U não ác tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Những điều cần biết về bệnh u não ác tính
Những điều cần biết về bệnh u não ác tính - Ảnh: BookingCare

U não ác tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 25/09/2023 - Cập nhật lần cuối: 18/12/2023
U não ác tính là gì? Có chữa khỏi được không? Người bệnh u não ác tính cần làm gì để kéo dài tuổi thọ? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích.

U não ác tính là mối nguy hiểm lớn đe dọa đến tính mạng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị và rất khó kéo dài tuổi thọ.

U não ác tính là gì?

U não ác tính là khối u ở não có chứa tế bào ung thư, các u này có thể di căn, tiến triển nhanh, tấn công vào các mô và các tế bào khỏe mạnh xung quanh khối u gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Hầu hết các khối u não ác tính là ung thư thứ phát, tức là chúng bắt đầu ở một bộ phận khác của cơ thể sau đó lan đến não. Trong khi đó, các khối u não nguyên phát là những khối u bắt đầu trong não.

U não ác tính chiếm gần 30% tổng số ca u não nguyên phát, còn u não thứ phát (do di căn) thì 100% là khối u ác tính.

Các triệu chứng thường gặp của u não ác tính

Các triệu chứng của khối u não ác tính phụ thuộc vào mức độ lớn của nó và vị trí của nó trong não.

Khối u có thể gây áp lực lên não và có thể gây đau đầu và động kinh (cơn co giật). Nó cũng có thể ngăn cản một vùng não hoạt động bình thường. Dưới đây là các triệu chứng cụ thể:

Do tăng áp lực trong sọ:

  • Đau đầu dữ dội, nhiều nhất là về đêm và gần sáng
  • Động kinh, lên cơn co giật
  • Thay đổi tính cách, dễ nổi nóng, trầm cảm
  • Nôn, buồn nôn đột ngột không rõ nguyên do

Do tổn thương vùng chức năng của não:

  • Thị lực và thính giác suy giảm
  • Gặp khó khăn trong giao tiếp, chậm hiểu, không biểu đạt được cảm xúc
  • Tê bì một bên cơ thể, cứng cổ
  • Mất thăng bằng, khó đi lại
  • Mất trí nhớ, gặp ảo giác

Nguyên nhân xuất hiện u não ác tính

Hầu hết các khối u não ác tính là do ung thư bắt đầu ở một nơi khác trong cơ thể và di căn đến não qua đường máu.

Trong khi đó, nguyên nhân của khối u não ác tính nguyên phát (khối u ung thư bắt đầu trong não) vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện u não ác tính:

Yếu tố di truyền

Một số bệnh di truyền có thể làm tăng nguy cơ mắc khối u não ác tính nguyên phát. Những căn bệnh này bao gồm:

  • Bệnh u xơ thần kinh
  • Bệnh xơ cứng củ
  • Hội chứng Turcot
  • Hội chứng ung thư Li-Fraumeni
  • Hội chứng von Hippel-Lindau
  • Hội chứng Gorlin

Người mắc các hội chứng này có xu hướng gây ra u thần kinh đệm ác tính (khối u của mô thần kinh đệm, liên kết các tế bào thần kinh và sợi với nhau). 

Chỉ có khoảng 5% đến 10% số người bị u não có tiền sử gia đình mắc bệnh u não.

Các yếu tố môi trường

  • Tiếp xúc với phóng xạ mạnh
  • Môi trường làm việc hóa chất độc hại
  • Tiếp xúc với lượng lớn bức xạ từ tia X hoặc điều trị ung thư từ trước đó cũng có thể dẫn đến nguy cơ xuất hiện u não và nhiều tổn thương nặng hơn.

Xét nghiệm chẩn đoán u não ác tính

Ngay khi nhận thấy cơ thể xuất hiện những triệu chứng bất thường như đau đầu dai dẳng, dữ dội, nôn hoặc buồn nôn một cách đột ngột, không rõ lý do, người bệnh nên đi kiểm tra tổng thể ngay lập tức.

U não dễ bị nhầm lẫn bởi một số triệu chứng tương tự các loại bệnh khác và rất khó phát hiện nếu không có sự can thiệp của máy móc và các bác sĩ chuyên khoa.

Dưới đây là một số phương pháp chẩn đoán u não ác tính phổ biến:

Các bài test thần kinh

Bác sĩ có thể hỏi người bệnh về tiền sử bệnh và các triệu chứng đang gặp phải. Khám thần kinh  đơn giản có thể bao gồm:

  • Phản xạ, chẳng hạn như phản xạ nuốt và phản xạ gân cơ (ví dụ gõ vào gân gối khiến chân giật lên) 
  • Cơ mặt (ví dụ: kiểm tra xem bạn cười hay nhăn mặt có bị méo không)
  • Thính giác và thị giác
  • Cơ lực  chân tay
  • Thăng  bằng và phối hợp động tác
  • Da nhạy cảm với kim châm, nóng và lạnh
  • Sự nhanh nhẹn về tư duy (câu hỏi đơn giản hoặc số học)

Các bài kiểm tra này không thể nói trước được rằng người bệnh có đang bị u nào hay không. Nhưng đây là căn cứ để các bác sĩ tiến hành những phương pháp chẩn đoán tiếp theo:

Chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) nhằm đánh giá khu vực cùng sự tương quan giữa khối u và các tổ chức xung quanh
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) kiểm tra khu vực, kích thước cùng mức độ xâm lấn sang khu vực xung quanh, tình trạng phù não và tăng áp lực nội sọ
  • Điện não đồ ghi chép lại các sóng bất thường
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
  • Các xét nghiệm mô não để tìm ung thư
  • Sinh thiết tế bào

Bạn đọc có thể tìm hiểu chi tiết về các phương pháp chẩn đoán bệnh u não này tại Cẩm nang sức khỏe của BookingCare.

Điều trị u não ác tính

Nhìn chung, tiên lượng cho một khối u não ác tính phụ thuộc vào những yếu tố như vị trí của nó trong não, kích thước và cấp độ của nó. Đôi khi bệnh có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm, nhưng khối u não thường tái phát và đôi khi không thể loại bỏ.

Dưới đây là một vài phương pháp điều trị u não ác tính:

Phẫu thuật

Hầu hết các khối u nguyên phát sẽ được loại bỏ bằng phẫu thuật. Sau đó họ thường sẽ được điều trị bằng xạ trị, hóa trị hoặc cả hai sau đó, để giảm nguy cơ khối u ác tính quay trở lại.

Một số khối u nhỏ, dễ dàng bóc tách ra khỏi mô não xung quanh thì việc lựa chọn phẫu thuật là cách điều trị bệnh u não tối ưu nhất giúp cắt bỏ được khối u một cách hoàn toàn, ngăn ngừa khả năng tái phát. 

Trong khi đó, một vài khối u khác thì không thể tách khỏi mô não xung quanh hoặc nằm gần các khu vực nhạy cảm khiến phẫu thuật trở nên quá rủi ro. Lúc này, bác sĩ sẽ cân nhắc xem có khả thi để áp dụng phẫu thuật hay không.

 

Sau đó, người bệnh có thể được điều trị bằng liệu pháp quang động laser. Trong đó, bác sĩ phẫu thuật tiêm một loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng vào tĩnh mạch của người bệnh để các tế bào ung thư còn lại hấp thụ. Khi tia laser tập trung vào các tế bào ung thư này, thuốc sẽ hoạt động và tiêu diệt chúng.

Hóa trị và xạ trị

Một số khối u nằm sâu bên trong não rất khó loại bỏ mà không làm tổn thương các mô xung quanh. Trong trường hợp này, khối u có thể được điều trị bằng hóa trị, xạ trị hoặc cả hai.

Trong quá trình xạ trị, một liều bức xạ năng lượng cao được tập trung vào khối u để ngăn chặn các tế bào ung thư nhân lên. Bức xạ có cường độ thấp hơn cường độ được sử dụng trong xạ phẫu và được chiếu trong một khoảng thời gian.

Hóa trị là thuốc dùng để tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào và có thể được dùng dưới dạng viên nén, thuốc tiêm hoặc cấy ghép. Carmustine và temozolomide đều là những loại thuốc hóa trị được sử dụng trong điều trị các khối u não cấp độ cao và được mô tả dưới đây.

Xạ phẫu (dao gamma)

Phẫu thuật phóng xạ bao gồm việc tập trung một liều phóng xạ năng lượng cao vào khối u để tiêu diệt nó. Nó khác với xạ trị ở chỗ bức xạ là:

  • Cường độ cao hơn
  • Tập trung vào một khu vực nhỏ hơn của não
  • Được đưa ra trong một phiên (thay vì trong một khoảng thời gian)

Điều này có nghĩa là người i bệnh thường sẽ không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ thông thường nào của xạ trị, chẳng hạn như đỏ da và rụng tóc. Phục hồi tốt và thường không cần phải ở lại qua đêm.

Thuốc:

Thuốc điều trị nhắm mục tiêu (Targeted Drug Therapy)

  • Khác với hóa trị liệu (thường giết chết tất cả các tế bào nào phân chia nhanh chóng), thuốc điều trị nhắm mục tiêu là những loại thuốc chỉ nhắm trực tiếp vào một phần nhất định của tế bào ung thư, ví dụ như nhóm các protein giúp u não phát triển và di căn, qua đó làm chết khối u.
  • Bên cạnh đó, thuốc điều trị nhắm mục tiêu còn có thể thúc đẩy hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào u não một cách tự nhiên, cũng như vận chuyển thuốc hay bức xạ đến tận khối u để tiêu diệt chúng.
  • Thuốc nhắm mục tiêu có thể được truyền vào cơ thể qua đường tiêm tĩnh mạch hay đường uống dưới dạng viên nén, viên nang hoặc chất lỏng uống tại nhà.

Đối với khối u thứ phát ( Do ung thư di căn), khối u não này thường nghiêm trọng và không thể chữa khỏi. Điều trị nhằm mục đích cải thiện các triệu chứng và kéo dài sự sống bằng cách thu nhỏ và kiểm soát khối u. Điều trị có thể bao gồm:

  • Corticosteroid, là  thuốc giúp giảm phù  và áp lực trong não
  • Hóa trị và xạ trị (xem ở trên)
  • Thuốc chống co giật, ngăn ngừa cơn động kinh
  • Thuốc giảm đau để giảm đau đầu
  • Thuốc chống buồn nôn, có thể giúp giảm bớt bệnh tật do áp lực bên trong hộp sọ tăng lên

Chăm sóc người bệnh u não ác tính tại nhà

Khi được chẩn đoán u não ác tính, tất cả mọi người đều rơi vào trạng thái sốc tinh thần, hoang mang, lo lắng thậm chí là không muốn điều trị vì đã chuẩn bị sẵn tinh thần đón nhận kết cục xấu nhất.

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và công nghệ sinh học hiện đại, người bệnh u não ác tính vẫn có thể điều trị và kéo dài tuổi thọ thêm nhiều năm.

Xây dựng tâm lý tích cực

Căng thẳng, lo âu có tác động xấu tới quá trình điều trị bệnh khiến người bệnh càng thêm mệt mỏi, chán nản thậm chí từ bỏ ý định điều trị.

Bản thân người bệnh và người nhà cần xây dựng công tác tư tưởng tốt, hỗ trợ, động viên, thường xuyên trò chuyện và chia sẻ với nhau để giải tỏa căng thẳng

Người bệnh có thể tham gia các hoạt động lành  mạnh như: tập thiền, yoga, làm từ thiện, đọc sách, chơi cờ,... để đầu óc được thư giãn, thoải mái.

Phục hồi chức năng sau điều trị

U não có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu trên não bộ nên nó cũng có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ chức năng sinh học nào trên cơ thể, chẳng hạn như kỹ năng vận động, giao tiếp, thị lực và suy nghĩ. 

Do đó, việc lựa chọn các phương pháp phục hồi chức năng sau điều trị là một phần cần thiết của quá trình hồi phục. Tùy thuộc vào cách điều trị khối u não và nhu cầu của bạn, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến:

  • Vật lý trị liệu (physical therapy): Giúp bạn lấy lại các kỹ năng vận động bị mất như cầm nắm, đi lại, chạy nhảy hoặc các sức mạnh cơ bắp khác.
  • Hoạt động trị liệu nghề nghiệp (occupational therapy): Giúp bạn trở lại các hoạt động sinh hoạt hàng ngày một cách bình thường.
  • Trị liệu ngôn ngữ: Bạn sẽ được gặp gỡ các chuyên gia nghiên cứu bệnh lý về giọng nói để khắc phục chứng khó nói, khó giao tiếp sau khi chữa u não.
  • Gia sư (áp dụng cho trẻ em trong độ tuổi đi học): Giúp trẻ thích ứng với những thay đổi trong suy nghĩ và trong trí nhớ của chúng sau khi điều trị u não.

Có chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp

Chế độ ăn uống cũng đóng góp một phần tích cực giúp người bệnh có một cuộc sống khỏe mạnh hơn. Dưới đây là một vài thực phẩm người bệnh nên sử dụng:

Acid folic: Nếu bạn nhận được đủ axit folic trong chế độ ăn uống, nó sẽ giúp cho bệnh u não lây lan chậm hơn. Mỗi ngày bệnh nhân u não cần cung cấp cho cơ thể ít nhất 400mg acid folic. Ngoài việc bổ sung bằng vitamin tổng hợp có thể bổ sung bằng các loại thực phẩm như:

  • Rau có màu xanh thẫm như cải xoăn, rau bina.
  • Ngũ cốc.
  • Đậu hạt.
  • Các loại hạt như vừng, lạc.
  • Súp lơ xanh.
  • Trái cây, đặc biệt như cam, bưởi.
  • Gan (trong 300gr gan có chứa tới 176 axit folic) và các bộ phận nội tạng.
  • Thịt gia cầm.
  • Nên ăn bữa sáng với ngũ cốc.

Chất chống oxy hóa: Các loại thực phẩm có một số lượng cao chất chống oxy hóa, được biết đến để chống lại và ngăn ngừa u não. Thực phẩm chứa chất chống oxy hóa cao như: quả việt quất, dâu tây và nho, cam quýt, táo,... Các loại trái cây càng tươi, sử dụng ngay sau khi thu hoạch sẽ chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất.

Omega-3: có thể được tìm thấy trong cá, omega -3 không chỉ chống lại bệnh ung thư bằng cách giảm tốc độ tăng trưởng của khối u, mà còn có tác dụng tăng cường hệ thống miễn dịch trong cơ thể. Nếu bạn có thể giúp cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, cơ thể bạn có thể chống lại các tế bào ung thư tốt hơn.

Không sử dụng các chất kích thích như: rượu bia, thuốc lá,...

Đi khám định kỳ

Bên cạnh việc sử dụng thuốc và chăm sóc sức khỏe theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần được đi khám định kì thường xuyên để có thể theo dõi bệnh tình một cách chính xác nhất và có những can thiệp kịp thời khi cần thiết.

Bệnh u não ác tính nói riêng và u não nói chung đều là những căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng. Ngay khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đi khám tổng quát sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết