Tư vấn (tham vấn) và Trị liệu tâm lý khác nhau như thế nào?
Tham vấn hay trị liệu tâm lý đều giúp khách hàng được giải tỏa, giải quyết những vấn đề gặp phải và có một sức khỏe tinh thần khỏe mạnh. Tuy nhiên, có những điểm khác nhau giữa hai phương pháp này, bạn đọc có thể tham khảo nội dung dưới đây được chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng chia sẻ.
Thông thường, chuyên gia trị liệu tâm lý có thể thực hiện được cả tư vấn (tham vấn) và trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, trị liệu tâm lý phức tạp hơn nhiều và một nhà trị liệu sẽ cần được cấp bằng/chứng chỉ và có thời gian thực hành nhất định trong lĩnh vực này.
Hiện nay tại Việt Nam, ngành tâm lý chưa được nhiều người biết đến và cũng chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm này. Một số nơi sẽ dùng thay thế nhau nhưng cũng có những nơi phân biệt rất rõ ràng.
Mặc dù về bản chất, tham vấn và trị liệu tâm lý đều là cách để giúp cho khách hàng có được tâm lý tốt hơn, giải quyết được những vấn đề khúc mắc. Nhưng thực tế, có sự khác biệt đáng kể giữa hai phương pháp này.
Để bạn đọc hiểu thêm về sự khác nhau này, Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng sẽ chia sẻ và cung cấp các thông tin trong nội dung dưới đây.
THÔNG TIN CHUYÊN GIA TÂM LÝ TRẦN THỊ TUYẾT HỒNG
|
Tư vấn (tham vấn) tâm lý
Tham vấn hay thường được quen gọi là tư vấn tâm lý là quá trình nói chuyện để giải quyết một vấn đề gì đó. Trong quá trình tham vấn, nhà tham vấn sẽ thấu cảm với vấn đề mà khách hàng gặp phải, giúp khách hàng nhận ra và tự giải quyết vấn đề của mình.
Các vấn đề tham vấn thường là các vấn đề ngắn hạn, xảy ra vào một khoảng thời gian nhất định trong cuộc sống. Thông thường, tư vấn (tham vấn) tâm lý sẽ được dùng trong các trường hợp sau:
- Vấn đề tình cảm, hôn nhân gia đình: Tiền hôn nhân, căng thẳng, xung đột, bạo hành, các mối quan hệ trong gia đình, ngoại tình, ly thân, ly hôn, sức khỏe sinh sản, tình dục; vấn đề giáo dục con cái và phát triển nhân cách của trẻ,…
- Các mối quan hệ xã hội: Tình bạn, tình yêu, đồng nghiệp; hoà nhập trong các mối quan hệ xã hội, tái hoà nhập xã hội, tự tin, nhận thức bản thân…
- Vấn đề công việc: Stress trong công việc, xung đột trong môi trường làm việc, khó khăn trong quá trình xây dựng bầu không khí tâm lý trong nhóm và phát triển tổ chức…
Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là một phương pháp điều trị dài hạn tập trung vào nhận thức, cảm xúc và hành vi lâu dài được điều trị bởi các chuyên gia đã được đào tạo chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng.. Trọng tâm của trị liệu là tác động vào các quá trình suy nghĩ của một người, và những quá trình này có thể bị ảnh hưởng như thế nào bởi các sự kiện trong quá khứ để chúng gây ra các vấn đề trong hiện tại.
Có thể hiểu đơn giản trị liệu tâm lý là điều trị bệnh bằng các liệu pháp tâm lý. Một số liệu pháp như: Liệu pháp hành vi, liệu pháp phân tâm, liệu pháp nhận thức.... Tùy vào tình trạng bệnh, mà nhà chuyên gia sẽ đưa ra liệu pháp phù hợp với từng khách hàng.
Thông thường, trị liệu tâm lý dùng cho các vấn đề tâm bệnh như:
- Trầm cảm
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn hành vi
- Hoang tưởng....
So sánh Tư vấn (tham vấn) và Trị liệu tâm lý
Theo Chuyên gia Trần Thị Tuyết Hồng, Tham vấn và trị liệu tâm lý có một số điểm giống và khác nhau dưới đây:
Giống nhau
- Phát triển mối quan hệ tin cậy, thấu hiểu, an toàn giữa chuyên gia trị liệu và khách hàng.
- Hiệu quả cho nhiều đối tượng, cả người lớn và trẻ em.
- Hiểu được cảm xúc và hành vi của một người và giải quyết các vấn đề với mục tiêu cải thiện cuộc sống của người đó.
Khác nhau
Tham vấn | Trị liệu |
Tập trung vào các vấn đề và tình huống hiện tại | Tập trung vào các vấn đề mãn tính hoặc tái phát |
Các tình huống hoặc hành vi cụ thể | Mô hình tổng thể |
Liệu pháp ngắn hạn (trong khoảng thời gian vài tuần và lên đến 6 tháng) | Liệu pháp dài hạn, liên tục hoặc ngắt quãng trong nhiều năm |
Tập trung vào hành động hoặc hành vi | Tập trung vào cảm xúc và lỗi tư duy, trải nghiệm tuổi thơ |
Liệu pháp trò chuyện | Có thể bao gồm các bài test (chẳng hạn như tính cách),trò chuyện, các liệu pháp khác như liệu pháp hành vi nhận thức |
Hướng dẫn, hỗ trợ và giáo dục để giúp mọi người xác định và tìm ra giải pháp của riêng họ cho các vấn đề hiện tại | Tập trung sâu vào những suy nghĩ/ cảm xúc bên trong (các vấn đề cốt lõi) dẫn đến sự phát triển cá nhân qua từng giai đoạn trị liệu |
Làm thế nào để lựa chọn Tham vấn tâm lý hay Trị liệu tâm lý?
Theo Chuyên gia Tuyết Hồng, Khi cần tìm đến một chuyên gia tâm lý, sự phân biệt về tham vấn và trị liệu ở trên sẽ rất hữu ích cho bạn. Tất nhiên, đôi khi sự lựa chọn sẽ phụ thuộc vào sở thích cá nhân, sự dễ dàng tiếp cận hoặc bảo hiểm,....
Tuy nhiên, bước quan trọng nhất là tìm một nhà tâm lý mà bạn có thể tin tưởng. Thực tế, mức độ tin tưởng của một người đối với chuyên viên/chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần của họ đóng vai trò lớn nhất trong việc liệu pháp điều trị có thành công hay không.
Ngoài ra, có thể bạn sẽ cần gặp chuyên gia tâm lý để xem rằng hình thức nào mới là phù hợp với tình trạng của mình nhất, đôi khi sự đánh giá chủ quan của chính bản thân bạn chưa mang tính khách quan, hơn nữa, khi gặp người có đào tạo chuyên sâu thì việc đánh giá đủ chính xác và đề cao lợi ích của chính bản thân bạn lên hàng đầu.
Khi nào nên chọn Tham vấn tâm lý?
Tư vấn có thể là một lựa chọn tốt hơn liệu pháp tâm lý nếu:
- Bạn có vấn đề cụ thể hoặc vấn đề ngắn hạn mà bạn muốn giải quyết.
- Bạn muốn học các kỹ năng đối phó để giúp kiểm soát căng thẳng tốt hơn và cải thiện các mối quan hệ.
- Bạn đang đương đầu với những thay đổi và điều chỉnh trong cuộc sống, chẳng hạn như ly hôn hoặc đau buồn.
- Bạn đang tìm kiếm một người về cơ bản là một "huấn luyện viên" có thể hướng dẫn và hỗ trợ bạn khi bạn học cách nhận ra vấn đề và tự hình thành các giải pháp lành mạnh.
Khi nào nên chọn Trị liệu tâm lý?
Một nhà trị liệu tâm lý có thể là một lựa chọn tốt hơn nếu:
- Bạn có những vấn đề đang ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống và các mối quan hệ.
- Bạn đang đương đầu với chấn thương trong quá khứ, hoặc nếu bạn tin rằng những tình huống trong quá khứ có thể đóng một vai trò nào đó trong các vấn đề hiện tại.
- Các vấn đề hiện tại của bạn là mối quan tâm đã diễn ra trong thời gian dài hoặc tái diễn.
- Bạn mắc bệnh mãn tính (chẳng hạn như bệnh tự miễn, ung thư,...) đang ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn.
- Bạn đang đối mặt với các vấn đề nghiện ngập.
- Bạn có một tình trạng sức khỏe tâm thần được chẩn đoán như rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn lo âu nghiêm trọng.
- Bạn đã gặp chuyên gia và các vấn đề của bạn không được cải thiện mặc dù bạn đã tự tìm kiếm giải pháp cho bản thân.
Tham vấn và Trị liệu Tâm lý cho bệnh Trầm cảm
Cả tư vấn và liệu pháp tâm lý đều được sử dụng trong điều trị trầm cảm, và sự lựa chọn có thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng trầm cảm, cho dù đó là một vấn đề mới hay là vấn đề đã diễn ra trong thời gian lâu dài.
Tham vấn có hiệu quả trong việc điều trị bệnh trầm cảm nhẹ đến trung bình được chẩn đoán tại các cơ sở y tế tin cậy mà chưa được điều trị trước đây. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu khác cho thấy liệu pháp tâm lý giữa các cá nhân có lợi ích nhiều hơn cho nhóm thanh thiếu niên mắc trầm cảm liên quan đến các triệu chứng trong thời gian ngắn.
Những người trầm cảm nặng được hưởng lợi nhiều nhất từ các liệu pháp tâm lý, trong khi những người ở mức nhẹ và trung bình sẽ nhận được nhiều lợi ích từ việc tham vấn.
Chuẩn bị những gì trước khi Tham vấn và Trị liệu tâm lý?
Cho dù lựa chọn tham vấn hay trị liệu tâm lý, cuộc hẹn sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có sự chuẩn bị trước. Việc này không chỉ giúp bạn làm rõ lý do vì sao bạn cần tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp mà còn giúp nhà tâm lý biết được họ có thể giúp bạn hay không.
Trước cuộc hẹn, bạn hãy lập danh sách:
- Bất kỳ vấn đề, mối quan tâm hoặc triệu chứng nào mà bạn đang gặp phải, ngay cả khi những chuyện này dường như không liên quan hoặc không phải là lý do mà bạn tìm đến chuyên gia tâm lý.
- Thông tin chính bao gồm mọi sự căng thẳng nhiều hoặc những thay đổi trong cuộc sống gần đây.
- Tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc các chất bổ sung khác mà bạn đang dùng, nếu có thể bạn nên liệt kê cả liều lượng.
- Các câu hỏi mà bạn dự định sẽ hỏi chuyên gia tâm lý trong quá trình tham vấn/trị liệu.
Tham vấn hay trị liệu tâm lý đều là những phương pháp hiệu quả để điều trị một vấn đề tâm bệnh. Hy vọng bài viết trên đây giúp bạn đọc phần nào phân biệt và lựa chọn được cho mình phương pháp phù hợp.
Nội dung chuyên môn bài viết trên đây được chia sẻ bởi Chuyên gia Tâm lý Trần Thị Tuyết Hồng.