U lympho không Hodgkin: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 
U lympho không Hodgkin: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị - Ảnh BookingCare
U lympho không Hodgkin: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị - Ảnh BookingCare

U lympho không Hodgkin: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 

Tác giả: - Xuất bản: 08/01/2024 - Cập nhật lần cuối: 22/01/2024
Số người mắc bệnh u lympho không Hodgkin nhiều hơn bệnh u lympho Hodgkin xấp xỉ 3 lần. Các triệu chứng của bệnh u lympho không Hodgkin thường nghèo nàn và khó nhận biết do đó việc thăm khám bệnh ở giai đoạn sớm còn gặp nhiều khó khăn.

U lympho ác tính không Hodgkin (NHL: Non Hodgkin Lymphoma) là nhóm bệnh ác tính của tổ chức lympho, biểu hiện có thể tại hạch hoặc ngoài hạch. Theo GLOBOCAN 2018, bệnh đứng thứ 11 về tỷ lệ mới mắc và đứng thứ 11 về tỷ lệ tử vong. Hãy cùng BookingCare tìm hiểu về căn bệnh nguy hiểm này trong bài viết dưới đây. 

Nguyên nhân u lympho không Hodgkin

Bệnh  gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến từ 45-55 tuổi, hiếm gặp ở trẻ em, nam có tỷ lệ mắc bệnh nhiều hơn nữ. Nguyên nhân gây bệnh u lympho không Hodgkin vẫn chưa được xác định cụ thể. Theo một vài nghiên cứu cho thấy, bệnh lý này chủ yếu phát sinh do sự suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể sản xuất một số lượng lớn tế bào bạch cầu lympho bất thường và gây ra bệnh.

Theo tính chất hình thành và phát triển, tế bào lympho bất thường không bị chết đi mà liên tục phân chia để tăng thêm số lượng. Đồng thời, căn bệnh ung thư này có thể xuất phát từ bên trong các tế bào như:

  • Nhóm tế bào B: phần lớn các trường hợp bệnh nhân bị u lympho không Hodgkin đều xuất phát từ nhóm tế nào này. Một số loại phụ u có liên quan đến tế bào B mà bệnh nhân thường gặp gồm: u lympho nang, u lympho Burkitt, u lympho loại tế bào lớp vỏ,...
  • Nhóm tế bào T: số lượng bệnh nhân bị u lympho không Hodgkin phát sinh từ tế bào T thường chiếm tỷ lệ thấp hơn. Những loại phụ u có mối liên quan với nhóm tế bào này bao gồm: U Lympho ở da do tế bào T hay u Lympho tế bào T thể ngoại vi.

Triệu chứng u lympho không Hodgkin

Nổi hạch ngoại vi không triệu chứng

Bình thường, hạch bạch huyết rất nhỏ và khó sờ thấy. Khi bị viêm nhiễm hoặc ung thư hạch, hạch sẽ tăng kích thước. Những hạch nằm nông ở dưới da có thể sờ thấy, thậm chí một số hạch có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các hạch này có thể có mật độ chắc, riêng lẻ sau đó dính với nhau. Các hạch thường không đau và xuất hiện nhiều ở vùng cổ, nách, bẹn và xương đùi (trên đường đi của mạch bạch huyết).

Nếu các hạch trung thất và hạch sau phúc mạc to gây chèn ép các cấu trúc lân cận sẽ gây ra các triệu chứng: Chèn ép tĩnh mạch chủ trên (SVC) gây khó thở và phù mặt (Hội chứng SVC), chèn ép đường mật ngoài gan gây vàng da, chèn ép ruột làm người bệnh nôn mửa và táo bón…

Biểu hiện u ngoài hạch

Có thể nguyên phát hoặc gặp trong quá trình diễn biến bệnh. Vị trí tổn thương ngoài hạch có thể biểu hiện ở bất kỳ cơ quan nào như: vùng tai-mũi-họng (ngạt mũi, amidan sưng to, u ở thành họng...); da (ban sẩn, u ngoài da); mắt (lồi mắt, giảm thị lực); đường tiêu hóa (đau bụng, rối loạn phân...); thần kinh trung ương (đau đầu, buồn nôn, liệt vận động)...

Triệu chứng toàn thân

Biểu hiện toàn thân (hội chứng B): có một trong ba dấu hiệu sau: sốt >38oC không rõ nguyên nhân, ra mồ hôi đêm, giảm cân trên 10% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng. Bệnh nhân có hội chứng B thì xếp vào nhóm có tiên lượng xấu.

Thiếu máu

Thiếu máu do hạch xâm lấn tủy xương, tan máu tự miễn, cường lách hoặc hiếm hơn là do hiện tượng thực bào tế bào máu.

Khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, có thể xuất hiện các biểu hiện chèn ép, xâm lấn của tổ chức lympho như: hội chứng trung thất (phù áo khoác, liệt thần kinh quặt ngược...); lồi mắt; tê, liệt vận động, liệt do chèn ép tủy sống; tắc ruột nếu u thuộc ống tiêu hóa....

Triệu chứng ở bệnh nhân mắc bệnh ung lympho không Hodgkin thường mang tính chất nhẹ và khó nhận biết. Khi bệnh tiến triển nặng và gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe thì việc điều trị tương đối khó khăn. Người bệnh cần chú ý quan sát các bất thường và chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời ứng phó. 

U lympho không Hodgkin có chữa khỏi không?

Điều trị bệnh u lympho ác tính không Hodgkin tùy theo giai đoạn bệnh, có hội chứng “B” hay không và loại mô bệnh học. Phương pháp điều trị cụ thể như sau:

Phương pháp điều trị đối với nhóm tiến triển chậm

- Giai đoạn I, II:

  • Theo dõi khi không có triệu chứng.
  • Xạ trị vùng với các tổn thương ngoài hạch hoặc hạch to.
  • Hóa chất: Khi hạch hoặc tổn thương ngoài hạch có kích thước >7cm; có ít nhất 3 hạch với mỗi hạch có kích thước >3cm; có triệu chứng B; lách to ngang rốn; biểu hiện chèn ép (niệu quản, dạ dày-ruột, hốc mắt hoặc tràn dịch màng phổi, màng bụng).

- Giai đoạn III, IV:

  • Theo dõi khi không có triệu chứng.
  • Xạ trị vùng với các tổn thương ngoài hạch nguyên phát hoặc hạch to: 30-40Gy.
  • Hóa chất.

Phương pháp điều trị đối với nhóm tiến triển nhanh

- Giai đoạn I, II: Hóa chất 6-8 đợt kết hợp xạ trị vùng.

- Giai đoạn III, IV: Hóa chất 3 đợt, sau đó đánh giá mức độ đáp ứng điều trị. Nếu đáp ứng hoàn toàn thì tiếp tục điều trị cho đến 6-8 đợt; nếu đáp ứng không hoàn toàn thì tiếp tục phác đồ cho đến 6-8 đợt hoặc chuyển phác đồ (cân nhắc ghép tủy). Nếu không lui bệnh cân nhắc ghép tủy.

Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị một số biến chứng như: tắc ruột, u chèn ép... U lympho ác tính không Hodgkin đường tiêu hóa: đại tràng, dạ dày... có thể chỉ định cắt u sau đó điều trị hóa chất theo phác đồ trên.

U lympho không Hodgkin tế bào B thường gặp và khả năng điều trị thành công cao. Khi bệnh ổn định có thể theo dõi bệnh nhân định kỳ. Năm đầu 3 tháng 1 lần, từ năm thứ hai trở đi: 6 tháng 1 lần.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết