực hoặc xây dựng hơn. Ví dụ, khi em có ý nghĩ tiêu cực, hãy tìm cách chuyển đổi sang một suy nghĩ tích cực hoặc tập trung vào những việc tốt em có thể làm. Nếu những suy nghĩ này vẫn tiếp tục làm phiền em hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, anh khuyến khích em tìm đến sự hỗ trợ từ một bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý. Họ có thể giúp em hiểu rõ hơn về nguyên nhân của những suy nghĩ này và đưa ra các chiến lược cụ thể để quản lý chúng. Việc em ý thức và quan tâm đến những suy nghĩ của mình là bước đầu quan trọng trong việc quản lý sức khỏe tâm lý. Đừng ngại tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần thiết, vì điều này sẽ giúp em cảm thấy an toàn và bình an hơn trong cuộc sống em nha. Chúc em sớm vượt qua được những lo lắng này và có cuộc sống hạnh phúc, an lành nhé!
An Phương
Nữ
, 18 tuổi
Những lúc buồn, không biết chia sẻ với ai, em thường ngồi khóc một mình. Khóc là cách giải tỏa tốt nhất với em. Được khóc như trút hết tâm trạng, bức bối. Nhưng mọi người thường bảo em mít ướt, hở tí là khóc. Có cách nào giải tỏa tâm trạng tốt hơn không ạ?
ThS Chuyên gia tâm lý Hoàng Quốc Lân
Chào bạn, cảm ơn bạn đã chia sẻ câu chuyện của mình. Phần nào mình hiểu và rất chia sẻ với cảm xúc của bạn hiện tại. Những lúc bạn buồn, việc ngồi khóc một mình có thể mang lại cảm giác nhẹ nhõm và giải tỏa tạm thời cho tâm trạng bức bối. Khóc là một phản ứng tự nhiên và lành mạnh khi đối mặt với những cảm xúc mạnh mẽ. Không có gì sai khi bạn chọn cách này để giải tỏa cảm xúc của mình cả. Tuy nhiên, mình hình dung rằng việc bị người khác hiểu lầm và gọi là "mít ướt" có thể làm bạn cảm thấy bị cô lập và không được thấu hiểu. Trong khả năng của mình, mình cũng hy vọng có thể tư vấn cho bạn một số gợi ý tham khảo nhé! - Bạn có thể dành thời gian để hiểu rõ hơn về những cảm xúc của mình bằng việc có thể viết nhật ký cảm xúc để ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc mỗi ngày. Việc này không chỉ giúp bạn nhận diện rõ hơn nguyên nhân của sự buồn bã mà còn là một cách giải tỏa rất tốt. - Nếu có thể, hãy tìm một người bạn, người thân, hoặc một người mà bạn tin tưởng để chia sẻ cảm xúc của mình. Đôi khi, chỉ cần có ai đó lắng nghe có thể làm giảm bớt cảm giác cô đơn và nặng nề. - Tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, yoga, hoặc bất kỳ môn thể thao nào bạn thích. Việc này không chỉ giúp bạn giải tỏa căng thẳng mà còn cải thiện tâm trạng và sức khỏe toàn diện đó. - Các kỹ thuật hít thở sâu cũng có thể giúp bạn giảm căng thẳng và lo lắng. Dành vài phút mỗi ngày để ngồi yên lặng, tập trung vào hơi thở, và thả lỏng tâm trí. - Các hoạt động sáng tạo như vẽ, viết, làm thủ công, hoặc chơi nhạc cũng là một gợi ý có thể là cách tuyệt vời để giải tỏa cảm xúc và tìm niềm vui trong cuộc sống nhé bạn - Nếu bạn cảm thấy khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc và tìm cách giải tỏa, hãy cân nhắc việc gặp một chuyên gia tâm lý. Họ có thể cung cấp cho bạn những công cụ và kỹ thuật phù hợp để đối phó với những cảm xúc này. Không có cách giải tỏa cảm xúc nào là "đúng" hay "sai". Điều quan trọng là bạn tìm được phương pháp phù hợp và lành mạnh cho bản thân. Bạn không cô đơn trong cảm xúc của mình, và việc tìm kiếm và thử nghiệm những cách giải tỏa mới là một phần của hành trình chăm sóc bản thân và phát triển tâm lý. Chúc bạn tìm được sự bình yên và niềm vui trong cuộc sống bạn nhé!
Mai Phương
Nữ
, 16 tuổi
Sinh ra là nữ nhưng con lại có tình cảm với một bạn cùng giới. Năm nay con mới học lớp10 thôi ạ. Cơn sợ một ngày bố mẹ con sẽ phát hiện ra chuyện này. Gia đình con ở quê, truyền thống, mỗi lần nghe những chuyện này trên tivi bố mẹ con thường rất chê. Con lo lắng bố mẹ sẽ không thể chấp nhận khi chính mình lại rơi vào trường hợp này. Con nên làm gì bây giờ ạ, con rất sợ một ngày bố mẹ phát hiện ra chuyện này
ThS Chuyên gia tâm lý Hoàng Quốc Lân
Chú chào con, cảm ơn con đã mạnh dạn chia sẻ vấn đề của mình. Tình cảm đồng tính dù đã được đón nhận cởi mở hơn, nhưng lo lắng về việc bản thân come out hoặc bố mẹ phát hiện vẫn luôn là vấn đề nan giải. Mỗi gia đình có hoàn cảnh và quan điểm riêng, điều này khiến việc tìm kiếm sự hỗ trợ phù hợp cũng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, có một số điều sau đây con có thể lưu ý nhé: - Điều quan trọng nhất là con cần hiểu rõ và chấp nhận chính mình. Biết rằng tình cảm của con là tự nhiên và con xứng đáng được yêu thương và tôn trọng. - Con có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè thân thiết, người mà con tin tưởng, hoặc tham gia vào các cộng đồng LGBTQ+ trực tuyến để nhận được sự động viên và thông tin hữu ích nhé - Nếu con quyết định chia sẻ với bố mẹ, hãy chuẩn bị tinh thần và chọn thời điểm phù hợp. Hãy chuẩn bị sẵn thông tin và tài liệu để giúp bố mẹ hiểu rõ hơn về cộng đồng LGBTQ+. - Lên kế hoạch cho cuộc trò chuyện với bố mẹ, nghĩ về cách diễn đạt và chọn thời điểm thích hợp. Hãy sẵn sàng cho mọi phản ứng và biết rằng điều này có thể cần thời gian để bố mẹ hiểu và chấp nhận. - Hãy luôn đặt sự an toàn và sức khỏe tinh thần của mình lên hàng đầu. Nếu con cảm thấy không an toàn khi chia sẻ, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức hoặc chuyên gia tâm lý. Hãy luôn nhớ rằng con xứng đáng được sống thật với chính mình và nhận được sự yêu thương và tôn trọng. Sự chấp nhận và yêu thương từ bản thân là điều quan trọng nhất, và con không đơn độc trên hành trình này nhé!
Th**
Nữ
, 18 tuổi
Chào bác sĩ ạ, em sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là giáo viên, nên từ nhỏ khá là áp lực, mặc dù bố mẹ không quá khắt khe, cũng chỉ muốn tốt cho em nhưng một phần nào đó em vẫn thấy khó chịu. Em từng bị trầm cảm năm cấp 2, cũng có ý định tử tử nhưng em sợ đau, em khá là lầm lì, ít nói và thậm chí không có bạn mặc dù hồi bé em được nghe kể là tính cách hoạt bát, năng động, em cũng không nhớ rõ lắm, giống kiểu mất trí nhớ ạ, hay quên. Nhưng hiện tại thì em khá ổn sau khi lên cấp 3, tiếp xúc với nhiều người mới, tâm lý cũng được cải thiện nhiều. Nhưng có một thứ em không thể cải thiện được ạ. Em cảm thấy mình bị ảo tưởng ạ, em tự xây dựng một thế giới riêng trong tâm trí, ở đó có rất nhiều thứ, bạn bè tình yêu,... tình huống xảy ra y như thật, mặc dù em biết đó không phải hiện thực, dần dần em đắm chìm trong đó và giường như em không thể thoát ra được, từ trên lớp, về nhà hay làm một việc gì đó, đầu óc em lúc nào cũng đắm chìm trong thế giới ảo em tạo ra đó, em có thể ngồi ngẩn ngơ cả tiếng đồng hồ, bỏ bê học hành,... em thậm chí còn mong nó chính là hiện thực. Em không biết em bắt đầu ảo tưởng từ khi nào, có lẽ là cuối cấp 1. Ngoài ra thì em còn cảm thấy bị mất cảm xúc rất nhanh, có thể là lúc đó em rất khó chịu, tức giận hay vui vẻ, thì một vài giờ sau em lại cảm thấy nó bình thường. Em còn có tâm lý lo sợ người khác phật lòng, dù đúng hay sai thì em cảm thấy lỗi cũng là của mình, rất hay khóc cho dù một kích thích nhẹ như là bị quát một tiếng. Em cảm nhận được rằng tâm lý hiện tại của em là do bố mẹ gây ra, nhất là mẹ em, mẹ em là giáo viên giỏi, có rất nhiều giấy khen, mẹ em có nhiều lý lẽ, nhiều khi hay mắng em, dù lỗi nhỏ hay lớn, mẹ em mắng rất nặng lời không để ý đến cảm xúc của người nghe là em, đòi giết, chê bai thậm tệ, mỗi khi em phản kháng hay cãi lại thì mẹ em lại chê em bất hiếu, nói nặng lời hơn, rồi lại kể rằng mẹ tốt với em như thế nào, người khác muốn còn không được như em, rồi bố em lại rất bênh mẹ bảo là mẹ khổ, mẹ chỉ muốn tốt cho em, bảo em xin lỗi mẹ, xong em cũng cảm thấy mình sai thật rồi cảm thấy cũng không có gì to tát, nên nhịn cho xong... cứ thế cho đến cấp 3 em mới bắt đầu " phản nghịch" thấy không đúng thì em nói lại nhưng cũng chỉ dừng lại 1,2 câu gì đấy không dám nói nhiều tại em sợ mẹ buồn, xong mặc kệ mẹ mắng gì thì mắng. Mẹ em cũng chỉ muốn tốt cho em nhưng cách diễn đạt không tốt, em cũng biết vậy, ngoài mặt trách nhiệm ra thì tình cảm gia đình với em không nhiều lắm. Hiện tại thì em đang muốn tích cực hơn ạ, tìm chữa lành từ bên ngoài, cũng khá ổn. Chỉ có vấn đề ảo tưởng là ngày một nặng, bác sĩ có thể đề suất giúp em một số phương pháp để tập trung vào thế giới thực với ạ, sắp thi đại học rồi mà suốt ngày chăm chăm vào tưởng tượng, cảm ơn bác sĩ đã lắng nghe ạ
ThS Chuyên gia tâm lý Hoàng Quốc Lân
Chào em, Cảm ơn em đã chia sẻ rất chi tiết và chân thành về tình hình hiện tại của mình. Việc em đã trải qua và đang đối mặt là rất khó khăn, nhưng việc em muốn tìm cách cải thiện và “chữa lành” bản thân là một dấu hiệu tích cực và rất đáng khích lệ, cho thấy khả năng tự giải quyết vấn đề khá tốt của em. Như những gì em chia sẻ, anh hình dung việc em lớn lên trong một môi trường có sự kỳ vọng lớn từ bố mẹ, đặc biệt là mẹ, điều này có thể tạo ra áp lực tâm lý và ảnh hưởng sâu sắc đến em. Em cũng đã từng trải qua giai đoạn trầm cảm và có ý tưởng TS, đó là những trải nghiệm khó khăn. Việc em vượt qua được giai đoạn này và hiện đang cải thiện tâm lý là một bước tiến lớn. Em đang đắm chìm trong ảo tưởng và mất cảm xúc nhanh chóng là dấu hiệu của một số vấn đề tâm lý sâu hơn. Em nên đến nhờ sự hỗ trợ từ Bác sĩ và nhà tâm lý. Để khám và đánh giá về vấn đề này để có thể loại trừ những nguy cơ. Một số gợi ý cho em, anh có thể tư vấn: - Em có thể tìm đến một nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần để được tư vấn và hỗ trợ. Các chuyên gia sẽ giúp em khám phá nguyên nhân sâu xa và cung cấp các phương pháp trị liệu phù hợp nhé! - Em có thể tìm đến các nhà thực hành chuyên sâu, có chứng chỉ về liệu pháp Chánh niệm, liệu pháp này giúp em tập trung vào hiện tại, giảm bớt sự lơ là và tưởng tượng. - Lên lịch trình hàng ngày với các hoạt động cụ thể có thể giúp em duy trì sự tập trung vào thế giới thực. - Hãy bắt đầu với những việc nhỏ và dễ dàng, sau đó dần dần thêm vào các hoạt động phức tạp hơn. - Em có thể viết nhật ký để theo dõi những lúc em cảm thấy mình bị cuốn vào thế giới ảo. Ghi lại cảm xúc và suy nghĩ của em, từ đó nhận diện những tình huống hoặc cảm xúc nào kích hoạt sự ảo tưởng. - Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Em có thể tham gia các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, yoga hoặc bất kỳ môn thể thao nào mà em yêu thích. Em sẽ không đơn độc trong hành trình này. Sự cải thiện và “chữa lành” cần thời gian và sự kiên nhẫn. Em xứng đáng được sống một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc, và luôn có những người sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ em. Hãy dũng cảm bước tiếp và tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần. Chúc em thành công và hạnh phúc em nhé!
Xem thêm