Ung thư nội mạc tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Những điều bạn cần biết về ung thư nội mạc tử cung
Những điều bạn cần biết về ung thư nội mạc tử cung - Ảnh: BookingCare

Ung thư nội mạc tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Tác giả: - Xuất bản: 23/12/2023 - Cập nhật lần cuối: 10/01/2024
Ung thư nội mạc tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa mà chị em phụ nữ có thể gặp phải. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh, đặc biệt ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Ung thư nội mạc tử cung thường gặp ở các nước công nghiệp phát triển, đặc biệt ở các nước Bắc Mỹ, Bắc Âu, Tây Âu,... và ít gặp ở các nước đang phát triển như châu Á.

Ở nước ta hiện nay ung thư nội mạc tử cung có tỷ lệ mắc đứng sau ung thư cổ tử cung (tỷ lệ 1/9). Bệnh nhân mắc bệnh thường chiếm tới 75% trong thời kỳ đã mãn kinh, chỉ 4% mắc ở tuổi trước 40.

Đây là bệnh lý phụ khoa nguy hiểm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của phụ nữ. Cùng BookingCare tìm hiểu về vấn đề sức khỏe này qua bài viết dưới đây.

Ung thư nội mạc tử cung là gì?

Ung thư nội mạc tử cung - Ảnh: Freepik
Ung thư nội mạc tử cung - Ảnh: Freepik

Ở người phụ nữ, nội mạc tử cung luôn được tái tạo, phát triển và bong ra theo chu kỳ kinh nguyệt. Chức năng chính của nội mạc tử cung là tạo ra môi trường tốt cho trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển.

Những thay đổi của nội mạc tử cung có liên quan chặt chẽ với sự kích thích của nội tiết tố buồng trứng. Vì một nguyên nhân nào đó làm cho lớp nội mạc này phát triển và biệt hóa bất thường có thể dẫn đến hình thành các tế bào và tổ chức ác tính. Từ đó dẫn đến bệnh lý Ung thư nội mạc tử cung.

Phần lớn những tế bào bất thường xuất phát từ nội mạc vùng đáy tử cung, xâm lấn lớp cơ tử cung, cổ tử cung, vòi trứng, buồng trứng và lan tràn sang các cơ quan khác trong cơ thể gây nên hiện tượng di căn nếu không được phát hiện sớm.

Dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung

Ung thư nội mạc tử cung thường không gây ra các triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên khi bệnh phát triển có thể xuất hiện một số dấu hiệu và triệu chứng. Dưới đây là một số dấu hiệu ung thư nội mạc tử cung mà phụ nữ có thể lưu ý:

  • Rong huyết: Máu có thể ra tự nhiên hay do kích thích. Có thể khó phân biệt giữa xuất huyết tử cung bất thường do rối loạn phóng noãn ở độ tuổi tiền mãn kinh với do ung thư nội mạc tử cung
  • Ra khí hư lẫn máu mủ: Thời kỳ đầu có thể ra dịch trong, sau do nhiễm khuẩn khí hư nặng mùi có thể lẫn máu.
Đau bụng dưới trong ung thư nội mạc tử cung - Ảnh: Freepik
Đau bụng dưới trong ung thư nội mạc tử cung - Ảnh: Freepik
  • Đau bụng dưới hoặc ngang thắt lưng: Bệnh nhân thường đau ở khu vực bụng dưới, đặc biệt là khi quan hệ tình dục hoặc có áp lực đè lên dù chỉ với lực nhẹ. Khi xâm lấn vào cơ quan lân cận sẽ gây đau nhiều hơn.
  • Thay đổi thói quen đại tiện, tiểu tiện: Khối u phát triển lớn gây chèn ép trực tràng, chèn ép bàng quang, khiến người bệnh gặp các vấn đề trong việc tiểu tiện.
  • Sụt cân không rõ lý do: Tình trạng giảm cân mà không có lý do rõ ràng, có thể là một dấu hiệu của vấn đề sức khỏe, bao gồm cả ung thư nội mạc tử cung.

Những triệu chứng trên thường không đặc hiệu với tình trạng bệnh nên thường dễ bỏ qua trong giai đoạn sớm.

Ung thư nội mạc tử cung do những nguyên nhân nào?

Ung thư nội mạc tử cung thường xuất phát từ sự rối loạn nội tiết sinh sản hoặc do các biến đổi gen trong tế bào tử cung, dẫn đến sự phát triển bất thường và không kiểm soát của chúng. Mặc dù nguyên nhân ung thư nội mạc tử cung cụ thể vẫn chưa rõ nhưng có một số yếu tố được xác định có thể tăng nguy cơ phát triển.

  • Nhiễm trùng HPV (Human Papillomavirus): HPV là một trong những nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung và cũng được liên kết với ung thư nội mạc tử cung. Một số loại HPV có thể gây ra biến đổi gen và tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung.
  • Tăng cường sản xuất estrogen: Sự tăng cường tiếp xúc với estrogen mà không có sự cân bằng với progesterone có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung. Các yếu tố này bao gồm sử dụng hormon thay thế sau mãn kinh, dùng thuốc tránh thai mà không có hormone progesterone, hoặc có thể do tăng sản xuất estrogen do cân nặng quá mức.
  • Tuổi tác: Nguy cơ ung thư nội mạc tử cung tăng lên với tuổi, đặc biệt là sau tuổi 50.
  • Yếu tố gen: Có một số trường hợp ung thư nội mạc tử cung xuất hiện trong gia đình, cho thấy có yếu tố gen gia đình.
  • Rối loạn chế độ ăn và cân nặng: Rối loạn chế độ ăn, béo phì, và thiếu vận động có thể tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung.
  • Tiền sử về các tình trạng y tế khác: Các tình trạng như đái tháo đường, tăng huyết áp, và các bệnh lý về buồng trứng cũng có thể tăng nguy cơ.
  • Khói thuốc lá: Khói thuốc lá cũng đã được liên kết với tăng nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung.

Những yếu tố này thường tương tác với nhau và có thể ảnh hưởng đồng thời đến nguy cơ phát triển ung thư nội mạc tử cung.

Chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung bằng cách nào?

Thăm khám lâm sàng

Thăm khám âm đạo  thấy tử cung to hơn bình thường, có thể phát hiện thấy u khi tổn thương xâm lấn ra ngoài thanh mạc hoặc ra tổ chức lân cận, có khi u lan tràn cả xuổng cổ tử cung.

Ở giai đoạn đầu có thể thấy tử cung bình thường, chỉ thấy ra huyết. Toàn thân bệnh nhân có thể đau sốt dễ nhầm lẫn với một tình trạng bội nhiễm trong lòng tử cung.

Các xét nghiệm cận lâm sàng

  • Siêu âm: xác định hình thể tử cung và buồng tử cung. Đánh giá bề dày nội mạc tử cung, tình trạng ứ dịch, bướu vùng chậu,...
  • Chụp buồng tử cung: Chụp buồng tử cung với thuốc cản quang thấy hình ảnh khuyết và nham nhở trong buồng tử cung. Chụp buồng tử cung cũng giúp cho việc xác định vị trí tổn thương để nạo và sinh thiết đem lại kết quả dương tính cao.
  • Nạo sinh thiết buồng tử cung: Đây là phương pháp nhằm lấy được tế bào và tổ chức mô để chẩn đoán xác định bằng giải phẫu bệnh.
  • Ngoài ra cần làm thêm các cận lâm sàng khác như: Chụp X-quang, Công thức máu, máu lắng,... để xác định tình trạng bệnh.

Chẩn đoán phân biệt

Với những bệnh nhân mãn kinh có rong huyết cần chẩn đoán phân biệt với:

  • Ung thư cổ tử cung.
  • U xơ tử cung hoặc polyp tử cung.
  • Khối u buồng trứng tiết  nội tiết.
  • Viêm tử cung hoặc cổ tử cung ở người già.
  • Tăng sinh nội mạc tử cung.
  • Ung thư tế bào mầm.
  • Sót rau xảy ra ở những bệnh nhân vừa đẻ hoặc vừa xảy.

Việc chẩn đoán phân biệt là cực kỳ quan trọng để đưa ra phương pháp điều trị chính xác nhất cho bệnh nhân. Tránh điều trị sai vừa không điều trị đúng bệnh, vừa làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Điều trị ung thư nội mạc tử cung có được không?

Ung thư nội mạc tử cung thường được chẩn đoán khi bệnh còn khu trú, các tế bào ác tính chưa lan ra khỏi thân tử cung nên được điều trị tốt và có tỷ lệ khỏi lên tới 90%.Có nhiều phương pháp điều trị ung thư nội mạc tử cung.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu cho hầu hết bệnh nhân, tuy nhiên trong một vài trường hợp, các phương pháp khác có thể được sử dụng. Lựa chọn chiến lược điều trị đối với bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung dựa trên các yếu tố:

  • Giai đoạn và độ mô học của ung thư
  • Khả năng chữa khỏi hoặc điều trị triệu chứng bệnh của từng phương pháp
  • Tuổi
  • Toàn trạng và các bệnh đi kèm của bệnh nhân
  • Đáp ứng điều trị của bệnh nhân và tác dụng phụ của điều trị

Xạ trị

Tia xạ được dùng như một liệu pháp bổ trợ cho phẫu thuật giúp giảm tái phát.

Xạ trị có thể dùng xạ ngoài hoặc xạ trong bằng Radium hoặc Iridium tại chỗ sau đó dùng Co60 chỉ định cho những bệnh nhân không thể mổ được và các trường hợp đã có di căn hoặc tái phát.

Điều trị hóa chất và nội tiết.

Hoá trị sử dụng hoá chất để diệt tế bào ung thư. Hoá chất được đưa vào cơ thể thông qua đường truyền tĩnh mạch hoặc đường uống, từ đó vào máu và được đưa đi khắp cơ thể. Hoá chất được sử dụng theo các chu kỳ, giữa các chu kỳ lại có các quãng nghỉ. Đa số trường hợp các bác sĩ chỉ định phối hợp 2 hoá chất trở lên. Điều trị hoá chất có thể kéo dài nhiều tháng.

Điều trị hoá chất có thể khiến người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi, ăn uống kém, rụng tóc. Tuy nhiên, các tác dụng phụ trên thường giảm theo thời gian sau kết thúc điều trị.

Phương pháp này sử dụng nội tiết tố hoặc các thuốc kháng nội tiết để điều trị ung thư. Các thuốc này không giống các thuốc điều trị triệu chứng của mãn kinh.

Ung thư nội mạc tử cung hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện trong giai đoạn sớm của bệnh. Vì vậy khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường trong cơ thể, đặc biệt là các dấu hiệu về các bệnh phụ khoa của chị em phụ nữ cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.

Tài liệu tham khảo
Lưu ý khi sử dụng
Góp ý về bài viết