Lean Startup là gì? Ứng dụng trong Marketing phòng khám

Ứng dụng mô hình Lean Startup trong Marketing phòng khám
Lean Startup là gì ? Ứng dụng Lean Startup trong Marketing phòng khám - Ảnh: BookingCare

Marketing Y tế, Marketing phòng khám vốn là một lĩnh vực đặc thù và khá truyền thống. Nếu tìm kiếm bạn có thể thấy chưa có nhiều tài liệu chuyên môn về lĩnh vực này. Nhiều phòng khám do vậy cũng gặp khó khăn trong việc tham khảo, triển khai Marketing, không biết bắt đầu từ đâu, nên làm gì để đạt được hiệu quả? 

Nếu bạn đang gặp vấn đề trên, Lean Startup là mô hình bạn có thể áp dụng, định hướng tư duy trong triển khai các hoạt động Marketing phòng khám.

Trong nội dung bài viết dưới đây, BookingCare sẽ chia sẻ chi tiết về:

  • Hiểu về Lean Startup là gì?
  • Tại sao phòng khám nên ứng dụng Lean Startup trong Marketing phòng khám?
  • Làm thế nào để áp dụng Lean Startup trong lĩnh vực Marketing Y tế? 

Hiểu về Lean Startup

Lean Startup hay khởi nghiệp tinh gọn là thuật ngữ quen thuộc trong giới Startup, mô hình đã và đang được nhiều công ty khởi nghiệp áp dụng. Lean Startup xuất hiện từ đầu những năm 2000 và phát triển thành phương pháp luận vào khoảng năm 2010. Vậy Lean Startup là gì?

Lean Startup là gì? 

Lean Startup - Khởi nghiệp tinh gọn là phương pháp được sử dụng để thành lập một công ty mới hoặc giới thiệu một sản phẩm mới dựa trên việc lặp lại quy trình xây dựng (Build),đo lường (Measure),học hỏi (Learn). 

Bạn có thể hiểu về ý tưởng của mô hình này như sau:

Khác với cách tiếp cận truyền thống, khi có ý tưởng, bạn sẽ lên kế hoạch bài bản, dành thời gian cả năm hoặc vài năm để phát triển sản phẩm mà chưa biết khách hàng có cần sản phẩm của mình không. Với Lean Startup tập trung vào xây dựng, tung sản phẩm ra thị trường trong thời gian ngắn nhất, thử nghiệm và sửa đổi dựa theo phản hồi thực tế của khách hàng.

Nhìn chung, Lean Startup chú trọng vào xây dựng hơn là hoạch định bài bản; phản hồi thực tế của khách hàng hơn là suy đoán, lập luận; và sự đột phá, sáng tạo hơn là khuôn mẫu truyền thống.

Bởi bản chất trong khởi nghiệp (làm thứ mới) khó có thể dự đoán được tương lai cũng không có kinh nghiệm quá khứ, khó biết chính xác khách hàng muốn gì và cách tiếp cận nào là tốt nhất để tìm kiếm khách hàng hay xây dựng việc kinh doanh bền vững. Để các công ty tìm ra điều gì có thể có tác dụng phải lặp lại quy trình xây dựng, đo lường, học hỏi. 

Quy trình Lean Startup - 3 trụ cột của Lean Startup

BML (Build - Measure - Learn) là chu trình xây dựng - đo lường - học hỏi đã được BookingCare nhắc đến trong phần trên. Quy trình này được diễn giải cụ thể như sau:

  • Xây dựng: 
    • Khi đang xây dựng công ty khởi nghiệp, dữ liệu bạn có thường là không đủ. Điều này làm cho việc tạo ra một sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người mua trở nên khó khăn. Trong tình huống này, bạn phải tạo ra sản phẩm khả dụng tối thiểu - MVP(Minimal Viable Product).
    • Thay vì tập trung vào sản phẩm hoàn hảo ngay từ đầu, MVP tạo ra sản phẩm có những tính năng cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu của người dùng và nhanh chóng tung sản phẩm ra thị trường để nhận phản hồi, có cơ sở đánh giá,...
    • Việc tung sản phẩm khả dụng tối thiểu tránh thất bại, giảm chi phí,... so với việc đầu tư nhiều vào sản phẩm hoàn hảo nhưng không được thị trường đón nhận. 
Lean Startup trải qua nhiều chu kỳ ngắn hạn để phát triển sản phẩm, với mỗi chu kỳ, sản phẩm trở nên tinh gọn và hoàn thiện hơn
Trong Lean Startup qua mỗi chu kỳ BML sản phẩm trở nên tinh gọn và hoàn thiện hơn - Ảnh: BookingCare
  • Đo lường: Sản phẩm khả dụng tối thiểu được tung ra cho một nhóm khách hàng để nhận phản hồi trực tiếp. Các công ty khởi nghiệp đo lường phản hồi của khách hàng bằng các chỉ số định lượng và định tính.
  • Học hỏi: Dựa trên kết quả đo lường quyết định xem có nên tiếp tục cải tiến sản phẩm hay tìm một hướng mới.

Kết thúc chu trình BML này, bạn sẽ bắt đầu lại chu kỳ BML mới nhưng với sản phẩm đã cải tiến nhờ chu kỳ trước. Quá trình này được lặp đi lặp lại tới khi bạn tìm được mô hình kinh doanh bền vững.

Triết lý của Lean Startup nằm ở việc bắt đầu thử nghiệm ở cấp độ nhỏ trước khi tiến đến mở rộng quy mô. 

Tại sao Marketing phòng khám nên ứng dụng Lean Startup?

Tư duy Lean Startup không chỉ được áp dụng trong việc ra mắt sản phẩm mới mà có thể áp dụng trong hoạt động Marketing phòng khám. 

Ứng dụng mô hình khởi nghiệp tinh gọn có thể có Marekting tinh gọn. Dựa trên trụ cột là phương pháp xây dựng, đo lường và học hỏi, Marketing tinh gọn ưu tiên thực thi để phản hồi, rút ​​ra kết luận từ dữ liệu và nhanh chóng thực hiện các thay đổi để thực hiện các hoạt động và chiến dịch Marketing thành công. 

Lấy ví dụ như, bạn mới mở phòng khám hoặc đang triển khai dịch vụ mới (gói khám mới) cho đơn vị của mình và đang lên kế hoạch marketing với mục đích xây dựng nhận diện, thu hút khách hàng online.

Theo tư duy truyền thống, điều đầu tiên mà những người đảm nhiệm mảng này là phải xây dựng một kế hoạch marketing bài bản, bao gồm soạn ra các mục tiêu, những hoạt động sẽ tiến hành, và ước tính ngân sách dành cho hoạt động đó.

Tuy nhiên, với Lean Startup Bạn sẽ bắt đầu từ việc thực hiện một "chiến dịch Marketing Y tế khả dụng tối thiểu" - chỉ bao gồm những hoạt động marketing với đủ những thông điệp quan trọng nhất để lấy phản hồi từ khách hàng. Sau đó quay lại với bản thảo chiến dịch Marketing được chỉnh sửa dựa theo phản hồi thu nhận được.

Ưu điểm áp dụng Lean Startup trong Marketing phòng khám: 

  • Nhanh gọn, cởi mở hơn với việc thử nghiệm
  • Thử nghiệm để tìm ra cách làm, kênh Marketing hiệu quả nhất. 
  • Tránh dành thời gian và nguồn lực cho các hoạt động lãng phí không liên quan.

Đơn cử như việc chạy quảng cáo Google AdWords, bạn có khởi chạy và theo dõi hiệu quả của nhiều mẫu quảng cáo, chọn phiên bản tốt nhất để "đổ tiền". Tương tự như vậy, đối với Marketing qua Email cũng cho phép gửi các mẫu Email khác nhau đến hai nửa data email khách hàng, để đánh giá phản hồi và lập kế hoạch trong tương lai.

Nhìn chung, cho dù bạn chọn cách tư duy truyền thống hay cách tiếp cận tinh gọn, việc hiểu rõ sự khác biệt giữa hai phương pháp này sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc xác định cách tiếp cận nào phù hợp nhất. 

Thay vì mất nhiều thời gian, ngân sách vào lập kế hoạch Marketing, bạn có thể nghiên cứu vừa đủ và bắt tay vào triển khai để kiểm chứng hoạt động nào mang lại hiệu quả, triển khai kênh nào,... 

Để bạn hiểu hơn về cách áp dụng mô hình Lean Startup trong Marketing Y tế, BookingCare sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình trong quá trình sản xuất nội dung Content SEO website theo mô hình Lean Startup.

Ứng dụng Lean Startup trong sản xuất nội dung
Ứng dụng Lean Startup trong sản xuất nội dung Content Marekting - Ảnh: contentmarketinginstitute.com

Xây dựng (lên kế hoạch, sản xuất nội dung)

Khi bắt đầu thực hiện viết nội dung, BookingCare lên ý tưởng về nhóm bài liên quan đến bệnh học và nhóm bài về kinh nghiệm đi khám. Lý do cho ý tưởng này xuất phát từ việc hình dung về khách hàng của mình tìm kiếm điều gì: khả năng cao là họ muốn biết thông tin về bệnh, và muốn biết thông tin về bệnh viện, phòng khám trước khi quyết định đi khám tại đâu.

Sau khi có hình dung như vậy, đội ngũ BookingCare lên kế hoạch viết bài trong 1 tháng, với một số lượng bài nhất định. Các chỉ số sẽ đo lường những gì cũng được chỉ ra rõ. 

Trong quá trình viết bài, BookingCare không đặt kỳ vọng bài viết của mình phải hoàn hảo và đầy đủ thông tin ngay từ đầu. Thay vào đó là nội dung khả dung tối thiểu vẫn đủ cung cấp thông tin cơ bản cần thiết. 

Đo lường hiệu quả nội dung

Sau khi viết bài, BookingCare xuất bản lên website, chia sẻ trên các kênh mạng xã hội và theo dõi xem phản hồi khách hàng.

Các chỉ số như lượng truy cập, thứ trạng trên Google, lượng chuyển đổi được theo dõi thường xuyên 10 ngày 1 lần, trong khoảng 1 tháng. 

Học hỏi từ kết quả đo lường

Sau một thời gian theo dõi, BookingCare nhận thấy các bài viết có hiệu quả là các bài viết chuyên về kinh nghiệm đi khám hơn là các bài viết về bệnh học.

Các bài viết về bệnh học thường khó cạnh tranh với các bài viết trên website của các cơ sở y tế có uy tín, do BookingCare không phải là đơn vị trực tiếp khám, chữa bệnh.

Mặt khác, các bài viết chuyên về kinh nghiệm đi khám lại đạt được hiệu quả Marketing rõ rệt. Đây vừa là thế mạnh của BookingCare (đơn vị kết nối người dùng với bệnh viện, phòng khám),vừa là thông tin mà người dùng quan tâm nhiều. Hơn nữa, đây là nội dung chưa được khai thác nhiều trên Google.

Từ quy trình BML trên, đội ngũ tiến hành kế hoạch chỉnh sửa, bổ sung bài viết về kinh nghiệm đi khám để gia tăng thế mạnh của mình. Hay nói cách khác, BookingCare tiếp tục bắt đầu một chu kỳ mới Xây dựng - Đo lường - Học hỏi.

Lean Startup là phương pháp chú trọng vào thử nghiệm hơn là hoạch định bài bản, phản hồi thực tế của khách hàng hơn là suy đoán lập luận và sự đột phá, sáng tạo hơn là khuôn mẫu truyền thống.

Khó khăn ứng dụng Lean Startup trong Marketing phòng khám

Bạn có thể sẽ hứng thú với mô hình Lean Startup và muốn áp dụng vào chiến dịch Marketing phòng khám sắp tới. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm có thể lường trước một số khó khăn, trở ngại khi ứng dụng mô hình này:

  • Lean Startup đòi hỏi người thực hành phải chấp nhận sự bất toàn: Xu hướng chung của mọi người là muốn sản phẩm hay hoạt động của mình khi tung ra phải hoàn hảo. Tuy nhiên, mô hình Lean Startup yêu cầu bạn phải thực sự chọn lọc, đặt ưu tiên vào những thứ quan trọng, cốt lõi nhất, thay vì phân tán, tập trung nhiều mảng cùng một lúc, vốn là điều rất khó đối với những cơ sở không có nhiều nguồn lực.
  • Lĩnh vực Y tế thường ngại thử nghiệm: Y tế là lĩnh vực khá truyền thống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thường có xu hướng né tránh rủi ro. Mọi người thường ngại thử nghiệm điều mới. Chính vì thế có thể nhận xét y tế là lĩnh vực thường chậm trong đổi mới, sáng tạo hơn so với các lĩnh vực khác. 
  • Những nhà lãnh đạo bệnh viện, phòng khám không thực sự thúc đẩy tinh thần Lean Starup: Nếu lãnh đạo bệnh viện, phòng khám muốn đưa tinh thần khởi nghiệp tinh gọn vào trong tổ chức của họ, nhưng nhân viên không thực sự hứng thú, dám thử nghiệm, học hỏi, thì khả năng thành công cũng rất thấp.

Tạm kết

Lean Startup trong Marketing phòng khám không thể đảm bảo bạn sẽ luôn gặt hái được thành công, nhưng đó là phương pháp giúp bạn giảm thiểu tối đa rủi ro thất bại.

Triết lý của Lean Startup nằm ở việc bắt đầu thử nghiệm ở cấp độ nhỏ trước khi tiến đến mở rộng quy mô. Lời khuyên ở đây là bạn có thể tự thực hành thử nghiệm ở những hoạt động nhỏ, dễ thực hiện. Hy vọng nội dung này sẽ hữu ích cho phòng khám khi triển khai các hoạt động Marketing cho đơn vị

 
 
BookingCare tổng hợp
Tài liệu tham khảo
1. https://hbr.org/2013/05/why-the-lean-start-up-changes-everything
2. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1474667016322042
3. http://theleanstartup.com/principles
4. https://www.mgma.com/resources/business-strategy/using-the-lean-startup-model-to-drive-healthcare-p
5. https://www.linkedin.com/pulse/challenges-lean-startup-methods-selling-healthcare-russell-benaroya/
6. https://blog.mbudo.com/english/what-is-lean-startup-five-marketing-tactics-to-make-startup-lean
7. https://contentmarketinginstitute.com/articles/leaner-effective-content-marketing/
8. https://surferseo.com/blog/what-is-lean-marketing/
Góp ý về bài viết

Chúng tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc và các nhà chuyên môn về nội dung bài viết này.

Xuất bản: 17/08/2022, Cập nhật lần cuối: 14/10/2022

BookingCare là gì?

BookingCare là một nền tảng công nghệ.

Giúp bệnh nhân dễ dàng lựa chọn bác sĩ chuyên khoa phù hợp và đặt lịch nhanh chóng.

Giúp bác sĩ và cơ sở y tế xây dựng uy tín, thương hiệu online, tăng số lượng bệnh nhân, tăng hiệu quả quản lý.

Liên hệ hợp tác
Mục lục
Nội dung chính
© 2024 BookingCare.
TiktokFacebook/Youtube/